Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Australia tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Julie Bishop - 17/02/2014 11:17
 
Trước chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 - 19/2, Nghị sĩ Julie Bishop, Ngoại trưởng Australia đã có bài viết riêng cho Báo Đầu tư, chia sẻ tầm nhìn trong quan hệ song phương giữa hai nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến ngoại giao kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

Tôi rất vui mừng được đến Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Australia.

Cầu Mỹ Thuận nối Vĩnh Long với Tiền Giang được Chính phủ Australia tài trợ 66% vốn đầu tư

Năm 2013 đã ghi dấu kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam.

Chúng ta đã cùng nhau kỷ niệm sự phát triển của mối quan hệ đã phát triển rất sâu rộng này.

Hai nước đã hợp tác một cách xây dựng trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật. Chúng ta cũng đang xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi tính bổ sung nhau của hai nền kinh tế. Australia hiện là quốc gia cung cấp viện trợ phát triển song phương lớn thứ 4 của Việt Nam. Australia hiện là điểm đến du học được yêu thích đối với sinh viên Việt Nam và là quốc gia đón nhận nhiều du học sinh Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Trên cơ sở nền tảng vững chắc đó, năm kỷ niệm này là cơ hội để hai quốc gia xây dựng một tầm nhìn chung cho quan hệ song phương trong 40 năm tiếp sau. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi sẽ đi thăm và làm việc ở cả Hà Nội và TP.HCM nhằm hướng tới một tầm nhìn chung, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Nghị sĩ Julie Bishop, Ngoại trưởng Australia
Nghị sĩ Julie Bishop, Ngoại trưởng Australia

Australia là một nền kinh tế thị trường mở với định hướng xuất khẩu và hội nhập với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì vậy, sự thịnh vượng và an ninh của Australia có liên quan chặt chẽ tới các quốc gia láng giềng.

Vì lý do này, chúng tôi đặt ngoại giao kinh tế ở vị trí trung tâm trong chính sách quan hệ của Australia với khu vực, trong đó có Việt Nam. Nếu mục tiêu của ngoại giao truyền thống là hòa bình, thì mục tiêu của ngoại giao kinh tế là sự thịnh vượng.

Australia và Việt Nam đang ngày càng có nhiều mối liên kết. Không quốc gia nào có thể thịnh vượng mà không song hành với sự thịnh vượng của các quốc gia khác. Tôi tin tưởng rằng, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có thể hưởng lợi nếu hoạt động ngoại giao kinh tế được định hướng tốt. Điều này đặc biệt đúng đối với Việt Nam và Australia.

Ngoại giao kinh tế có nghĩa là hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế, đặc biệt trong khu vực của chúng ta. Australia đang tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và giúp cải thiện mức sống của người dân. Điều đặc biệt quan trọng là, chúng ta luôn nỗ lực tạo điều kiện tốt và phù hợp cho đầu tư và thương mại phát triển. Hoạt động hỗ trợ phát triển được định hướng tốt là một phần quan trọng của những nỗ lực này.

Hợp tác phát triển trong một thời gian dài đã và đang là một trong những trụ cột của mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Trong năm tài khóa 2013 - 2014, Australia sẽ cung cấp 136,3 triệu đô-la viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Khoản hỗ trợ này sẽ dành cho việc giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề đói nghèo còn lại thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và vượt qua những thách thức về môi trường.

Chương trình viện trợ của Australia trực tiếp giải quyết những thách thức mà Việt Nam phải đương đầu trong quá trình phấn đấu trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa.

Trong khuôn khổ chương trình này, Australia tài trợ việc xây dựng cầu Cao Lãnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương của tỉnh Đồng Tháp, giúp thu hút đầu tư và tạo cơ hội di chuyển người và hàng hóa tới các thị trường thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và cả ra bên ngoài. Đây là một ví dụ cụ thể về việc viện trợ của Australia đang đóng góp trực tiếp vào kết nối ASEAN và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Đối với bất cứ quốc gia nào, để phát huy tối đa tiềm năng, điều cần thiết là phải xây dựng một lực lượng lao động được giáo dục và đào tạo tốt để tận dụng các cơ hội kinh tế và thương mại trong khu vực đang ngày càng gắn kết.

Australia hiện là quốc gia đứng đầu về cung cấp học bổng chính phủ cho Việt Nam. Chúng tôi đã cung cấp khoảng 4.500 suất học bổng cho Việt Nam trong 40 năm qua, trong đó có 462 suất học bổng thuộc Chương trình Australia Awards cho riêng năm 2013.

Những suất học bổng này mang đến cho những lãnh đạo tương lai của Việt Nam cơ hội học tập, nghiên cứu và phát triển chuyên môn trên nhiều lĩnh vực tại Australia. Học bổng học tập tại Australia đang đóng góp tích cực vào sự phát triển nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện sinh kế cho người Việt Nam.

Tuy nhiên, cung cấp học bổng chỉ là một phần của câu chuyện. Giáo dục hiện là lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Australia sang Việt Nam. Năm 2013, có hơn 24.500 sinh viên Việt Nam nhập học tại Australia. Các trường đại học hàng đầu của Australia cũng đang đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Đại học RMIT, Đại học Queensland, Đại học New South Wales và Đại học La Trobe. Hiện có khoảng 12.000 sinh viên Việt Nam theo học các chương trình đại học và đào tạo dạy nghề của Australia tại Việt Nam.

Vẫn còn rất nhiều điều mà Australia có thể làm để thắt chặt quan hệ thương mại và phát triển của 2 quốc gia. Về phía chúng tôi, cũng cần phải đảm bảo rằng, các thế hệ doanh nhân, nhà nghiên cứu và chuyên gia trẻ của Australia có hiểu biết tốt về châu Á.

Chính vì điều này, tôi đặc biệt quan tâm tới Chương trình New Colombo Plan (NCP), một sáng kiến mới của Australia. Chương trình này sẽ giúp gia tăng thêm sự thịnh vượng và hiệu quả năng suất ở cả Australia và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chương trình NCP sẽ đem đến nhiều cơ hội học tập tại các trường đại học trong khu vực cho sinh viên Australia. Những sinh viên này cũng sẽ có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp địa phương như một phần trong chương trình học tập của họ. NCP đang trong quá trình thí điểm và sẽ được nhân rộng trong khu vực vào năm 2015. Tôi mong chờ được thảo luận với những người đồng cấp tại Hà Nội về sự tham gia của Việt Nam vào chương này.

Chính sách ngoại giao kinh tế của chúng tôi cũng có nghĩa là hỗ trợ xây dựng và phát triển một khu vực tư nhân vững mạnh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tăng cường phát triển kinh tế.

Quan hệ thương mại giữa Australia và Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ được hỗ trợ bởi tính bổ sung của hai nền kinh tế. Xuất khẩu hàng hoá của Australia sang Việt Nam tăng trung bình hơn 16%/năm trong thập kỷ vừa qua và nhiều doanh nghiệp Australia đang đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam.

Với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, an ninh thực phẩm và năng lượng trở nên rất quan trọng với Việt Nam. Australia đã và có thể tiếp tục có những đóng góp đáng kể cho mục tiêu này thông qua việc cung cấp hàng hoá, chuyên môn, công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Một số doanh nghiệp Australia đã đầu tư hoặc đang bày tỏ sự quan tâm đối với các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng - khoáng sản của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh thương mại và đầu tư, cần có một môi trường kinh doanh và pháp lý cởi mở, minh bạch và ổn định.

Ngoại giao kinh tế cũng có nghĩa là tiếp tục hỗ trợ cho một hệ thống thương mại quốc tế mở. Australia là quốc gia đã và đang được hưởng lợi từ quá trình tự do hóa thương mại và chúng tôi tin rằng, các thị truờng quốc tế mở và hiệu quả hơn sẽ làm lợi cho khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Australia và Việt Nam vẫn đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đạt được mục tiêu này. Australia đã tích cực ủng hộ việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.

Chúng tôi đang rất mong chờ để được hợp tác với Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định về Thuận lợi hóa thương mại trong WTO mới được ký kết. Theo dự tính, Hiệp định này sẽ mang lại thêm cho nền kinh thế thế giới 1.000 tỷ USD mỗi năm và tạo ra 20 triệu việc làm, trong đó có 18 triệu việc làm cho các nền kinh tế đang phát triển.

Australia và Việt Nam đang tham dự vào những sáng kiến kinh tế khu vực quan trọng, như Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực với các quốc gia trong khối ASEAN cũng như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, liên quan đến 12 quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đồng thời, hai nước theo đuổi những lợi ích thông qua WTO và hệ thống thương mại đa phương, tiếp cận thị trường có được từ những hiệp định thương mại khu vực mà sẽ làm lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu và những nhà đầu tư của cả hai quốc gia và tăng cường sự thịnh vượng của hai nền kinh tế.

Chúng ta cũng sẽ hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ APEC để khuyến khích thương mại và tự do hoá đầu tư cũng như hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong khu vực. Australia mong muốn tăng cường sự hợp tác này trong quá trình chuẩn bị cho việc Việt Nam đăng cai hội nghị APEC 2017.

Australia và Việt Nam đã và đang cùng làm việc trong lĩnh vực hợp tác tài chính và kết nối trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Đông Á. Australia cam kết là bạn và là đối tác lâu dài của khối ASEAN.

Chúng tôi cam kết hợp tác với các quốc gia ASEAN trong việc thực hiện các mục tiêu của khối, trong đó có mục tiêu phát triển thương mại và đầu tư mở hơn trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trong năm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Australia và đây sẽ là cơ hội để vạch ra những phương hướng chiến lược mới trong quan hệ đối tác của chúng ta.

Trên cơ sở mối quan hệ Australia - Việt Nam đã được thắt chặt trong 4 thập kỷ qua, tôi rất lạc quan về mối quan hệ này trong 40 năm tiếp theo. Tôi cho rằng, quan hệ song phương giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực và ngoại giao kinh tế sẽ hỗ trợ các hoạt động hợp tác của chúng ta.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư