Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Ba sự thật bất ngờ về ứng phó đám cháy ở công sở
Quang Hưng - 16/08/2014 12:13
 
() Lời cảnh báo chuyện nước xa, lửa gần là điều ai cũng được nghe nhưng không phải ai cũng ý thức đầy đủ. Có những điều tưởng như thuộc lòng, nhưng khi có còi báo cháy, lại không ai hành động đúng như yêu cầu. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tính mạng trước khi nghĩ đến chuyện góp phần chữa cháy.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chung cư từ 5 tầng phải có bản thiết kế phòng cháy
Cháy lớn thiêu trụi quán Karaoke, 5 người tử vong
Công ty Diana ở Khu công nghiệp Vĩnh Tuy đang cháy lớn
  Ba sự thật bất ngờ về ứng phó đám cháy ở công sở  
  Đội viên đội PCCC Báo Đầu tư thực tập chữa cháy. Ảnh: Hữu Tuấn  

Sáng 16/8, Báo Đầu tư thực hiện diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy (PCCC), thoát nạn tại trụ sở 47 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. 

Phương án diễn tập là tình huống xảy ra cháy tại tầng 4 với khói, khí độc bao trùm toàn bộ tòa nhà. Các đội viên phòng cháy chữa cháy có nhiệm vụ di chuyển phương tiện cứu hỏa, tài liệu và hướng dẫn mọi người phương án thoát hiểm.

10h30 phút sáng 16/8, phương án diễn tập chữa cháy bắt đầu. Đặc biệt đáng khen là một số chị em phụ nữ, dù không nằm trong diện bắt buộc nhưng vẫn tham gia phương án chữa cháy hết sức nhiệt tình, sử dụng phương tiện cứu hỏa (bình bột, bình khí) khá thành thục. Điều này quả là đáng nể nhưng có lẽ cũng rất thiết thực, vì các chị, các mẹ là những người thường xuyên tiếp xúc với bà hỏa (bếp) trong mỗi ngôi nhà.

  cách sử dụng bình chữa cháy  
  Các mẹ, các chị can đảm như thế này (ảnh), anh em cũng thấy cần cố gắng!
Ảnh: Hữu Tuấn
 

Trở lại với các đội viên phòng cháy chữa cháy của cơ quan, một số anh em phản ứng khá thành thục (bởi đã qua đợt tập huấn những năm trước).

Tuy nhiên, cũng có người dù ở trong lớp học lý thuyết phát biểu rất hăng, trả lời các câu hỏi về kỹ thuật sử dụng bình bột, bình khí rất "ngọt", nhưng đến khi thực tập vẫn "cà cuống", cắn răng cắn lợi bóp cò trong khi chưa giật chốt bình. Chỉ xin nói thêm, nếu là cháy thật chắc giờ này cái tay "chữa cháy bằng lý thuyết" ấy không còn ngồi đây viết đến các bạn những dòng này! Bài học rút ra ở đây là "dù hay vẫn phải quen tay".

Lời nói chỉ có thể chữa ngượng, không thể dập lửa các bạn nhé! Các anh, các chị, nếu có cơ hội thực tập các phương án phòng cháy chữa cháy xin đừng bỏ qua. Các anh hay la cà bia bọt hãy tạm dừng uống một hôm, đi mua cho gia đình một chiếc bình bột (là bình bột nhé -  loại này an toàn vì nếu trẻ nhỏ lỡ tay giật chốt, bình bị xì cũng không bị bỏng lạnh. Bình khí CO2 khi xì luồng khí lạnh tới âm 70 độ, bỏng lạnh nguy hiểm hơn bỏng lửa rất nhiều lần ạ).

  cách sử dụng bình cứu hỏa  
  5 phút đầu tiên kể từ khi phát hiện ra đám cháy là khoảng thời gian tốt nhất để chữa cháy và thoát nạn an toàn. Khi phải đối mặt với lửa, hãy đưa ra quyết định chính xác, bình tĩnh và đoàn kết. Người trước sử dụng bình xịt, người sau hãy chuẩn bị phương án kế tiếp vì bình xịt đầu tiên có thể không dập được ngọn lửa (Ảnh: Hữu Tuấn)  

11h, phần quan trọng nhất của buổi diễn tập bắt đầu. Phương án thoát nạn đặt ra là có đám cháy ở tầng 4 của tòa nhà 6 tầng, khói, khí độc bao phủ toàn bộ tòa nhà. Trong khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đang di chuyển đến hiện trường, các đội viên phòng cháy, chữa cháy có nhiệm vụ đưa phương tiện cứu hỏa dập đám cháy, vận chuyển tài liệu quan trọng và hướng dẫn mọi người qua cầu thang thoát hiểm an toàn.

Dù được cảnh báo từ trước, nhưng đến khi tình huống giả định xảy ra mới thấy, chỉ có 1 số ít người phản ứng đúng theo tình huống giả định.

Thứ nhất, đã không có bất kỳ 1 tiếng hô hoán nào về việc có cháy dù trước đó, giảng viên hướng dẫn đã yêu cầu trước khi di chuyển phải lấy hết sức hét "cháy, cháy, cháy" cho những người xung quanh biết. Nhớ là gào to hết sức có thể nhé, đừng ngượng! Lời hét của bạn có thể cứu được sinh mạng của nhiều người khác!

Thứ hai, dù đám cháy là to hay nhỏ, khói nhiều hay khói ít cũng không được chủ quan. Điều này người viết rút ra từ chính bản thân. Nghĩ là diễn tập nên chắc khói lửa cũng bình thường nên khi có lệnh, từ tầng 6 của tòa nhà, rất hăng hái một tay xách bình cứu hỏa, 1 tay lột áo trùm đầu lần theo cầu thang thoát hiểm xuống tầng 1 mà không nhúng áo vào nước cho ướt để giảm lượng khí độc hít vào phổi.

Thực tế là dù còn đương trai, sức vóc không đến nỗi nào mà cũng chỉ di chuyển được 2 tầng, đến tầng 4 (đúng nơi lửa và khói bao phủ), tôi đã bắt đầu ngạt thở và hoảng. Đến lúc này mới nhớ lời thầy giáo là nếu không tìm được nước thì phải dùng nước bọt hoặc nước tiểu làm ướt áo trùm lên đầu trước khi di chuyển!

Bài học rút ra ở đây là hãy cố gắng làm mọi thứ như thật. Diễn tập mà còn phạm sai lầm thế này, thì khi xảy ra cháy thật, sẽ không có cơ hội để sửa sai. Vạn bất đắc dĩ, thứ nước mà thường ngày mọi người vẫn xa lánh ấy có thể cứu mạng mỗi chúng ta khi có cháy nhé! Một điều lưu ý nữa với mọi người là khi di chuyển (thang bộ, thang thoát hiểm) hãy cố gắng đi sát vào tường vì đi bên phần lan can có thể bị người khác xô đẩy rơi ra ngoài (xuống đất theo chiều thẳng đứng đấy ạ).

   
  80% số người tử vong trong các vụ cháy là do bị ngạt khói, khí độc nên việc đầu tiên khi thoát nạn là bảo vệ đường hô hấp bằng cách mặt nạ phòng độc, khẩu trang, khăn mặt, khăn tắm, khăn trải bàn, quần áo dấp nước để bịt mũi (Ảnh: Hữu Tuấn)  

Thứ ba - điều này đặc biệt đáng lưu tâm - là dù đã có cảnh báo diễn tập (với khói lửa như thật cùng tiếng hú còi, phun nước từ xe chữa cháy chuyên dụng), chuông báo cháy kêu liên hồi, mọi người trong cơ quan vẫn khá bình thản. Cái này một phần lý do là đã có lúc chuông báo cháy bị chập điện, báo cháy giả nhưng điều đó không bào chữa cho ý thức thoát hiểm, thoát nạn của mọi người!

Hậu quả là phải đến khi không chịu nổi vì khói quá dày đặc, mọi người mới chạy. Nhiều người ra khỏi tòa nhà trong tình trạng nước mắt giàn giụa, "mặt cắt không còn giọt máu" vì cứ tưởng các anh cảnh sát phòng cháy chữa cháy đùa chứ không mạnh tay thế này. Chỉ có 2 người trên tổng số gần 100 cán bộ, nhân viên (gồm cả đội viên phòng cháy chữa cháy) di chuyển theo đúng phương án được hướng dẫn, qua cầu thang thoát hiểm ra ngoài an toàn.

Bài học rút ra ở đây là cứ nghe thấy chuông báo cháy (hoặc chuông cửa ấn liên hồi) là chạy nhé, vừa chạy vừa hô "cháy, cháy, cháy". Ngửi thấy khói, lập tức cởi áo, đổ nước vào áo bịt vào mũi nhé! Các mẹ, các chị có quyền lựa chọn, nhưng có thứ gì bằng vải ở trên người, nhất thiết phải dùng mà thấm nước, rồi bịt mũi mà chạy nhé! Trước sự sống và cái chết, đừng ngượng!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư