Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Bán hàng là ưu tiên hàng đầu với nhà sáng lập
Đức Thọ - 05/11/2023 08:06
 
Một nhà sáng lập thường cùng lúc đối diện với nhiều vấn đề khi gây dựng start-up. Nhưng theo các chuyên gia, bán hàng luôn phải là ưu tiên hàng đầu.

“Không start-up nào thành công mà không cần bán hàng”, tỷ phú Mark Cuban đã nói như vậy trong một video gần đây khi bàn về câu chuyện khởi nghiệp. Ông cho rằng, chỉ bằng cách liên tục bán sản phẩm, start-up mới có thể tồn tại.

Trên thực tế, bán hàng, đặc biệt với những sản phẩm, dịch vụ còn non trẻ, là một hoạt động vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, giới chuyên gia đều đồng ý rằng, chỉ bằng cách trực tiếp ra ngoài, tìm kiếm giao dịch, có được khách hàng và thậm chí là đánh mất khách hàng, thì nhà sáng lập mới hiểu rõ mục đích kinh doanh của mình. Thông qua quá trình bán hàng, mỗi nhà sáng lập sẽ hiểu rõ chân dung khách hàng, cũng như biết được sản phẩm do start-up cung cấp phù hợp với nhu cầu thị trường chưa.

Đặt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư thắt chặt như hiện nay, bán hàng càng là hoạt động ưu tiên hàng đầu với startup - những doanh nghiệp luôn cần tiền mặt để duy trì hoạt động.

“Khoản đầu tư tốt nhất bạn có thể nhận được là khoản đầu tư đến từ khách hàng của mình. Tại Close, sau hơn một thập kỷ hoạt động, chúng tôi vẫn phát triển mạnh mẽ mà không cần huy động một xu nào”, Nick Persico, Trưởng bộ phận sales và marketing tại Close - một nền tảng CRM của Mỹ cho biết.

Theo Nick Persico, trong quy trình hình thành của start-up, nhà sáng lập luôn là người phụ trách hoạt động bán hàng. Trường hợp đội ngũ sáng lập gồm nhiều thành viên, start-up cần chỉ định một nhân sự cụ thể phụ trách riêng mảng khách hàng (gồm cả bán hàng và chăm sóc khách hàng) để đảm bảo hoạt động bán hàng không rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Ngoài ra, trong các cuộc họp, nhà đồng sáng lập phụ trách bán hàng có thể được coi như đại diện tiếng nói khách hàng, đưa ra những thông tin mang tính lý trí và sát với thị trường, thay vì dựa trên suy nghĩ chủ quan của đội ngũ sáng lập.

Thông qua quá trình bán hàng, nhà sáng lập sẽ hiểu rõ chân dung khách hàng, cũng như biết được sản phẩm do start-up cung cấp phù hợp với nhu cầu thị trường chưa.

Tuy nhiên, khi start-up ngày càng phát triển, nhà sáng lập hay một thành viên đồng sáng lập không thể là người duy nhất chịu trách nhiệm về hoạt động bán hàng. Start-up cần có thêm nhiều nhân sự để cùng bán hàng, mở rộng kinh doanh và tăng nhận diện thương hiệu trên thị trường.

Vấn đề đặt ra là, khi nào start-up nên thuê nhân viên bán hàng đầu tiên? Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong hoạt động khởi nghiệp và bán hàng, Nick Persico cho rằng, start-up chỉ nên bắt đầu thuê nhân viên bán hàng khi có quy trình rõ ràng, có thể lặp lại và mở rộng quy mô lớn hơn. Còn với vị trí trưởng phòng kinh doanh hay lãnh đạo đội bán hàng, Nick Persico khuyên start-up nên bắt đầu thuê nhân sự nếu đã có ít nhất 2 nhân viên bán hàng xuất sắc, cũng như đạt ngưỡng doanh thu trung bình 1 triệu USD/năm. “Trước khi đạt đến mốc này, nhà sáng lập phải là người lãnh đạo đội bán hàng, phụ trách trực tiếp từng nhân sự bán hàng được tuyển vào”, Nick Persico nói.

Hai cựu kỹ sư Google lập start-up vật lý số đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 1/10, start-up Phygital Labs chính thức ra mắt và giới thiệu giải pháp "Nomion: Định danh số vạn vật - kiến tạo nền kinh tế số".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư