Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Băn khoăn việc tập đoàn, tổng công ty nhà nước được thành lập cơ quan báo chí
Mạnh Bôn - 18/09/2015 08:30
 
Dự thảo Luật báo chí vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một lần nữa tiếp tục khẳng định không tư nhân hóa báo chí, không cho phép tư nhân tham gia vào hoạt động báo chí.

Theo Dự thảo Luật báo chí, chỉ có cơ quan của Đảng; nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh trở lên; cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp mới được thành lập cơ quan báo chí.

Dự thảo cũng cho phép học viện, viện nghiên cứu, trường đại học và bệnh viện công lập từ cấp tỉnh trở lên và các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước được phép thành lập cơ quan báo chí.

Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu; hoặc hoạt động theo loại hình doanh nghiệp (nếu thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước). Cho đến khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Dự thảo Luật báo chí đã qua 17 lần sửa đổi, bổ sung với rất nhiều cuộc hội thảo khác nhau, vì luật này vô cùng phức tạp, đặc biệt là quan điểm có tư nhân hóa báo chí hay không, có cho phép tư nhân tham gia vào hoạt động báo chí dưới hình thức liên doanh, liên kết hay không?

“Tự do báo chí đã được hiến định, nên nhiều ý kiến cho rằng cần phải cho tư nhân tham gia thành lập hoặc tham gia vào hoạt động báo chí. Tuy nhiên, theo quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị thì báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vì vậy, dứt khoát không để tư nhân tham gia vào hoạt động báo chí dưới mọi hình thức, dứt khoát không để tư nhân núp bóng, đứng đằng sau cơ quan báo chí”, ông Son nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son

Dẫn chứng hoạt động báo chí trong thời gian vừa qua, ông Son cho biết, hoạt động báo chí đã bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại, như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút… 

Vẫn theo ông Son, trên thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật như cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề kinh tế báo chí... mặc dù pháp luật hiện hành vẫn chưa cho phép tư nhân tham gia vào hoạt động báo chí dưới mọi hình thức. 

“Chính vì chưa cho phép tư nhân tham gia vào hoạt động báo chí, nên phạm vi điều chỉnh của Luật báo chí không quy định đối với các loại phương tiện truyền thông khác như trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, block… Nếu luật cũng điều chỉnh cả với những phương tiện thông tin này chẳng khác gì thừa nhận có báo tư nhân. Bởi các phương tiện thông tin này tuyệt đại đa số do doanh nghiệp tư nhân, cá nhân thực hiện. Các phương tiện thông tin này cũng sẽ chịu sự quản lý của Nhà nước nhưng bằng luật khác”, ông Son nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Phan Trung Lý băn khoăn với quy định chỉ có học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện công lập và các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước mới được phép thành lập cơ quan báo chí. Bởi quy định này có sự phân biệt đối xử giữa khu vực sự nghiệp công lập và tư nhân, có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn với doanh nghiệp tư nhân.
“Báo chí do tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước thành lập hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Vậy hoạt động báo chí có thuộc lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện hay không? Nếu có thì điều kiện như thế nào, vì trong Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể trong Luật đầu tư không có lĩnh vực báo chí?”, ông Lý băn khoăn. 

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ quan điểm chưa cho phép tư nhân tham gia vào hoạt động báo chí, nhưng ông hết sức băn khoăn về việc cho phép tập đoàn, tổng công ty nhà nước được thành lập cơ quan báo chí.

“Vietnam Airlines là cơ quan chủ quản của Tạp chí Heritage. Nếu chúng ta cho phép tập đoàn, tổng công ty nhà nước được thành lập cơ quan báo chí thì Vietnam Airline vẫn được xuất bản Tạp chí Heritage. Nhưng vấn đề là cũng như các tập đoàn, tổng công ty khác, Vietnam Airline đang tiến hành cổ phần hóa, doanh nghiệp dù nhà nước giữ 99% cổ phần, theo quy định vẫn không phải là doanh nghiệp nhà nước. Vậy trong trường hợp này thì Vietnam Airline có được tiếp tục xuất bản Tạp chí Heritage nữa hay không?”, ông Lưu đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Báo chí đang từ bỏ vai trò giúp xã hội hướng thiện
Bức xúc trước tình trạng hàng loạt báo thời gian qua khai thác thông tin những vụ án giết người để câu khách, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư