Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bàn về các quy định giải thể doanh nghiệp
Nguyễn Kiên Bích Tuyền - 20/06/2014 10:11
 
Các phân tích, góp ý, kiến nghị trong bài viết này được nêu ra không chỉ với nguyện vọng được góp phần vào việc minh bạch các quy định pháp lý về giải thể doanh nghiệp (DN) trong Luật DN sửa đổi, mà còn hy vọng kết quả xếp hạng ở tiêu chí giải thể DN ngày càng được cải thiện.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Luật DN (sửa đổi): 10 vấn đề cần làm rõ
Lập DN chỉ 3 ngày, giải thể mất ít nhất 3 tháng
Hơn 40.000 doanh nghiệp "tắt thở" nhưng không báo tử

Doanh nghiệp nào được giải thể?

So với khoản 1, Điều 157, Luật DN 2005 hiện hành, Điều 217, Dự thảo Luật DN sửa đổi về cơ bản vẫn giữ nguyên 4 trường hợp, nhưng có bổ sung một vài từ. Cụ thể, Dự thảo sửa đổi thêm cụm từ “mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp” vào trường hợp c (công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục) và “hoặc theo quyết định của tòa án”.

  Bàn về các quy định giải thể doanh nghiệp  
     

Mới đây, khoản 1, Điều 24, Nghị định 172/2013/NĐ-CP (về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty TNHH một thành viên là công ty con của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu) quy định giải thể khi “kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp và có số lỗ lũy kế bằng ¾ vốn nhà nước tại công ty trở lên, nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản; không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 2 năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết; việc tiếp tục duy trì công ty là không cần thiết”.

Do đó, chúng ta nên quy định thêm trường hợp thứ 5 trong Luật là kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong một số năm cụ thể và số lỗ lũy kế là bao nhiêu, nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản. Theo TS. Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp, Luật DN Mỹ còn quy định cho phép DN chỉ lỗ 3 năm, sau đó vẫn còn lỗ thì đóng cửa.

Nghĩa vụ của DN giải thể

Khoản 2, Điều 157, Luật DN 2005 hiện hành và Dự thảo Luật DN sửa đổi tại khoản 2 Điều 217 quy định rằng: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác”. Luật DN 2005 và Dự thảo Luật DN sửa đổi chủ yếu quan tâm đề cập nghĩa vụ trả nợ của DN, mà không lưu tâm đến các nghĩa vụ khác của DN khi giải thể.

Ví dụ, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của những DN đặc thù, DN có các hoạt động có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường (như DN kinh doanh trong lĩnh vực y tế, DN hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, hay DN kinh doanh xử lý chất thải, DN kinh doanh hóa chất các loại…).

Hiện nay, trong khi yêu cầu về phát triển bền vững của nền kinh tế ngày càng được đề cao thì yếu tố môi trường càng được quan tâm. Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

* Chuyên mục Góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn được thực hiện từ nay đến tháng 10/2014.

* Tòa soạn mong nhận được góp ý, đề xuất, kiến nghị của quý độc giả, các chuyên gia kinh tế, luật sư, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung của Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Nội dung góp ý sẽ được tổng hợp, chuyển tới Ban Soạn thảo.

* Nội dung góp ý vui lòng gửi về địa chỉ: [email protected].

* Ban Biên tập Báo Đầu tư điện tử trân trọng mọi đóng góp, chia sẻ của quý độc giả.

Phát biểu tại Diễn đàn DN phát triển bền vững năm 2014, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững và Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh) cũng đã khẳng định quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Ông đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và vai trò của DN.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật DN sửa đổi có đề cập một loại DN mới là DN xã hội. Mục 1, Điều 11 của Dự thảo đưa ra định nghĩa: “Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường; ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký.”.

Và Điều 13, Dự thảo khi đề cập nghĩa vụ của DN xã hội có quy định: “Ngoài các nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Điều 9 Luật này, doanh nghiệp xã hội còn có các nghĩa vụ: phải đăng ký là doanh nghiệp xã hội; phải duy trì tôn chỉ, mục tiêu, sứ mệnh xã hội của mình trong suốt quá trình hoạt động”.

Vậy, khi DN xã hội chấm dứt hoạt động và giải thể thì chủ thể nào sẽ tiếp quản việc thực hiện các “mục tiêu, sứ mệnh xã hội” đang dở dang của họ. Nếu không có ai tiếp tục thực hiện thì trách nhiệm của DN xã hội sẽ như thế nào khi giải thể? Những vấn đề cần được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.

Thời hạn thanh lý hợp đồng

Mục 1c, Điều 158, Luật DN 2005; mục 1c, Điều 218, Dự thảo Luật DN sửa đổi giới hạn “thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 6 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể”. Thiết nghĩ, thời hạn này chỉ phù hợp với những DN có quy mô nhỏ, không có những mối quan hệ giao dịch phức tạp, tài sản có tính thanh khoản cao, chứ không phù hợp với phần lớn DN khác và các trường hợp khác.

Với những DN có quy mô khá lớn hoặc có tài sản (như bất động sản), cần thời gian dài để thanh lý và trả nợ, thì thời hạn này chắc chắn không đủ để giải quyết hết các hợp đồng và thanh toán nợ nần. Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, chúng ta thấy vẫn có khả năng DN muốn thanh toán nợ, nhưng không liên lạc được chủ nợ vì chủ nợ đã xuất ngoại định cư. Luật DN sửa đổi nên ghi nhận thêm trường hợp “đối với một số trường hợp đặc biệt thì thời hạn này không quá 1 năm (hoặc một thời hạn khác phù hợp hơn), kể từ ngày thông qua quyết định giải thể”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư