Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Bancassurance hái trái ngọt
 
Nếu như năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm mới đến từ kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) chỉ chiếm 10%/tổng số phí bảo hiểm thu được của cả thị trường, thì năm 2018 là 20%. Theo số liệu sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến tháng 8/2019, tỷ lệ này là gần 30%.

Doanh thu phí đến từ kênh bancassurance được nhìn nhận sẽ ngày càng tăng. Các chuyên gia dự báo, mức tăng trưởng của ngành bảo hiểm năm nay là 20%, trong đó kênh bancassurance sẽ tăng trưởng khoảng 30 - 40% .

Sau 2 năm hợp tác để phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua kênh bán lẻ của ngân hàng, cuối tuần qua, Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Công ty Bảo hiểm Generali Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh bancassurance, với thời hạn 15 năm.

Theo đó, OCB sẽ phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe của Generali nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ rủi ro, tích lũy và đầu tư gia tăng tài sản.

Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho biết, điểm nổi bật của quan hệ hợp tác này là cam kết của cả hai bên về việc cùng nhau phát triển các giải pháp về sản phẩm và dịch vụ được thiết kế riêng biệt cho từng phân khúc khách hàng của OCB, dựa trên thế mạnh chung về phân tích dữ liệu, ứng dụng công nghệ số...

Đây là thương vụ hợp tác bancassurance lớn thứ ba trên thị trường kể từ đầu năm 2019. Trước đó, tháng 9/2019, một thỏa thuận hợp tác độc quyền đã cho phép Ngân hàng Shinhan và Prudential Việt Nam đáp ứng hầu hết các nhu cầu về dịch vụ tài chính của khách hàng, từ tiết kiệm tới bảo vệ.

Trong khi đó, Manulife Việt Nam cũng đạt được thỏa thuận phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng ưu tiên của Ngân hàng Á Châu (ACB), nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của phân khúc khách hàng cao cấp.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam được nhìn nhận đang ở giai đoạn phát triển sôi động của bancassurance, bởi ngày càng nhiều ngân hàng đặt bancassurance vào chiến lược phát triển, vì nhìn thấy đây là nguồn thu an toàn và giúp đa dạng dịch vụ tài chính cho khách hàng.

Theo ông Sanjay Chakrabarty, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ của OCB, nhìn lại bức tranh phát triển bancassurance tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, kênh bán bảo hiểm này đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt.

Tốc độ tăng trưởng trung bình của thu phí bảo hiểm hàng năm từ năm 2016 đến nay vào khoảng 30%.

Đối với doanh thu bảo hiểm toàn ngành, mặc dù tiềm năng còn lớn và tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian qua (năm 2016, phí bảo hiểm thường niên thu được của toàn thị trường là hơn 17.000 tỷ đồng; năm 2018 là hơn 29.000 tỷ đồng), nhưng ông Sanjay Chakrabarty cho rằng, tỷ lệ bán bảo hiểm cho các khách hàng ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với một số thị trường trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore.

“Việc mua bảo hiểm sẽ dựa vào mức GDP trung bình khoảng 5.000 USD/đầu người. GDP/đầu người hiện tại của Việt Nam là 2.500 USD, Malaysia là 10.000 USD, Thái Lan là hơn 7.000 USD… Triển vọng tăng trưởng về bán bảo hiểm của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Chúng tôi tin tưởng đầu tư vào trong lĩnh vực này trong thời gian tới”, ông Sanjay Chakrabarty nói.

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có một xu hướng rõ nét là tốc độ tăng trưởng của bancassurance lớn hơn tốc độ tăng trưởng trung bình thu phí bảo hiểm mới của thị trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh các ngân hàng ngày càng kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn đối tác, bởi nguồn thu từ dịch vụ như bảo hiểm đang có đóng góp ngày càng lớn cho tổng doanh thu của các ngân hàng.

Chẳng hạn, việc ký kết độc quyền 15 năm giữa OCB với Generali là kết quả của quá trình tìm hiểu, thăm dò nhau trong 2 năm qua. Năm 2017, OCB từng hợp tác với 2 đối tác chính là Generali và Dai-ichi Life về việc bán các sản phẩm bảo hiểm trong hệ thống bán lẻ của Ngân hàng.

Hay ACB hợp tác với Manulife bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng ưu tiên là kế hoạch ban đầu của Ngân hàng để chọn lựa đối tác thích hợp nhất, trước khi chính thức bán qua kênh độc quyền. Hiện ACB đang bán bảo hiểm cho cả hãng bảo hiểm AIA qua các kênh khác của Ngân hàng.  

Để hái trái ngọt từ bancassurance, quan trọng nhất là chọn đúng đối tác
Hiện tại, mới chỉ có 7% dân số Việt Nam sử dụng bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó, các hợp đồng bảo hiểm được khai thác qua hoạt động phân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư