Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Báo chí kết nối những điều tốt đẹp
Anh Hoa - 21/06/2024 22:10
 
Bám theo 3 tiêu chí thông tin chính xác, khách quan, kịp thời, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư kỳ vọng những người làm báo tiếp tục sử dụng ngòi bút của mình để kết nối và lan tỏa những điều tốt đẹp hơn đến với xã hội, cộng đồng.
Sự phát triển như vũ bão của AI tạo ra cơ hội, nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho báo chí. Trong ảnh: Chuyên gia trao đổi về cơ hội và thách thức của báo chí - truyền thông thời AI trong talkshow của Báo Đầu tư

Sợi dây kéo gần khoảng cách

Cuộc gặp gỡ giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Golden Gate và giới truyền thông nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam mang tên “Nối”.

Ông Trần Việt Trung, Chủ tịch HĐQT Golden Gate chia sẻ, có thể với nhiều người, điều gợi nhớ đúng nhất về ngành báo chí là cuốn sổ, bút, bàn phím, máy ảnh, micro…, nhưng với ông hay các cộng sự tại Golden Gate, đó chính là sợi dây kết nối.

“Nối chính là một hành trình xây dựng niềm tin, cảm xúc và hoài bão. Từ tin đến yêu, trong mọi cung bậc cảm xúc của khách hàng. Cảm ơn báo chí vì đã là cầu nối kéo gần khoảng cách giữa Golden Gate với cộng đồng trong suốt 19 năm qua”, ông Trung bày tỏ. Chủ tịch HĐQT Golden Gate kỳ vọng, những người làm báo tiếp tục sử dụng ngòi bút của mình để lan tỏa và kết nối những điều tốt đẹp hơn đến với xã hội, cộng đồng người tiêu dùng.

Có cùng góc nhìn như ông Trung, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc điều hành Tititada đánh giá cao báo chí trong vai trò kết nối những điều tốt đẹp cho cộng đồng doanh nghiệp, start-up, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng gần đây, bà cũng phải “than thở” trên Facebook cá nhân rằng, khi mở báo ra, hiện lên dày đặc tin tức tiêu cực về tình hình doanh nghiệp, cá nhân chủ doanh nghiệp…

Với quan điểm, năm con rồng, hãy để “rồng bay, phượng múa”, nên ở góc độ nhà làm kinh doanh, bà chỉ muốn được tiếp cận tin cổ phiếu này “tím”, doanh nghiệp FDI kia đầu tư tỷ USD, kinh tế tăng trưởng...

“Tôi thấy thông tin khá nhiều, nhưng thiếu những thông tin chuyên sâu, thông tin đặc biệt”, bà Giang thẳng thắn nhận xét.

Nữ CEO chia sẻ, thời gian trước, khi đọc báo thấy thông tin một “shark” đầu tư vào ngành giáo dục, với rất nhiều nhận xét về năng lực, đạo đức kinh doanh của nhà đầu tư này, thì cá nhân bà lại muốn tiếp cận ở khía cạnh khác. Theo bà, báo chí nên có góc nhìn đánh giá, phân tích và quản lý rủi ro của những người làm kinh doanh. Một nhà đầu tư kinh doanh lĩnh vực giáo dục mà vay tiền đầu tư bất động sản, thì sẽ có rủi ro về dòng tiền, vận hành, pháp lý, nhân sự, quy trình và rất nhiều rủi ro bất khả kháng...

Bà Giang chia sẻ thêm, khi đề cập vấn đề đánh giá rủi ro, một số người cho rằng, nếu nhìn đâu cũng thấy rủi ro, thì chẳng bao giờ làm được gì. Song về bản chất, thấy rủi ro và triển khai nó là 2 khái niệm khác nhau. Thấy rủi ro để tìm phương án xử lý, chấp nhận rủi ro và từ đó điều chỉnh đúng kỳ vọng lợi nhuận. Nếu nhìn lại thấy tốt, nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, thì họ sẽ làm.

Chiến thắng công nghệ bằng cảm xúc thật

Gần đây, có trang thông tin điện tử tổng hợp nhắc tên các “ông lớn” về công nghệ trên thế giới như OpenAI, Google, Apple để so sánh với một doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam là Bkav, trong một thông tin đăng tải liên quan đến sự chính xác của nội dung công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Thông tin trên lập tức khiến cộng đồng am hiểu về công nghệ nổi sóng. Một chuyên gia nghiên cứu AI nhận xét: “Bài báo đó thiếu sự khách quan, giễu BKAV. Viết thế chẳng khác gì nói BKAV hơn tất cả các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới”.

Có thể thấy, khi AI lên ngôi, mọi thứ đều khác, tiêu chuẩn của độc giả cũng cao hơn nhiều. Những độc giả trong lĩnh vực công nghệ kỳ vọng, các bài báo viết về vấn đề công nghệ cần đáp ứng tốt yêu cầu về tính chính xác, khách quan, kịp thời. Đây là 3 tiêu chí cơ bản mà báo chí thời nào cũng phải có.

“Cũng như nhiều lĩnh vực khác, dường như, báo chí của chúng ta chưa theo kịp sự phát triển vũ bão của công nghệ, như AI. Trong khi đó, báo chí là một trong 3 ngành (truyền thông, báo chí, giáo dục) chịu tác động to lớn và ngay tức thì của AI”, vị chuyên gia này cho biết.

Minh chứng, vụ việc mới nhất là AI “ăn cắp” gần như y nguyên bài của Bloomberg, sau đó phân phối và thu tiền gấp cả trăm lần bài báo gốc. Cả Microsoft và Open AI đều đang bị New York Times kiện. Tờ báo cáo buộc hai công ty này đã sử dụng hàng triệu bài báo của Times để xây dựng công cụ AI, cáo buộc các chatbot như ChatGPT “tìm cách chiếm đoạt” nội dung của Times và đe dọa bóp nghẹt doanh thu của tờ báo.

Trong khi các vụ kiện đang diễn ra, AI vẫn tiếp tục phát triển và sẽ ngày càng phức tạp hơn. Chúng tạo ra nội dung thậm chí còn tốt hơn, khi mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiếp tục học hỏi và phát triển. Giống như AI học cách cải thiện năng suất trong công việc, các mô hình tương tự cũng sẽ học cách tạo nội dung dựa trên công việc của chính nó.

Tuy nhiên, người dùng cần nhớ rằng, đằng sau tất cả nội dung do AI tạo ra, công việc nền tảng và ý tưởng ban đầu được thiết kế, tạo ra bởi con người thực, sử dụng trí tuệ và ý tưởng của riêng họ. Đây là điều mà công nghệ sẽ không bao giờ có thể lặp lại. Và những người cầm bút sẽ vẫn có chỗ đứng trong lòng độc giả khi họ được chứng kiến mọi sự diễn ra, cảm nhận và truyền đạt lại nhanh, chính xác, khách quan với cảm xúc thật sự của con người.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư