Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
‘Báo động đỏ’ về tội phạm công nghệ cao
H.T - 31/03/2013 15:02
 
“Hội thảo - Triển lãm Quốc gia An ninh bảo mật” (Security World 2013) vừa diễn ra tại Hà Nội, đã lên tiếng cảnh báo tình trạng sử dụng công nghệ cao gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của các đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Thông tin từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, trong năm 2012, Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên cả nước đã phát hiện, xác minh, điều tra 261 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (bao gồm xác lập 44 chuyên án, 217 vụ việc và vụ án). Tổng thiệt hại do tội phạm gây ra ước tính hơn 2.000 tỷ đồng.

Thống kê của BKAV cho thấy, trong năm 2012, vẫn có tới 2.203 website của các cơ quan doanh nghiệp tại Việt Nam bị tấn công, chủ yếu thông qua các lỗ hổng trên hệ thống mạng. So với năm 2011 (có 2.245 website bị tấn công), con số này hầu như không giảm.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) năm 2012, Việt Nam tuy nằm trong top 5 thế giới về người sử dụng Internet, nhưng xếp thứ 15 về lượng phát tán mã độc, thứ 10 về tin rác, thứ 15 về zombie (máy tính bị mất kiểm soát). Trong 100 website thuộc chính phủ (.gov.vn), có đến 78% có thể bị tấn công toàn diện.

Năm 2012 cũng đã xuất hiện nhiều biến thể virus ăn cắp tài khoản ngân hàng trực tuyến, các kết nối ngầm và các mã độc chuyên dùng để đánh cắp thông tin có chủ đích. Vấn đề bảo mật cho các thiết bị di động cũng trở nên nóng bỏng khi các sản phẩm công nghệ này được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.

Đại tá, TS. Trần Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) cho biết, các hành vi, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân gồm: tấn công máy tính, mạng máy tính (lợi dụng lỗ hổng bảo mật web, tấn công truy cập, lấy cắp, phá hoại dữ liệu, phát tán virus, phần mềm gián điệp, tấn công từ chối dịch vụ); chiếm đoạt tài sản (gian lận thẻ ngân hàng, lừa đảo bằng thủ đoạn kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong thương mại điện tử C2C, B2C, B2B, lừa đảo bằng email, nick chat, tin nhắn SMS); sử dụng tài khoản của người chơi trên các website cá độ nước ngoài...

Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng (BKAV), thời gian qua, hành vi phát tán phần mềm gián điệp rất đáng báo động. Hệ thống giám sát virus của BKAV đã phát hiện hàng loạt email đính kèm file văn bản chứa phần mềm gián điệp được gửi tới các cơ quan, doanh nghiệp.

“Khi xâm nhập vào máy tính, virus này âm thầm kiểm soát toàn bộ máy tính nạn nhân, mở cổng hậu (backdoor), cho phép hacker điều khiển máy tính nạn nhân từ xa. Chúng cũng nhận lệnh hacker tải các virus khác về máy tính để ghi lại thao tác bàn phím, chụp màn hình, lấy cắp tài liệu. Sự việc một lần nữa rung lên hồi chuông báo động về thực trạng mất an toàn an ninh mạng của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thế giới luôn tiềm ẩn một cuộc chiến tranh mạng có thể xảy ra”, ông Đức cảnh báo.

Theo ông Đức, để hệ thống được an toàn hơn, trước hết, các đơn vị, doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của an ninh mạng, từ đó xây dựng được kế hoạch và kinh phí đầu tư cho hệ thống từ quy trình, công nghệ và nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư