Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bảo hiểm nhân thọ, chờ những “chiến binh” mới
Ngọc Lan (ĐTCK) - 02/04/2013 06:00
 
Không còn quá lâu nữa, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sẽ đón nhận thêm những “chiến binh” mới đến từ những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới.

Bảo hiểm nhân thọ, chờ những “chiến binh” mới

BIC có kế hoạch lập công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ trong năm nay

15 nhân thọ và... hơn thế nữa

Số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, tổng số DN bảo hiểm trên thị trường Việt Nam tính đến hết năm 2012 là 57 DN, trong đó có 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 14 DN bảo hiểm nhân thọ, 12 DN môi giới bảo hiểm và 2 DN tái bảo hiểm. Ngoài ra, còn có 32 văn phòng đại diện của các DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (trong đó cấp phép mới 2 văn phòng đại diện, gia hạn hoạt động 6 văn phòng đại diện và đóng cửa 2 văn phòng đại diện).

Cùng với lễ ra mắt của Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI - Sunlife vào tháng 3/2013, thị trường bảo hiểm nhân thọ hứa hẹn sẽ đón nhận thêm những “chiến binh” mới. Nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho biết, trong năm 2013 sẽ có thêm ít nhất là 2 công ty bảo hiểm nhân thọ mới: 1 công ty 100% vốn của một tập đoàn tài chính ngân hàng Úc - tập đoàn này hiện đã có một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam (dự án công ty bảo hiểm nhân thọ đang được tập đoàn này triển khai) và 1 công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC).

Việc thành lập thêm một công ty bảo hiểm nhân thọ nằm trong dự án tái cấu trúc và trở thành tập đoàn của BIC. Theo đại diện BIC, cùng với việc nhận chuyển nhượng vốn từ LVI và CVI, HĐQT BIC đang chỉ đạo Ban lãnh đạo phân công nhân sự phối hợp với Ngân hàng BIDV làm việc với một số đối tác tiềm năng để hợp tác thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch năm 2013 của BIC. Thông tin ban đầu cho biết, BIC đã nhắm được một đối tác là một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới và không đến từ châu Á.

Vẫn dồi dào tiềm năng

Dù hai nhân tố mới sắp góp mặt vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đều không đến từ châu Á, nhưng điểm lại, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện đã góp mặt đầy đủ các “anh tài” đến từ các châu lục: Á, Âu và Mỹ. Tuy nhiên, sự góp mặt của các tập đoàn tài chính đến từ châu Á trong các công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam vẫn chiếm số đông.

Không khó hiểu để cắt nghĩa tại sao thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn được “thèm muốn” như thế, dù những năm qua đã không còn tăng trưởng ở mức “phi mã”. Báo cáo Chỉ số lạc quan về đầu tư lần đầu tiên được Manulife thực hiện tại châu Á (Manulife Investment Sentiment Index - MISI) cho thấy, tại các thị trường phát triển ở châu Á, các nhà đầu tư ở khắp châu Á đều đang nắm giữ phần lớn tài sản dưới dạng tiền mặt, tuy nhiên đa số nhà đầu tư tại các thị trường đều cho rằng, đây không phải là phương thức đầu tư hiệu quả. Điều này cũng có nhiều điểm tương đồng với thị trường Việt Nam. Hơn 30% ý kiến nhà đầu tư trong cuộc khảo sát của Manulife cho biết, họ vẫn nắm giữ tiền mặt - con số này có thể phản ánh mức độ bi quan của nhiều nhà đầu tư châu Á. Nhưng trong con mắt các tập đoàn tài chính, nguồn tiền mặt vẫn còn dồi dào trong dân chính là tiềm năng. Con số này khó tìm thấy ở thị trường châu Âu hay những nước đã phát triển. Ông Robert A.Cook, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Manulife châu Á cho rằng, xét ở góc độ đầu tư, không nơi nào hấp dẫn hơn khu vực châu Á. Có rất nhiều cơ hội để mọi người có thể đầu tư và đạt mục tiêu của riêng mình.

Với trường hợp Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam không chỉ là điểm đến giúp nhiều CEO các công ty bảo hiểm nước ngoài dễ dàng thăng chức, mà còn được ví là “bàn đạp” vững vàng cho các công ty bảo hiểm nhân thọ tiến sang các thị trường châu Á khác. Chính vì những lý do trên mà trong tương lai gần, thị trường bảo hiểm Việt Nam có thể có 15, 17 hay thậm chí hơn 20 công ty bảo hiểm nhân thọ cũng không phải là điều quá bất thường.

Trả lời câu hỏi: với 15 công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường, ông đánh giá như thế nào về mức độ cạnh tranh của thị trường bảo hiểm Việt Nam? Ông Robert A. Cook cho rằng, Công ty không xa lạ gì với sự cạnh tranh và thực sự là sẽ chào đón nó. Việc cạnh tranh lành mạnh sẽ mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng, vì họ có thêm nhiều lựa chọn về sản phẩm và giá cả.

“Điều quan trọng là khách hàng phải cảm nhận được rằng, các công ty bảo hiểm có mặt trên thị trường là nhằm mang lại những giải pháp tài chính hữu hiệu để bảo vệ họ và gia đình, chứ không phải chỉ vì mục đích bán sản phẩm và tăng lợi nhuận”, ông Robert A. Cook nhìn nhận.

Chưa xuất hiện nhân tố “gây sốc”
Nhìn lại cục diện thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện nay, hai nhân tố đứng đầu về tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn là Prudential Việt Nam, tiếp đến là Bảo Việt. Manulife Việt Nam đứng vị trí thứ 3. Dù tất cả các DN đều có nhiều nỗ lực bứt phá, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn chưa có nhân tố nào có thể vượt qua vị trí của Prudential Việt Nam về tổng doanh thu khai thác phí bảo hiểm trong tương lai gần. Tuy nhiên, sự thay đổi ngôi thứ có thể diễn ra trong nhóm các DN như Dai-ichi Life Việt Nam, AIA Việt Nam hay ACE Life. Còn đối với những DN bảo hiểm nhóm dưới, dù có những DN rất tham vọng, nhưng để đạt được 5% thị phần doanh thu trong thời gian gần không phải là bài toán dễ dàng, vì cơ hội tăng trưởng nhanh và nóng đã qua đi. Chiến lược tăng trưởng nhanh và nóng cũng không còn thích hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay. Tất nhiên, DN nào tham vọng vẫn có thể đẩy bằng mọi cách, nhưng những “quả đắng” mà DN đi trước đã nếm phải vẫn là bài học “nhãn tiền”.

 

Cổ phiếu bảo hiểm trở thành tâm bão
Sau khi nhóm cổ phiếu ngân hàng làm mưa làm gió trên thị trường trong quý II/2015, thì cổ phiếu ngành bảo hiểm đã trở thành tâm bão trên sàn chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư