Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bão Yagi để lại "vết hằn" trong GDP quý III/2024
Khánh Linh - 06/10/2024 10:07
 
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu kinh tế quý III và 3 quý đầu năm 2024. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu tác động nặng nề do bão, song tăng trưởng GDP vẫn ghi nhận mức "như mong muốn".

GDP quý III/2024 tăng 7,4% 

Trong mức tăng GDP 7,4% so với cùng kỳ năm trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024. 

Phải nhắc lại, quý III/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,52% do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản, biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao và dịch tả lợn châu Phi. Cơn bão Yagi đã làm nên "vết hằn" trong sự phục hồi của khu vực này.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%. Đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây. Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III các năm 2019-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 10,38%; 3,46%; -4,83%; 11,24%; 5,59%; 11,41%. 

Ngành công nghiệp và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng do bão Yagi, khi nhiều công trình thiết yếu, đường xá, cầu cống, hệ thống lưới điện, cấp nước cấp điện bị hư hại nghiêm trọng, tình trạng mất điện, mất thông tin liên lạc trong những ngày mưa bão, ngập lụt làm ngừng trệ sản xuất ở các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho biết, những thiệt hại về cơ sở hạ tầng chỉ tính vào thay đổi tài sản của nền kinh tế, không tính vào hoạt động sản xuất trong kỳ nên mức độ thiệt hại cho hoạt động sản xuất cũng không đáng kể.

"Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau bão để kịp tiến độ các đơn hàng nên công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng bù đắp những thiệt hại của nông nghiệp", theo Tổng cục Thống kê.

Khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04% vào tăng trưởng kinh tế, phần lớn nhờ vào một số ngành dịch vụ có tăng trưởng tốt hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu như vận tải kho bãi, thông tin truyền thông... 

9 tháng năm 2024, GDP ước tăng 6,82% 

Tác động của cơn bão Yagi khiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm ghi nhận tăng 3,20%, (đóng góp 5,37%). Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 (giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, xâm nhập mặn và dịch tả lợn châu Phi).

.

Tốc độ tăng GDP 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2024 (%).

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19% (đóng góp 46,22%), trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%;

Khu vực dịch vụ tăng 6,95% (đóng góp 48,41%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế như: bán buôn và bán lẻ tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,03%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,47%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 - bão Yagi hôm 28/9, tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ trên 81 nghìn tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thiên tai làm cho tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

Tuy nhiên, trong Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 3 quý đầu năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5-7% là khả thi.

"Với sự đồng lòng sau bão, chúng ta đã bù đắp được thiệt hại sớm nhất và giữ được mức tăng trưởng như mong muốn. Đến nay, GDP 9 tháng đã đạt mức tăng 6,82% - gần với mức mong muốn 6,87%. Để đạt được mục tiêu 7% tăng trưởng cả năm, quý IV cần đạt thấp nhất là 7,5% tăng trưởng. Chúng ta đang có dư địa đạt được mức này", bà Hương nói.

Dư địa được ký vọng từ khả năng tăng đầu tư công vào cuối năm và lợi thế từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực.

"Với kết quả tăng trưởng của quý III và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng", Tổng cục Thống kê nhận định.

Về cơ cấu nền kinh tế chín tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,10%; khu vực dịch vụ chiếm 42,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,46% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,80%; 36,98%; 42,61%; 8,61%).
Về sử dụng GDP chín tháng năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,86%, đóng góp 36,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,05%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,66%.
Gần 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam
Tính đến hết tháng 9/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư