Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Bấp bênh tiếp cận thị trường
Khánh An - 17/04/2013 09:12
 
Qua khảo sát của VCCI, cách tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá đơn giản, chưa phù hợp với thị trường mục tiêu của từng lĩnh vực.
TIN LIÊN QUAN
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

(baodautu.vn) Chia sẻ kết quả của Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012, sẽ được công bố vào ngày mai (18/4), bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp được khảo sát đã lý giải một phần nguyên nhân của tình trạng tồn kho tăng trong các doanh nghiệp.

Thưa bà, chủ đề của Báo cáo năm nay là gì?

Đó là Chặng đường 10 năm phát triển thị trường và năng lực tiếp cận thị trường. Báo cáo khảo sát 6 ngành (chế biến thủy sản, sản xuất đồ uống, sản xuất cấu kiện kim loại, bán lẻ thực phẩm, đồ uống, quảng cáo và xúc tiến thương mại) trong giai đoạn 2007 - 2011 để tìm hiểu năng lực tiếp cận thị trường quốc tế, thị trường nội địa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là thời điểm các doanh nghiệp đã chứng tỏ khả năng tận dụng cơ hội của hội nhập, song cũng bộc lộ những điểm yếu khi phải cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong số các ngành được lựa chọn, thủy sản là đại diện tiêu biểu cho khả năng cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu; cơ khí, đồ uống là những ví dụ cho những cách thức khác nhau trong khai thác thị trường nội địa…

Kết quả thế nào, thưa bà?

Nhận định chung rút ra từ kết quả khảo sát là, cách tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá đơn giản, chưa phù hợp với thị trường mục tiêu của từng lĩnh vực.

Thể hiện rõ nhất là các doanh nghiệp cơ khí. Khảo sát cho thấy, năng lực tiếp cận thị trường công nghiệp của các doanh nghiệp còn rất yếu, thậm chí chưa định hình cách thức rõ ràng. Trong ngành này, doanh nghiệp đang hướng theo hai thị trường chính là trở thành doanh nghiệp phụ trợ cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tham gia trở thành các tổng thầu cho các dự án lớn.

Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước của ngành này chỉ khoảng 20 - 25%, trong khi kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách là 40 - 60%. Điểm yếu của các doanh nghiệp trong ngành được phát hiện ở cả 3 yếu tố của thị trường công nghiệp, đó là khả năng đáp ứng đơn hàng lớn còn thấp, việc tính toán giá cả và chất lượng với các nhà lắp ráp chưa đảm bảo tính đồng bộ…

Hơn thế, cách thức tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp này khá đơn giản, chủ yếu nhìn từ góc độ nhà thầu, chứ chưa tiếp cận ở góc độ thị trường và nhà cung cấp. Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tổ chức các hình thức “hội chợ ngược”, giới thiệu nhu cầu của mình với doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhưng kết quả cũng không khả quan do năng lực sản xuất kém. Ở đây, các kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện chính sách phát triển ngành hỗ trợ thực sự cấp bách.

Trong khi đó, cũng là khai thác thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống lại có những bước đi rất tích cực. Cụ thể, thị trường đồ uống có cồn phát triển mạnh, có những thương hiệu gắn với phân khúc bình dân. Trong phân khúc thị trường nước giải khát, thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, khiến thị phần của nhóm doanh nghiệp nước ngoài đã giảm từ 85% năm 2009 xuống còn 65% vào thời điểm hiện tại.

Với doanh nghiệp chế biến thủy sản thì sao?

Phát hiện quan trọng từ khảo sát các doanh nghiệp thủy sản cho thấy, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với sự phân tán sức cạnh tranh đang diễn ra rất nhanh và chủ yếu cạnh tranh bằng giá. Đơn cử, thị trường tôm, theo nghiên cứu 20 doanh nghiệp đứng đầu của Việt Nam, độ phân tán tăng mạnh từ năm 2006 - 2007 và đặc biệt rõ trong giai đoạn 2009 - 2010. Sự thu hẹp thị phần của các doanh nghiệp này khá mạnh, chủ yếu do sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới nhảy vào chiếm thị phần bằng giảm giá.

Đáng cảnh báo là công cụ giảm giá bán để cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp đã khiến thủy sản Việt Nam luôn nằm trong nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, làm giảm sự phát triển bền vững của cả ngành.

Trong các đề xuất, chúng tôi nhấn mạnh vai trò của xúc tiến thương mại của cơ quan quản lý nhà nước và cả vai trò của các doanh nghiệp. Đặc biệt, quảng cáo cũng là một trong những dịch vụ phát triển thị trường cần được nhìn nhận ở góc độ tạo thị trường, tạo nhu cầu để có chính sách phù hợp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư