Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bắt đầu kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII: Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ mới
Nguyên Đức - 21/03/2016 08:20
 
Sáng 21/3, Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII sẽ chính thức khai mạc. Theo kế hoạch, hơn một nửa thời gian của kỳ họp này được dành cho công tác nhân sự, trong đó có bầu mới Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

9h sáng nay, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII sẽ chính thức khai mạc. Theo kế hoạch, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011 - 2015, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Tiếp đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

.
.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020…

Việc thảo luận và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 sẽ được thực hiện vào giữa kỳ họp.

Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII này, Quốc hội cũng sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua các dự án Luật Báo chí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin; Luật Dược (sửa đổi); Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ thông qua Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết phê chuẩn công hàm Thoả thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều ngày 18/3, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ở Kỳ họp 11 Quốc hội Khóa XIII, hơn một nửa thời gian sẽ được dành cho công tác nhân sự. Thời gian chính thức bắt đầu từ 10h30 ngày 30/3.

Các vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu mới tại kỳ họp này. Trong đó, kết quả bầu Thủ tướng sẽ được công bố vào sáng 7/4. Sau đó, Thủ tướng mới sẽ tuyên thệ như hai chức danh nói trên.

Bên cạnh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, Quốc hội cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu một số phó chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội cũng sẽ miễn nhiệm và bầu mới Phó chủ tịch nước, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong ba chức danh này, chỉ có Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao thực hiện việc tuyên thệ.

Cũng tại kỳ họp này, Thủ tướng mới trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số phó thủ tướng, một số bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vào tháng 4/2016
Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư