Ai vẫn đang say bất động sản?
- 30/09/2013 13:43
 
TIN LIÊN QUAN

Giữa lúc nhiều DN còn loay hoay với lượng lớn căn hộ tồn kho, thì Tân Hoàng Minh lại gấp rút chuẩn bị khởi công khu căn hộ cao cấp D’. Le Pont D’or và bắt đầu cho khách hàng đăng ký mua nhà từ ngày 6/10/2013.

Phối cảnh dự án D’. Le Pont D’or Hoàng Cầu

Với kinh nghiệm đầu tư và chào bán dự án căn hộ siêu sang đầu tay là D’. Palais de Louis với giá trên 115 triệu đồng/m2, Tân Hoàng Minh thừa hiểu thị trường bất động sản khó khăn đến mức nào.

Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh khẳng định, Tập đoàn có tính toán riêng khi quyết định đầu tư dự án 308 căn hộ cao cấp này.

Vị trí đắc địa ven hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa), thiết kế sang trọng theo kiến trúc tân cổ điển, nằm giữa công viên cây xanh, cùng mức giá dự kiến hợp lý (30 - 35 triệu đồng/m2) là những điểm mạnh của D’. Le Pont D’or mà ông Lâm cho là sẽ thu hút người mua ở thời điểm này.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo ông Lâm, dù thị trường khó khăn, nhưng không phải không có đầu ra. Bằng chứng là, những dự án căn hộ cao cấp như Indochina Plaza Hanoi và Mandarin Garden vẫn tiêu thụ khá tốt trong thời gian qua.

Vì thế, ông Lâm khẳng định, Tân Hoàng Minh vẫn kiên định với chiến lược đầu tư chuỗi bất động sản cao cấp tại Hà Nội. Đối với Dự án D’. Le Pont D’or, Tân Hoàng Minh đã thiết kế theo tiêu chuẩn khắt khe nhất của quốc tế đối với căn hộ cao cấp, với đầy đủ tiện ích, như siêu thị, giải trí, quán cà phê, phòng tập, bể bơi bốn mùa, công viên cây xanh trên tầng mái.

Lúc này, không có nhiều DN có suy nghĩ tích cực và mạnh tay đầu tư như Tân Hoàng Minh. Cơn bĩ cực của thị trường bất động sản trong 4 năm qua, mà biểu hiện rõ nhất là giá nhà đất đã giảm 30 - 40%, lượng hàng tồn kho lớn, đã làm nhụt ý chí của rất nhiều DN, buộc họ phải tháo lui hoặc co cụm.

Sự khắc nghiệt của thị trường đã buộc một doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai phải cơ cấu lại chiến lược đầu tư bất động sản ở Việt Nam để tập trung cho dự án trọng điểm tại Myanmar. Lý giải lý do “đầu hàng” thị trường bất động sản trong nước, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức nói thẳng là “càng làm càng lỗ”.

Khó khăn về kinh doanh cũng khiến quỹ đầu tư Vinaland quyết định không đầu tư các dự án mới trong 3 năm tới, mà tập trung thoái vốn và đầu tư các dự án hiện có. Năm nay, Vinaland đã rút vốn khỏi Khách sạn Sheraton Nha Trang, cũng như Dự án căn hộ Signature One tại TP.HCM.

Hiện tượng thoái vốn làm cho bầu không khí của thị trường thêm ảm đạm. Nhưng ở một góc nhìn khác, việc Hoàng Anh Gia Lai hay Vinaland thoái vốn, hoặc co cụm lại là những động thái tốt. Những DN này đầu tư trên nhiều lĩnh vực, hoặc nhiều dự án, nên buộc phải co cụm để giảm bớt nợ, hoặc tập trung vào các dự án trọng điểm hơn là đầu tư dàn trải.

Trong mắt ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, động thái rút lui khỏi sân chơi bất động sản của một số DN không lạ.

Bởi ngay từ năm 2008, khi các nhà đầu tư còn đang say sưa với cơn sốt bất động sản, ông Đường đã cảnh báo về nguy cơ vỡ trận của thị trường này. Lúc đó, tín dụng dễ dãi, giá bất động sản tăng vọt, DN xây ào ào mà không chú ý đến cầu. Vì thế, khi thị trường lao dốc, hàng loạt dự án dở dang, DN hứng chịu tồn kho lớn là điều dễ hiểu.

Nói như vậy, không có nghĩa là ông Đường không thấy được tiềm năng của thị trường bất động sản. Dù biết là khó khăn, Hòa Bình vẫn triển khai xây dựng Dự án căn hộ Hòa Bình Green City trên đường Minh Khai (Hà Nội).

Ông nói rằng, dù biết thị trường khó, nhưng Hòa Bình vẫn cứ đầu tư, vì cốt lõi thành công của đầu tư bất động sản vẫn là vị trí, mà ngoài vị trí đẹp, Hòa Bình Green City còn xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao, nhưng lại bán với giá mềm (trên 22 triệu đồng/m2).

Thách thức đối với người này có thể là cơ hội của người khác và còn nhiều DN khác không chùn tay trước khó khăn. Năm ngoái, Bitexco động thổ tổ hợp khách sạn, căn hộ, văn phòng The One với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD tại TP.HCM và đang xúc tiến đầu tư Khu đô thị The Manor Central Park với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD tại Hà Nội.

Với Vingroup, ngoài việc tập trung nguồn lực hoàn thiện khu đô thị Royal City và Times City với 8.500 căn hộ tại Hà Nội, tập đoàn này cũng vừa được TP.HCM chấp thuận về chủ trương làm nhà đầu tư 2 dự án ở Thủ Thiêm, với tổng diện tích gần 25 ha.

Điều mà những DN bất động sản này đang kỳ vọng là họ sẽ là những người đầu tiên đón đầu sự phục hồi của thị trường nhờ định hướng đúng và tiềm lực mạnh. Theo ông Lâm, khi Dự án D.’ Le Pont D’or hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2015, thị trường bất động sản lúc đó chắc chắn đã phục hồi. Vì thế, nếu không chuẩn bị đầu tư từ bây giờ, cơ hội rất dễ bị bỏ lỡ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản