Bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030
Thế Hải - 23/09/2020 14:31
 
Bộ Xây dựng đã ra "tối hậu thư" cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Các tỉnh, thành phố bắt đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Các tỉnh, thành phố bắt đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050

Bộ Xây dựng vừa có Công văn 4516/BXD-VLXD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Trước đó, vào ngày 18/8/2020 Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Đơn cử, với ngành xi măng, từ đầu năm 2021 trở đi, tất cả các dự án xi măng đầu tư mới có công suất dưới 5.000 tấn clinker/ngày (tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm)  sẽ không được phép đầu tư. Theo đó, chỉ cho phép  đầu tư mới nhà máy sản xuất xi măng có công suất 1 dây chuyền 5.000 tấn clinker/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và đầu tư đồng bộ hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, và thỏa mãn các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường.

Đối với ngành sứ vệ sinh, chỉ cho phép đầu tư mới các dây chuyền công suất lớn, đến 2025, tất cả các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao sản lượng.

Ngành kính xây dựng được sẽ hạn chế đầu tư xây dựng mới các nhà máy kính nổi xây dựng thông thường; tập trung đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao, kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, siêu mỏng, kính cho pin năng lượng, kính chống cháy...

Để triển khai thực hiện Chiến lược, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án, đề án, chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn phù hợp với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2050.

Chỉ đạo việc quản lý và thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật, lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo về Bộ Xây dựng để phối hợp xử lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản