-
Hà Nội bãi bỏ 2 quyết định quy định thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất -
Thị trường địa ốc Đà Nẵng kỳ vọng vào hiệu ứng khu thương mại tự do -
Bình Định chuẩn bị đấu thầu tìm nhà đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội -
Bất động sản Đông Nam Bộ lên ngôi -
Ninh Thuận có 3 dự án khu đô thị được phê duyệt nhưng chưa có nhà đầu tư -
Huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh sắp có thêm hơn 12.000 căn nhà ở xã hội -
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân: Chưa bao giờ giá nhà ở xã hội rẻ như bây giờ
Nhà ở xã hội, nhưng giá thương mại
Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ mua nhà tại nhiều loạt dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Đây là tin vui với nhiều người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở, nhưng khi nhìn vào mức giá dự kiến, nhiều người không khỏi giật mình.
Cụ thể, tại dự án nhà ở xã hội Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), mức giá dự kiến dưa ra lên tới 19,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì). Đây là mức giá cao nhất với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, thậm chí còn cao hơn giá nhà ở thương mại ở nhiều khu vực tương đương. Dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ có 427 căn để bán, 11 căn cho thuê với quy mô 1.630 người.
Dự án nhà ở xã hội IEC có mức giá 16 triệu đồng/m2 |
Còn tại dự án nhà ở xã hội IEC Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Cơ điện IEC làm chủ đầu tư, dù có mức giá thấp hơn, nhưng cũng lên tới 16 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì).
Dự án Ecohome 3 tại lô đất ký hiệu B11-HH2 (Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) công bố hai lần với giá lần lượt hơn 16,3 triệu đồng/m2 và gần 16,67 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT, chưa có phí bảo trì).
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn. Riêng trong năm 2019, đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 4.110 căn hộ.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, kết quả trên chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mức giá trên với các dự án nhà ở xã hội khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, bởi theo quy định, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại) đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10%.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá căn hộ 48,5 m2 Tòa CT2 Khu đô thị chức năng Tây Mỗ, Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) được rao bán khoảng 20 triệu đồng/m2. Hay một căn hộ tại dự án thuộc đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) diện tích 46 m2 cũng chỉ rao bán giá 830 triệu đồng, tương đương khoảng 18 triệu đồng/m2. Hay căn hộ diện tích 50 m2 tại chung cư thuộc khu Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng chỉ được rao bán với giá 18 triệu đồng/m2… Còn tại Thanh Trì, theo khảo sát của phóng viên, mức giá nhà ở thương mại nhiều dự án tại đây cũng chỉ từ 16 triệu đồng/m2…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, người mua nhà ở xã hội đã gặp khó khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, trong khi gói mới từ Ngân hàng Chính sách không dễ gì tiếp cận, nên việc giá nhà xã hội tăng cao khiến người thu nhập thấp khó có cơ hội mua nhà.
Chính sách đã lỗi thời?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về mức giá dự kiến đưa ra, đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Đại Mỗ cho biết, doanh nghiệp cũng nhận được phản hồi về việc giá nhà cao và Công ty đang xây dựng lại giá bán để báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội thẩm duyệt.
Lý giải tình trạng giá nhà xã hội tăng cao, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, sở dĩ có chuyện giá nhà ở xã hội có những nơi cao hơn nhà ở thương mại là do thị trường bất động sản cạnh tranh khốc liệt, nhiều dự án thương mại giảm giá, chấp nhận không có lãi, thậm chí lỗ. Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn cứng nhắc tính toán mức lợi nhuận ở mức 10%, chưa thích nghi với biến động của thị trường. Một điểm nữa là do nguồn cung nhà ở xã hội không có, dẫn đến các dự án bị đẩy giá.
“Số lượng người có nhu cầu mua nhà ở xã hội rất lớn, trong khi nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp lại rất hạn chế, khiến giá bị đẩy lên. Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do gì, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về giá bán loại nhà ở này”, ông Cường cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: “Thực ra, không có quy định nào về mức giá tối thiểu, tối đa với nhà ở xã hội. Nhưng làm nhà ở xã hội, Nhà nước đã hỗ trợ cho chủ đầu tư về tiền đất, thuế, nên khi tính giá bán nhà ở xã hội sẽ được tính theo giá thanh, hay còn gọi là giá vốn, cộng với biên độ lợi nhuận cho doanh nghiệp từ 10 - 14%. Giá vốn này phải được kiểm toán, thẩm định”.
Theo ông Đính, giá vốn ở đây gồm chi phí đất đai và quy mô đầu tư xây dựng. Với nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải xây dựng với quy mô phù hợp với loại hình định mức giá rẻ. Cụ thể, giá thành xây dựng với loại hình nhà 9 tầng khác so với nhà trên 20 tầng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp làm nhà ở xã hội có quy mô như nhà ở thương mại, nên giá đội lên là điều đương nhiên. Do đó, phải được cơ quan thẩm định, kiểm toán hồ sơ một cách chính xác giá vốn và được cộng thêm biên độ lợi nhuận.
Ngoài ra, còn liên quan đến chi phí đền bù về đất đai, tùy mỗi khu vực mà có mức giá khác nhau. Việc giá nhà ở xã hội đẩy lên cao một phần cũng do vì vị trí đất, chi phí đầu tư của doanh nghiệp.
“Các vấn đề trên người mua khó tiếp cận. Do đó, với nhà ở xã hội, Nhà nước cần phải có nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể. Còn nếu doanh nghiệp đã vượt qua một ngưỡng nào đó, thì không đồng ý cho dự án thuộc nhà ở xã hội nữa, mà xem xét loại hình nhà ở khác và chủ đầu tư không được nhận các ưu đãi về tiền đất, thuế”, ông Đính nói.
Cùng chung quan điểm, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, quy định với nhà ở xã hội chỉ nằm ở chỗ, doanh nghiệp được nhận đất, sau đó khống chế tỷ lệ lợi nhuận ở mức 10%. Còn việc kê khai chi phí thế nào, chỉ chủ đầu tư và đơn vị thẩm định biết, người mua gần như không nắm được thông tin.
“Với cơ chế hiện nay, giá nhà ở xã hội tăng lên là điều khó tránh khỏi. Bởi ngoài chi phí có thể kiểm đếm được, còn nhiều chi phí khó nói khác, nên giá nhà ở xã hội cao là điều dễ hiểu. Nếu như không có chính sách đột phá, khó có thể giải quyết được bài toán phát triển nhà ở xã hội. Thậm chí, sẽ xuất hiện nghịch lý là ở nhà xã hội nhưng đi xe hơi như tại nhiều dự án hiện nay”, ông Phượng nói.
-
Xác định vị trí đặt két sắt hợp phong thủy -
Ứng dụng phong thủy trong kinh doanh: Yếu tố Thiên, Địa -
B+H hợp tác cùng Surbana Jurong thực hiện các dự án mới trên toàn cầu -
Chung cư hạng sang, hành lang "mét mấy"? -
Tầm quan trọng của phong thủy trong hoạt động kinh doanh -
Tòa nhà hơn 7.000 cây xanh: Từ bản vẽ đến hiện thực -
Xem ngày đẹp để định tốt xấu
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 22/11 -
2 Thời gian vận hành chính thức tuyến metro số 1 TP.HCM -
3 Lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt: Rõ dần phương hướng -
4 Công chức không ăn vài trăm năm mới mua được nhà, sao không mở rộng đất cho nhà ở xã hội? -
5 Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025