Bất động sản TP.HCM: Cơ hội đang đến ở khu Tây Bắc
Việc hầm chui An Sương thông xe, cùng nhiều dự án hạ tầng trọng điểm khác đang và sẽ triển khai đã tạo động lực lớn cho thị trường bất động sản Tây Bắc TP.HCM phát triển.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Khu Tây Bắc TP.HCM gồm các quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), mở rộng về phía tỉnh Tây Ninh, được quy hoạch là vùng trọng điểm trong quy hoạch vùng TP.HCM mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Nơi đây được quy hoạch thành khu đô thị lớn thứ 2 của TP.HCM và sẽ là bàn đạp liên kết vùng giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, khu Tây Bắc đã được tập trung đầu tư, xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, liên kết khu vực này với trung tâm Thành phố và các địa phương khác như Tây Ninh, Long An, xuống miền Tây Nam Bộ. Ngoài ra, khu vực này cũng được quy hoạch nhiều khu đô thị lớn như Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi…

Khu Tây Bắc đã có sự góp mặt của nhiều đại gia bất động sản như Hưng Thịnh, Trần Anh Group
Khu Tây Bắc đã có sự góp mặt của nhiều đại gia bất động sản như Hưng Thịnh, Trần Anh Group

Các dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý được triển khai tại khu vực Tây Bắc TP.HCM có thể kể đến như Dự án mở rộng Quốc lộ 1A tuyến nối khu Đông TP.HCM về miền Tây Nam Bộ xuyên qua khu Tây Bắc. Trên trục tuyến đường này, có những cầu vượt được triển khai như cầu vượt trục ngã tư Lê Trọng Tấn - Quốc lộ 1A khánh thành vào cuối năm 2017, cầu vượt ngã tư An Sương - Quốc lộ 1A và mới đây nhất là thông xe nhánh N1 dự án hầm chui An Sương.

Dự án hầm chui An Sương có tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng, trong đó nhánh N1 có chiều dài 445 m với phần hầm kín dài 125 m, được khởi công từ ngày 19/1/2017. Sau khi thông xe, nhánh N1 tổ chức lưu thông 1 chiều cho xe ô tô hướng từ trung tâm TP.HCM đi huyện Củ Chi. Còn nhánh N2 (hướng huyện Củ Chi về trung tâm Thành phố) dài 385m, phần hầm kín dài 125 m sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Việc thông xe nút giao thông này đã tháo nút thắt về điểm nghẽn giao thông cho khu Tây Bắc, bởi nhiều năm qua, đây chính là điểm nóng về ùn tắc và tai nạn giao thông của TP.HCM. Ngoài tháo nút thắt về điểm nghẽn giao thông, việc thông xe hầm chui An Sương cũng giúp việc kết nối giữa khu Tây Bắc (quận 12, huyện củ Chi, huyện Hóc Môn) với trung tâm Thành phố và giữa TP.HCM với tỉnh Tây Ninh được thông suốt hơn.

Hầm chui An Sương đi vào hoạt động đã tạo động lực cho thị trường bất động sản Tây Bắc TP.HCM phát triển. Ảnh: Gia Huy
Hầm chui An Sương đi vào hoạt động đã tạo động lực cho thị trường bất động sản Tây Bắc TP.HCM phát triển. Ảnh: Gia Huy
Ngoài hầm chui An Sương, một dự án giao thông trọng điểm khác được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị khu Tây Bắc là dự án tuyến đường sắt trên cao Bến Thành - Tham Lương. Tuyến đường sắt trên cao này dài khoảng 11,322 km, có 11 ga, gồm 10 nhà ga ngầm là Bến Thành, Tao Đàn, Dân Chủ, Hòa Hưng, Lê Thị Riêng, Phạm Văn Hai, Bảy Hiền, Nguyễn Hồng Đào, Bà Quẹo và Phạm Văn Bạch và 1 ga trên cao ở Tân Bình.

Tuyến Bến Thành - Tham Lương là một phần của tuyến metro số 2, có điểm đầu là bến xe Tây Ninh (An Sương) nối với 1 depot tại đường Dương Thị Giang chạy dọc đường Trường Chinh, đường Cách mạng Tháng Tám, đường Phạm Hồng Thái, Bến Thành, Hàm Nghi, qua sông Sài Gòn sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết thúc tại điểm ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, dự án metro số 2 có tổng vốn đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng, đang trong quá trình đền bù giải tỏa để tiến hành xây dựng trong năm 2020.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ phát triển thêm trục giao thông khu Tây Bắc để hoàn thiện theo bản quy hoạch xây dựng vùng điều chỉnh mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành mới đây. Theo đó, tuyến Quốc lộ 22 nối khu Tây Bắc TP.HCM với các tỉnh Long An, Tây Ninh thành trục đường liên kết chính trong phát triển kinh tế vùng, nối thẳng tới cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh. Ở hai bên trục đường này sẽ phát triển dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí, giáo dục và đô thị vệ tinh lớn của TP.HCM.

Cùng với đó, các tuyến đường kết nối nội khu như Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh, Tân Sơn Nhất… cũng sẽ được tiến hành mở rộng. Đây là quy hoạch đã có trong chương trình đột phá của việc giảm tải ùn tắc giao thông của TP.HCM mà tới năm 2020 phải hoàn thành.

Cơ hội đang đến

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện khu Tây Bắc đang là phân khu có nhiều tiềm năng phát triển nhất của thị trường bất động sản TP.HCM. Lợi thế lớn nhất của khu này là hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện và quỹ đất rộng lớn. Đặc biệt, quy hoạch phát triển của TP.HCM đang ưu tiên cho doanh nghiệp về đây đầu tư, nhưng từ trước tới nay, các doanh nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ thị trường này. Một khi các doanh nghiệp quay lại, thị trường bất động sản khu Tây Bắc sẽ trở thành tâm điểm mới của TP.HCM.

Cụ thể hơn, ông Châu cho biết, lợi thế thứ nhất của khu Tây Bắc là hệ thống sông ngòi, kênh rạch phong phú, thiên nhiên hài hòa, được ví là lá phổi xanh điều tiết không khí cho TP.HCM. Bên cạnh đó, nơi đây cũng đã đáp ứng đủ tiện ích sống cho người dân như chuỗi siêu thị, khu vui chơi giải trí, hệ thống trường học từ đại học tới trường quốc tế đã xuất hiện. Thêm vào đó, chính sách tái khởi động khu đô thị vệ tinh lớn nhất TP.HCM là Tây Bắc Củ Chi đã được UBND TP.HCM đưa vào kế hoạch cấp vốn trong năm 2018…

Còn ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin Quy hoạch (Sở Quy hoạch - Kiến Trúc TP.HCM) cho biết, hiện quy hoạch mà TP.HCM đưa ra cho khu Tây Bắc đã rõ ràng và đang trong giai đoạn thực hiện quyết liệt. Trong đó, Khu đô thị Tây Bắc hình thành với mục tiêu tạo động lực phát triển nhanh khu vực, kể cả các huyện thuộc tỉnh Long An, Tây Ninh giáp ranh Thành phố.

Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương sang dịch vụ đô thị, công nghiệp, sử dụng có hiệu quả hơn quỹ đất hiện hữu, góp phần cải thiện đời sống người dân qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm mới, tăng quỹ đất phát triển đô thị ở ngoại vi Thành phố, góp phần giảm áp lực dân cư trong khu vực nội thành, điều hoà dân số, do lao động ở các khu vực hiện tập trung quá đông, quá tải về giao thông và khó khăn về tổ chức môi trường sống đô thị.

“Là một trong các cửa ngõ quan trọng của TP.HCM và cách trung tâm Thành phố 30 km, khu Tây Bắc là giao điểm của các trục giao thông chiến lược, như hướng Nam Bắc có đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) kết nối giữa trung tâm TP.HCM, tỉnh Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài và Campuchia. Còn theo hướng Đông Tây từ tỉnh Long An đi TP.HCM, tỉnh Bình Dương là tỉnh lộ 8. Yếu tố này thuận lợi cho việc đầu tư, bởi dễ dàng lưu thông tới các phân khu của toàn TP.HCM”, ông Thụ nói.

Cũng theo ông Thụ, TP.HCM đã định hướng phát triển đô thị của Thành phố với trung tâm dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, giải trí, thể thao; khu công nghiệp tập trung; kho bãi trung chuyển tại cửa ngõ Tây Bắc…

Đặc biệt, trong tương lai, Khu đô thị Tây Bắc sẽ là nơi thu hút dân cư, với khả năng tạo việc làm cao, là nơi có mức tăng trưởng kinh tế nhanh qua sự phát triển dịch vụ công cộng và công nghiệp. Việc phát triển kinh tế của đô thị theo mô hình tổng hợp, đa năng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện nay, khu Tây Bắc đang là điểm ngắm mới của nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Nhiều thương hiệu lớn trên thị trường địa ốc đã có mặt tại đây như chuỗi dự án chung cư 8X của Tập đoàn Hưng Thịnh, chuỗi khu đô thị rộng hàng chục héc-ta của Trần Anh Group, Cát Tường Group, hay dự án nhà ở xã hội của Hoàng Quân…

Ngoài ra, các đại gia khác như Him Lam, Novaland... cũng đang săn lùng quỹ đất ở khu vực này để phát triển dự án mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản