Cấp “sổ đỏ” cho condotel: Quy định đã có, nhưng không dễ
Việt Dũng - 29/04/2023 10:07
 
Mặc dù Nghị định số 10/2023/NĐ-CP đã quy định cấp giấy chứng nhận cho condotel đủ điều kiện, song còn nhiều rào cản khi áp dụng quy định này vào thực tế.
Ảnh minh họa.

Làn gió mới

Ngay sau khi Nghị định số 10/2023/NĐ-CP (Nghị định 10) được Chính phủ ban hành, chị Đặng Thị Phương, Giám đốc truyền thông của một doanh nghiệp lớn (có nhiều dự án nghỉ dưỡng ở Bình Định), không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Bõ công bao năm trông đợi. Cái xe máy trị giá mấy triệu đồng còn có giấy đăng ký ghi tên chủ sở hữu, chẳng lẽ tài sản tiền tỷ thì không? Sổ màu gì cũng được, miễn là ghi tên người sở hữu để được pháp luật công nhận và chuyển nhượng, nghĩa là có cơ hội hình thành thị trường thứ cấp mua bán chuyển nhượng”.

“Condotel có thể thời điểm này chưa gắn với nhu cầu thực, nhưng nhìn vào kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2030 với 50 triệu khách quốc tế thì chúng ta vẫn còn phải xây nhiều. Vì vậy, nghị định này được xem như là lối thoát cho condotel và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng”, chị Phương nói.

Thực tế, đây cũng là nỗi lòng chung của các chủ đầu tư dự án condotel, hay còn gọi là căn hộ khách sạn (dòng sản phẩm kết hợp giữa căn hộ chung cư và khách sạn). Bởi ở giai đoạn 2015 - 2018, condotel đã bùng nổ và nằm trong danh mục đầu tư ưu tiên của giới kinh doanh. Kéo theo đó, nguồn cung sản phẩm này cũng ồ ạt xuất hiện trên thị trường.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong giai đoạn 2015 - 2018 đã có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường tại nhiều địa bàn có lợi thế du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng...

Tuy nhiên, đến năm 2019, thương vụ vỡ cam kết lợi nhuận khiến condotel mất điểm trong mắt các nhà đầu tư cùng với cú giáng bồi của Covid-19 một năm sau đó thực sự đã nhấn thêm gam màu xám trên bức tranh thị trường này. Từ đó đến nay, condotel dường như bị “lãng quên”.

Vì vậy, Nghị định 10 được ban hành như “làn gió mới” thổi lên hy vọng cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, nhiều sàn giao dịch bất động sản cũng như các nhà môi giới bắt đầu rục rịch lên kế hoạch rao bán đối với loại hình sản phẩm này. Các chính sách ưu đãi dành cho khách hàng bắt đầu được tung ra, kèm theo lời cam kết từ phía chủ đầu tư về mặt pháp lý.

Cần làm rõ việc sở hữu có thời hạn

Chia sẻ từ góc nhìn của một đơn vị phân phối, ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó tổng giám đốc SGO Property cho rằng, sau khi Nghị định 10 được ban hành, việc bán hàng cũng như tư vấn về pháp lý của condotel sẽ dễ dàng hơn. Các đại lý có thêm sự tự tin về sản phẩm mình đang phân phối. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự hồi phục, mức độ thanh khoản và giao dịch ở thời điểm hiện tại chưa thể tăng đột biến.

Để gỡ vướng hoàn toàn cho condotel, thúc đẩy sự phục hồi của loại hình này, cần những giải pháp đồng bộ, cả về pháp lý, vốn tín dụng, lẫn sự hồi phục của ngành du lịch trong thời gian tới.

Để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển bền vững, ông Mẫn cho rằng, bên cạnh việc ban hành Nghị định 10, còn cần làm rõ việc sở hữu có thời hạn với những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là 50 năm hay 70 năm. Sau khoảng thời gian đó, nếu bất động sản vẫn đủ điều kiện để tiếp tục khai thác vận hành thì các nhà đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục gì? Liệu có cần nộp thêm chi phí để tiếp tục sở hữu bất động sản đó không, hay sẽ mất quyền sở hữu tài sản của mình.

Đó là những vấn đề cần tìm lời giải thỏa đáng. Đặc biệt, yếu tố quyết định để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cũng như để thị trường phát triển lành mạnh chính là năng lực của chủ đầu tư. Không chỉ cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư, chủ đầu tư cần phải có năng lực về triển khai dự án và quan trọng chính là khâu quản lý vận hành để mang lại lợi nhuận thực tế cho nhà đầu tư.

Cũng lạc quan với những quy định mới từ Nghị định 10, nhưng ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group cho rằng, vấn đề của bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ là sổ đỏ, do đó để cấp được giấy chứng nhận vẫn cần thêm những giải pháp để thực thi.

Theo ông Thắng, nghị định mới giúp gỡ khó một phần vướng mắc của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Tuy nhiên, để gỡ vướng hoàn toàn, thúc đẩy sự phục hồi của loại hình này, cần có những giải pháp đồng bộ hơn, cả về pháp lý, vốn tín dụng, lẫn sự hồi phục của ngành du lịch trong thời gian tới.

Cụ thể, Chính phủ cần có hướng dẫn chi tiết để Nghị định 10 được áp dụng và thực thi một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, quá trình cấp sổ cho loại hình này cần linh hoạt, tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục hành chính liên quan để có đủ tính pháp lý, làm căn cứ thực hiện cấp sổ dễ dàng, nhanh chóng. Có 2 vấn đề phải giải quyết:

Thứ nhất, cần có những quy định cụ thể về việc kinh doanh, quản lý vận hành, thời hạn sở hữu đối với loại hình condotel.

Thứ hai, cần có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong vấn đề thực hiện và chi trả cam kết của các chủ đầu tư. Có quy định rõ ràng trong vấn đề cam kết lợi nhuận để đưa loại hình condotel về giá trị thực, đảm bảo thị trường phát triển bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản