Chủ đầu tư không được tự ý sử dụng 2% phí bảo trì của người mua nhà
Hùng Võ (TTXVN/Vietnam+) - 08/08/2020 09:45
 
Một số địa phương đề nghị cần quy định rõ trong Nghị định về tài khoản kinh phí bảo trì theo hướng đây phải là tài khoản “đóng”, chủ đầu tư không được tự ý sử dụng.
Chu dau tu khong duoc tu y su dung 2% phi bao tri cua nguoi mua nha hinh anh 1
Chủ đầu tư cũng phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Trong đó, đề xuất sửa đổi quy định về việc người mua nhà phải nộp 2% kinh phí bảo trì tòa nhà cho chủ đầu tư.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, quy định hiện hành tại khoản 1, Điều 36, Nghị định số 99/2015 là chủ đầu tư phải mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư nộp; khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn.

Tuy nhiên, trên thực tế có tình trạng chủ đầu tư đã tự ý sử dụng tài khoản này trước khi bàn giao cho Ban quản trị, từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác quyết toán, thu hồi kinh phí này để bàn giao sang cho Ban quản trị.

Vì vậy, một số địa phương đề nghị cần quy định rõ trong Nghị định về tài khoản kinh phí bảo trì theo hướng đây phải là tài khoản “đóng.” Nghĩa là chủ đầu tư không được tự ý sử dụng cho đến khi bàn giao sang cho Ban quản trị quản lý.

Tương tự, theo quy định tại khoản 2, Điều 36, người mua nhà nộp kinh phí bảo trì theo 2 hình thức là nộp trực tiếp vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng mua bán, hoặc nộp cho chủ đầu tư để chủ đầu tư chuyển vào tài khoản kinh phí bảo trì.

Thế nhưng, việc quy định 2 hình thức nộp tiền như trên cũng dẫn đến tình trạng chủ đầu tư sử dụng kinh phí này trước khi bàn giao cho Ban quản trị, từ đó gây khó khăn trong công tác quyết toán, thu hồi kinh phí để bàn giao sang cho Ban quản trị.

Từ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 99/2015/NĐ-CP tại các địa phương, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng cần thiết bỏ quy định về hình thức nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư để hạn chế tình trạng trên.

Theo đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đề xuất người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định.

Chu dau tu khong duoc tu y su dung 2% phi bao tri cua nguoi mua nha hinh anh 2
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Dự thảo cũng yêu cầu chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản đã mở theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (bao gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín chức tín dụng nơi mở tài khoản này).

Người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng. Nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này.

Về xử lý tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì 2% bàn giao cho Ban quản trị, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi theo hướng quy định hình thức xử lý tài sản của chủ đầu tư theo hình thức bán đấu giá tài sản để làm cơ sở cho địa phương thực hiện việc thu hồi kinh phí bàn giao cho Ban quản trị.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, bạn đọc có thể góp ý kiến bằng thư điện tử và gửi về hộp thư [email protected] và gửi bằng văn bản về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản-Bộ Xây dựng, tại địa chỉ số 37 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội trước ngày 10/10/2020./.

 

Điều 108 Luật Nhà ở quy định về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu:

1. Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác bán, cho thuê mua; khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người mua, thuê mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua.

2. Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản