Đà Nẵng vươn tới vị thế đô thị tầm vóc khu vực
Hà Minh - 29/03/2018 20:43
 
Nằm ở trung điểm của đất nước, sở hữu vị trí trọng yếu cùng điều kiện, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, tiềm năng du lịch dồi dào, là nơi trung chuyển đường bộ, đường biển, đường hàng không khu vực miền Trung - Tây Nguyên, TP. Đà Nẵng đang nỗ lực để xác định vị thế mới, không chỉ trong khu vực miền Trung, mà rộng ra cả Đông Nam Á.

Hội tụ tiềm năng

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhận định: “Đà Nẵng có đầy đủ tiềm năng, lợi thế vượt trội so với các tỉnh miền Trung, điều này không ai có thể phủ nhận. Nhưng khai thác các lợi thế đó sao cho đúng hướng, đúng đường ray và đến đích hiệu quả lại là vấn đề không đơn giản”. 

Trăn trở của ông Huỳnh Đức Thơ cũng là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố nơi cuối sông, đầu biển này và cũng là khát vọng, mong muốn của người dân Đà Nẵng.

.
Với nhiều lợi thế vượt trội, TP. Đà Nẵng đang nỗ lực để xác định vị thế mới, không chỉ trong khu vực miền Trung, mà rộng ra cả Đông Nam Á

Lợi thế mà ông Huỳnh Đức Thơ nói đến, đó là Đà Nẵng là nơi hội tụ các yếu tố giao thông thuận lợi: sân bay quốc tế, cảng Tiên Sa, là trung điểm giao thông bộ (đường cao tốc, đường sắt, Quốc lộ 1 và đường ven biển). Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn sở hữu nhiều tài sản vô hình khác như: là thành phố có thương hiệu số một Việt Nam về môi trường sống; là hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, được lựa chọn là trung tâm phát triển một số lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, khu công nghệ cao…

“Đà Nẵng có cơ cấu kinh tế với động lực tăng trưởng là ngành dịch vụ, trong đó du lịch đang phát triển mạnh và có tác động tăng trưởng cao, phù hợp với xu hướng quốc tế. Hạ tầng của Đà Nẵng được đầu tư tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả, nhất là hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị. Đó là những lợi thế lớn cho phát triển”, ông Thơ chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung nhìn nhận, về cơ bản, một số định hướng về phát triển hạ tầng của Đà Nẵng đã khá rõ và đã xác định được nguồn vốn đầu tư (như cảng Liên Chiểu, cao tốc đi Quảng Ngãi). Không những vậy, chính quyền TP. Đà Nẵng luôn nỗ lực trong việc nâng cao vai trò kiến tạo và phục vụ. Điều đó được thể hiện qua việc thành phố này luôn đứng đầu các địa phương trong cả nước về các chỉ số đánh giá PCI, PAPI, PAR Index, ICT Index…

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Du Lịch, quỹ đất sạch của Đà Nẵng không còn nhiều, đặc biệt là đất trong đô thị; quỹ đất dành cho không gian xanh, tiện ích công cộng thiếu trầm trọng.

Mô hình phát triển của Đà Nẵng cũng chưa rõ ưu tiên, các lựa chọn và chưa thực sự mang tính thị trường; chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao với lĩnh vực công nghệ. Đà Nẵng còn thiếu sự hấp dẫn trong thu hút FDI, nhất là dòng vốn và công nghệ của các tập đoàn lớn toàn cầu trên thế giới.

Vì vậy, theo ông Trần Du Lịch, Đà Nẵng cần tập trung các giải pháp để sớm triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng ưu tiên theo quy hoạch gồm: xây dựng cảng Liên Chiểu, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn, sớm hoàn thành tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan; đầu tư di dời ga đường sắt Đà Nẵng…

Đồng quan điểm, TS. Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Đà Nẵng có núi, có biển, có đô thị ven sông. Đây là những lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Đà Nẵng cần phải tăng tốc nhanh hơn để xứng với tiềm năng. “Điều quan trọng là Đà Nẵng phải xây dựng được những cơ chế, kêu gọi các chuyên gia, các tổ chức giỏi, giúp Thành phố tìm ra lời giải tối ưu cho bài toán tăng trưởng nhanh”, ông Phước gợi mở.

Xác định tầm nhìn là trung tâm khu vực

Nhiều chuyên gia nhận định, sự phát triển của Đà Nẵng thời gian qua đã nảy sinh và tích tụ nhiều bất cập và đang bộc lộ thành những “điểm nghẽn”, những “nút thắt” phát triển, mà hệ quả là chức năng, vai trò dẫn dắt phát triển, động lực tăng trưởng của Thành phố có dấu hiệu suy yếu. Vì vậy, phải phát triển Đà Nẵng dựa trên tầm nhìn của một thành phố hiện đại, thông minh, thành phố toàn cầu, có bản sắc và đáng sống; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm hội nhập, hội tụ phát triển quốc tế, trung tâm logistics, trung tâm du lịch biển quốc tế, trung tâm đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Xác định mục tiêu này, theo ông Huỳnh Đức Thơ, trong thời gian qua, Thành phố đã nỗ lực kêu gọi các dự án đầu tư vào hạ tầng để khai thác lợi thế và nâng tầm Đà Nẵng, cụ thể là 9 dự án kêu gọi đầu tư về hạ tầng đã đưa ra mời gọi các nhà đầu tư nhân Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017.

Các dự án tập trung nhiều vào lĩnh vực kết nối giao thông đối ngoại, nhằm xây dựng Đà Nẵng thành địa điểm trung tâm và cửa vào - ra cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: “Đà Nẵng đã có một thương hiệu tốt, nhưng đẳng cấp chưa thực sự cao. Hiện GDP bình quân của thành phố là 3.000 USD/người, tuy có cao hơn trung bình cả nước, nhưng không nhiều. Để tạo bản sắc thì Đà Nẵng phải nâng mức GDP lên cao hơn nữa”.

Ngoài ra, theo ông Trần Đình Thiên, năng lực hội nhập và năng lực lan tỏa của Đà Nẵng chưa cao. Vì vậy, ông Thiên đề nghị, Đà Nẵng không chỉ hội nhập, mà phải trở thành điểm hội tụ khu vực. “Tương lai rất rộng mở, nên Đà Nẵng phải được định hướng phát triển thành đô thị tầm cỡ quốc tế mới có thể kéo thế giới đến, đảm nhận vai trò lan tỏa cho vùng và khu vực”, ông Thiên nói.

Cũng theo ông Thiên, để Đà Nẵng xác định được vai trò trung tâm vùng, không bó hẹp trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thì khi quy hoạch hệ thống logistics, cảng hàng không, cảng biển… phải thiết kế với tầm nhìn khu vực, hội nhập quốc tế.

“Có hai cách tiếp cận định vị Đà Nẵng. Đó là Đà Nẵng phải có mức độ hiện đại cao nhất; Thành phố phải giữ vai trò dẫn dắt để đuổi kịp thời đại bằng cách xây dựng đô thị thông minh và đổi mới sáng tạo”, ông Thiên khuyến nghị.

Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng, để Đà Nẵng bứt phá, rất cần có chính sách về ngân sách và chính sách phân quyền, phân cấp của tổ chức bộ máy, bởi hai yếu tố này đảm bảo cho Đà Nẵng có tính đặc thù. “Nếu thoát ly khỏi hai tính chất đó, thì khả năng giống như đoàn tàu không có đầu tàu mà chỉ toàn là toa tàu”, ông Thiên ví von.

Ý kiến – Nhận định:

Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phải xác định được mình có lợi thế gì

Đà Nẵng phải xác định được mình có lợi thế gì trong 3 lĩnh vực là trung tâm hội nhập, trung tâm hội tụ, trung tâm logistics, để có những nghiên cứu, định hướng rõ ràng.

Từng có một thời gian khi làm quy hoạch cảng, các bộ, ngành chức năng, tổ chức nước ngoài bàn mãi các nơi: Cái Mép - Thị Vải (TP.HCM), Vân Phong (Khánh Hòa), Lạch Huyện (Hải Phòng), cuối cùng chỉ một nơi thế giới đồng ý là Cái Mép - Thị Vải là trung tâm, trung chuyển được vì còn có chân hàng. Vân Phong có thuận lợi là đón được tàu lớn, nhưng nằm vị trí đòn gánh, không có chân hàng nên ì ạch mãi mà không làm được. Đà Nẵng muốn xây dựng trung tâm logistics phải xem xét thật kỹ. Theo tôi, Đà Nẵng có thể là trung tâm du lịch Việt Nam, trung tâm du lịch biển quốc tế.

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Đà Nẵng phải lưu ý sử dụng hợp lý quỹ đất

Đà Nẵng chưa vươn lên, chưa xác lập được nền công nghiệp hiện đại như mong đợi, dù đã thành lập Khu công nghệ cao. Lĩnh vực du lịch của Thành phố tuy cũng phát triển, nhưng tương lai thì dư địa quỹ đất không còn nhiều, bởi vậy phải sử dụng thật hợp lý, tránh lãng phí.

Đà Nẵng đang tìm hướng khai thác hai nguồn tài nguyên là nguồn tài nguyên biển (phát triển logictics) gắn với cảng biển Liên Chiểu, kết hợp với Hành lang kinh tế Đông - Tây và trục Bắc - Nam. Điều này đòi hỏi không chỉ phía biển mà cả đất liền. Theo tôi, vùng diện tích đất ở huyện Hòa Vang cần được đặt trọng tâm khai thác.

Ông Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch kiến trúc quốc gia: Định hướng lại chiến lược phát triển bền vững hơn

Vấn đề của Đà Nẵng bây giờ là quy hoạch. Một thời Đà Nẵng phát triển rất “nóng”, có khi phải làm quy hoạch tỷ lệ 1/500 trước khi có quy hoạch 1/2.000 vì phải đáp ứng yêu cầu phát triển. Bây giờ, quy hoạch phát triển có phần chậm lại, có những thử thách mới, nhưng lại là cơ hội để định hướng lại chiến lược, phát triển bền vững hơn.

Đà Nẵng có lợi thế về đô thị sân bay, Đà Nẵng nên quy hoạch đường vành đai sân bay, sau đó phát triển đô thị, lĩnh vực logistics hàng không, đây là mô hình tiên tiến nhất hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản