Dẹp loạn “cò đất, cò nhà” bằng chứng chỉ hành nghề
- 15/07/2014 15:11
 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ngày "lụi tàn" của sàn giao dịch bất động sản?
Vì sao đề xuất "khai tử" hơn 1.000 sàn BĐS?
Luật Nhà ở đang "đá nhau" với Luật Kinh doanh BĐS

Một trong những phương án hữu hiệu nhất để dẹp “cò đất” là yêu cầu người môi giới nhà đất phải có chứng chỉ hành nghề.

Theo Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản mới nhất, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản   phải hội tụ 4 điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có trình độ từ trung cấp trở lên; đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản; và có hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Ngoại trừ Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn về quy định này khi cho rằng, “nhiều người khá “mát tay”, nhanh nhẹn và “có duyên” với môi giới nhà đất, với quy định này không được hành nghề nữa sẽ gây khó khăn cho cả người bán lẫn người mua ở những nơi không có môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề”, còn tất cả các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình với quy định trên.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, ít nhất 5-10 năm nữa nghề “chỉ trỏ”, “buôn nước bọt” trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn còn tồn tại, mặc dù hoạt động này sẽ là bất hợp pháp, nếu Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản.

“Nhưng nhất định phải thắt chặt hoạt động môi giới vì môi giới nhà đất không đơn thuần là “chỉ trỏ”, “buôn nước bọt” để hưởng hoa hồng như đối với các loại hàng hóa, dịch vụ khác mà phải có trách nhiệm với cả bên bán lẫn bên mua. Nếu quản lý tốt được thị trường dịch vụ môi giới nhà đất thì dịch vụ môi giới chính thức của những người được cấp chứng chỉ mới cạnh tranh được với những người môi giới bất hợp pháp, mới xây dựng được thị trường bất động sản lành mạnh”, ông Giàu phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý phản ánh, hiện nay, đặc biệt trong những thời điểm thị trường bất động sản sôi động, đi đâu cũng thấy môi giới, nhưng trên thực tế “cò nhà, cò đất” thì nhiều, còn những người thực sự hoạt động theo đúng nghĩa là cung cấp dịch vụ môi giới rất ít.

Ông Lý cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn việc cấp chứng chỉ môi giới bất động sản là người đề nghị cấp chứng chỉ phải qua đào tạo, phải có bằng trung cấp trở lên của những ngành nghề có liên quan đến bất động sản, xây dựng… chứ không phải bằng trung cấp ngành nghề nào cũng được.

“Môi giới có vai trò rất quan trọng trong giao dịch nhà đất, là nhân tố góp phần để thị trường bất động sản giao dịch sôi động và giá trị giao dịch phản ánh đúng giá trị thật. Nhưng do buông lỏng việc quản lý thị trường này nên thực tế cho thấy, chính môi giới góp phần làm cho thị trường bất động sản thành bong bóng. Và hệ quả sau khi bong bóng xì hơi, thị trường đóng băng, kéo theo nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, phải thắt chặt hoạt động dịch vụ môi giới trên cơ sở giao Bộ Xây dựng tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Hồ Trọng Ngũ đề xuất.

  Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng  
  Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Cần phải quy định chỉ những người có chứng chỉ hành nghề mới được hoạt động môi giới bất động sản  

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, hoạt động môi giới nhà đất ở Việt Nam rất phát triển, nhưng trên thực tế chủ yếu là… “chỉ trỏ”, “buôn nước bọt”, thậm chí có không ít trường hợp người môi giới lừa đảo người bán, người mua.

Ông Dũng cho biết, không như Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều quy định, cá nhân muốn tham gia cung cấp dịch vụ BĐS phải có chứng chỉ. Muốn có chứng chỉ hành nghề, cá nhân phải đáp ứng nhiều điều kiện khá cao.

Đơn cử ở Australia, chỉ luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản… mới được tham gia thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản và người môi giới chỉ được hưởng hoa hồng theo một tỷ lệ nào đó tính trên giá trị tài sản bán được chứ không được “ăn” người bán và người mua như “cò nhà, cò đất” Việt Nam hiện nay.

“Người ta quy định chặt chẽ đối với nghề cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản vì nhà đất là tài sản có giá trị rất lớn nhưng lại không có mặt bằng giá như các loại hàng hóa khác. Ngoài ra, mỗi một bất động sản đều có hồ sơ pháp lý riêng, nên người môi giới phải nắm rất chắc hồ sơ pháp lý của từng mảnh đất, ngôi nhà, căn hộ mà anh môi giới và phải chịu trách nhiệm đến cùng trong việc hoàn thiện giấy tờ, thủ tục pháp lý cho người mua chứ không đơn giản chỉ trỏ xong lấy tiền hoa hồng”, ông Dũng cho biết.

“Để lập lại trật tự thị trường cung cấp dịch vụ môi giới nhà đất cần phải quy định chỉ những người có chứng chỉ hành nghề mới được hoạt động môi giới bất động sản. Thậm chí, để loại bỏ “cò nhà, cò đất”, tránh tình trạng lừa đảo, theo tôi, nếu cần thiết, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản nâng tiêu chuẩn khi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, để được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, cá nhân phải có trình độ từ đại học trở lên, có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và phải có đạo đức nghề nghiệp”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản