Doanh nghiệp BĐS mỏng vốn sẽ bị đóng cửa
- 15/11/2014 11:26
 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dài cổ chờ thủ tục chuyển nhượng dự án
Giao dịch bất động sản: Chủ đầu tư làm sai, ngân hàng phải đền
Chủ đầu tư sẽ vẫn “tay không bắt giặc”
Địa ốc có khả năng biến động mạnh
Luật Kinh doanh bất động sản quên... thực tiễn?
Ngày "lụi tàn" của sàn giao dịch bất động sản?
Vì sao đề xuất "khai tử" hơn 1.000 sàn BĐS?

Theo Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), mức vốn pháp định cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản là từ 20 tỷ đồng trở lên, thay vì mức 50 tỷ đồng như đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, ngay cả khi mức vốn pháp định hạ xuống mức tối thiểu 20 tỷ đồng được thông qua, thì nhiều doanh nghiệp vẫn đối mặt với nguy cơ đóng cửa, bởi hơn 60% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay không đủ mức vốn pháp định này.

   
  Nhiều DN vẫn đối mặt với nguy cơ đóng cửa dù vốn pháp định tối thiểu dành cho DN BĐS được hạ xuống 20 tỷ đồng.  

Góp ý với Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc hạ vốn pháp định của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản. Theo đại biểu Phạm Huy Hùng (TP. Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), mức vốn pháp định với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tối thiểu phải là 50 tỷ đồng.

“Quy định doanh nghiệp có vốn pháp định 20 tỷ đồng được phép đầu tư, kinh doanh bất động sản là không ổn. Các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản có tổng vốn đầu tư từ hàng trăm đến hàng chục ngàn tỷ đồng, mà doanh nghiệp chỉ có vốn pháp định 20 tỷ đồng là doanh nghiệp không có năng lực, không làm được việc gì”, ông Hùng nói.

Đồng tình với đại biểu Phạm Huy Hùng, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, nên quy định một tỷ lệ nào đó giữa vốn pháp định và tổng vốn đầu tư dự án mà doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được làm. Với những dự án bất động sản hàng ngàn tỷ đồng mà doanh nghiệp chỉ có vốn pháp định 20 tỷ đồng, thì có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp đăng ký dự án lớn, nhưng không có khả năng hoàn thiện dự án.

Liên quan vấn đề này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, theo thống kê, chỉ có 60% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có mức vốn điều lệ từ 6 đến 20 tỷ đồng và 26% doanh nghiệp có mức vốn điều lệ trên 50 tỷ đồng.

“Do đó, việc quy định mức vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng là quá cao so với mặt bằng vốn chung của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định mức vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với từng loại hình kinh doanh bất động sản và từng thời kỳ”, đại biểu Phan Trung Lý giải thích.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Reenco Sông Hồng cho rằng, việc quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có vốn pháp định 20 tỷ đồng phù hợp trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, phải có lộ trình tăng vốn pháp định của các doanh nghiệp, bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có vốn pháp định rất ít, nhưng vẫn đăng ký đầu tư và triển khai dự án bất động sản quy mô rất lớn, khiến thị trường méo mó, phát triển không bền vững.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quy định vốn pháp định ở mức 20 tỷ đồng là khá cao. Quy định vốn pháp định 50 tỷ đồng như dự thảo trước là không khả thi. Hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc có vốn 6 - 7 tỷ đồng. Sau khi Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua, việc nâng vốn điều lệ là thách thức lớn với các doanh nghiệp này.

“Nếu có quy định, nhưng không có giải pháp quản lý, thì doanh nghiệp vẫn có thể “lách” bằng cách này, cách khác. Thực tế gần đây cho thấy, có doanh nghiệp không có nổi vài tỷ đồng tiền mặt, nhưng vẫn đăng ký vốn điều lệ lên đến hàng ngàn tỷ đồng”, ông Đực nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản