Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 07 năm 2025,
Quảng Ninh: Đẩy nhanh vốn mồi vào nền kinh tế
Quỳnh Nga - 05/07/2025 16:35
 
Đến hết tháng 6/2025, nguồn vốn đầu tư công của Quảng Ninh đã giải ngân trên 3.200 tỷ đồng, đạt 27,5% kế hoạch. Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2025, tỉnh cần phải giải ngân khoảng 9.800 tỷ đồng.

Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh dành 13.002 tỷ đồng cho đầu tư công. Theo báo cáo của các sở, ngành liên quan, trước khi kết thúc hoạt động của cấp huyện, nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện giải ngân trên 3.200 tỷ đồng, đạt 27,5% kế hoạch giao đầu năm.

Dự án đầu tư xây dựng Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến Đông Triều. Ảnh: Đỗ Phương.

Là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, dự án Đường ven sông, đoạn từ đường tỉnh 338 đến Đông Triều, sau hơn 2 năm thi công, đến nay, 12/13 cầu trong dự án đã thi công xong kết cấu chính. Hiện các nhà thầu đang tập trung xử lý đường dẫn đầu cầu.

Riêng cầu Sông Uông nối Uông Bí với Quảng Yên do địa chất phức tạp, đất bùn xen kẹp cùng nhiều tầng hang caster, nên công tác xử lý mất nhiều thời gian. Đến nay, cầu Sông Uông đã hoàn thành thi công cọc khoan nhồi, đổ bê tông được 18/24 mố trụ, đang triển khai thi công đúc hẫng 2/4 trụ đúc, lao lắp dầm 2/16 nhịp, đúc dầm Super T đạt 30/80 phiến dầm.

Theo báo cáo từ chủ đầu tư, trong quá trình triển khai, việc khan hiếm đối với nguồn cung cấp vật liệu cát xử lý nền đất yếu dẫn đến huy động để cung cấp cho dự án gặp rất nhiều khó khăn trong khi hạng mục xử lý đất yếu đều phải thi công trước, đặc biệt đối với giải pháp xử lý đất yếu bằng bấc thấm (khoảng 16 km) phải chờ lún khoảng 6 tháng. Giá cát tăng đột biến trong thời gian ngắn cũng dẫn đến khó khăn trong huy động vật liệu.

Thời gian để hoàn thành mục tiêu của năm 2025 chỉ còn khoảng 6 tháng, Quảng Ninh sẽ phải thực hiện giải ngân 72,5%, tương ứng khoảng 9.800 tỷ đồng. Có thể thấy, đây là một thách thức lớn đặt ra cho các đơn vị được giao quản lý dự án cũng như các đơn vị nhà thầu xây dựng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp và đặc biệt là giá cả nguyên vật liệu leo thang cũng như mùa mưa lũ bắt đầu.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ban dự án, chủ đầu tư tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm các bất cập liên quan đến đất đai, tài nguyên các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện nghiêm và tuân thủ kế hoạch giải ngân đã xây dựng theo từng tháng, quý và phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện.

Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương.

Đặc biệt, các ban, chủ đầu tư phải bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2025 của tập thể, cá nhân.

Hiện nay, sau khi được bàn giao các dự án, công trình từ cấp huyện về 2 ban quản lý dự án cấp tỉnh, số lượng các dự án, công trình rất nhiều, địa bàn trải dài, phân tán. Chính vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu 2 ban quản lý dự án cấp tỉnh phải chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án cụ thể, để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn trong nội bộ của các chủ đầu tư theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.

Liên quan đến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cần thực hiện nghiêm Công điện số 85/CĐ-TTg, ngày 10/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ, đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo, có những biện pháp mạnh mẽ kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công.

Cùng đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền. Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định, kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Sau khi chấm dứt hoạt động của chính quyền cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, 11/13 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ở cấp huyện (trừ Vân Đồn, Cô Tô) đã sáp nhập về 2 ban dự án đầu tư cấp tỉnh (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực I; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực II).

Đồng thời, tất cả các dự án, công trình thuộc sự quản lý, giám sát của 11 ban cấp huyện cũng đã được chuyển về 2 ban cấp tỉnh quản lý, tiếp tục đôn đốc, triển khai theo quy định. Việc sáp nhập các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện về cấp tỉnh tạo sự thống nhất trong quản lý, điều hành và đồng bộ trong triển khai thực hiện các phần công việc.

Hiện, các ban quản lý dự án đẫ khẩn trương tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, kỹ thuật phù hợp ở từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, tăng cường quản lý, giám sát đối với các công trình, dự án; góp phần tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Đây là một trong những yếu tố then chốt, được kỳ vọng tạo những đột phá trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ở những tháng cuối năm 2025 và giai đoạn tiếp theo của tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh đón 12,1 triệu lượt du khách trong 6 tháng đầu năm 2025
6 tháng năm 2025, Quảng Ninh đón khoảng 12,1 triệu lượt du khách, đạt 116% so với cùng kỳ 2024, đạt 112% chỉ tiêu so với kịch bản tăng trưởng. Trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư