Thứ Tư, Ngày 02 tháng 07 năm 2025,
Quảng Ninh: Không gian và động lực mới để phát triển
Quỳnh Nga - 02/07/2025 07:59
 
Quảng Ninh sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, nhiều địa phương trên địa bàn sẽ cộng hưởng được những tiềm năng, lợi thế, tạo ra không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Mở ra không gian phát triển đa chiều

Ngày 30/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh năm 2025.

Tại lễ công bố các quyết định về thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại tỉnh Quảng Ninh, ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, đây là một dấu mốc chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, không chỉ đối với riêng tỉnh Quảng Ninh, mà còn là một bước triển khai cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, Quảng Ninh có không gian mới với sự thay đổi về số lượng và cơ cấu các đơn vị hành chính cấp xã. Từ 171 xã, phường, thị trấn Quảng Ninh giảm còn 54 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã, 30 phường và 2 đặc khu. Trong đó có 21 xã, 30 phường, 2 đặc khu hình thành sau sắp xếp và 1 xã không thực hiện sắp xếp là xã Cái Chiên.

Quảng Ninh kiến tạo nên những không gian phát triển mới theo hướng đa trung tâm, tạo ra các cực tăng trưởng mới, thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ với các vùng lân cận. Ảnh: Hùng Sơn

Phát biểu tại lễ công bố, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh thành công của quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy không thể chỉ dừng lại ở việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính, mà phải được khẳng định bằng hiệu quả thực tiễn - đó là sự hài lòng của người dân, là hiệu lực quản lý nhà nước được nâng lên, là kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, quốc phòng an ninh trật tự được bảo đảm.

Việc thay đổi số lượng, tái cấu trúc không gian đô thị và cơ cấu đơn vị hành chính cấp xã của Quảng Ninh đã kiến tạo nên những không gian phát triển mới theo hướng đa trung tâm, tạo ra các cực tăng trưởng mới, thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ với các vùng lân cận. Đơn cử như phường Yên Tử được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của ba đơn vị hành chính của phường Phương Nam, phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công. Phường Yên Tử có diện tích 113,23 km², dân số 38.932 người, gồm 34 khu dân cư.

Sau khi được sáp nhập, phường Yên Tử không chỉ mang trong mình vị thế mới về mặt hành chính mà còn mở ra dư địa phát triển to lớn, với nhiều tiềm năng và thế mạnh mang tính khác biệt. Với vị thế là trung tâm du lịch tâm linh cấp quốc gia, nơi có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử đang được đề cử Di sản Văn hóa thế giới, cùng hệ sinh thái phong phú, cảnh quan độc đáo, Yên Tử định hướng phát triển mạnh du lịch văn hóa - sinh thái - nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Nơi đây cũng nằm trong vùng quy hoạch Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao và các ngành dịch vụ hiện đại, với hàng loạt dự án trọng điểm đang được triển khai như khu công nghiệp phía Tây Quảng Yên, sân golf Uông Bí...

Hay như xã Quảng Hà mới hình thành trên cơ sở sáp nhập thị trấn Quảng Hà và 3 xã Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Chính thuộc huyện Hải Hà. Sau sáp nhập, xã Quảng Hà được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ trước đó với giao thông kết nối thông suốt từ trung tâm xã đến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Bên cạnh đó, xã Quảng Hà mới có lợi thế nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, có Khu công nghiệp cảng biển với quy mô 5.000 ha, trong đó khu công nghiệp Texhong Hải Hà đang triển khai với quy mô 660 ha. Tất cả đang tạo ra không gian phát triển đa chiều cho xã Quảng Hà thu hút đầu tư, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế và còn trở thành điểm trung chuyển logistics chiến lược ở vùng Đông Bắc.

Còn tại Móng Cái - vùng địa đầu năng động phía Đông Bắc của Tổ quốc, phường Trần Phú, Hải Hòa, Bình Ngọc, Trà Cổ và Hải Xuân hợp nhất thành phường Móng Cái 1. Trước khi hợp nhất, phường Trần Phú từ lâu đã khẳng định vị thế là "phường trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa" của TP Móng Cái. Với lợi thế cửa khẩu quốc tế, các cửa khẩu tiểu ngạch và hệ thống chợ, trung tâm thương mại sầm uất. Nơi đây, đóng vai trò huyết mạch trong hoạt động kinh tế biên mậu, thương mại dịch vụ. Còn phường Trà Cổ, Bình Ngọc, Hải Xuân mang trong mình những tiềm năng to lớn, đặc biệt là du lịch, di sản và nông nghiệp chất lượng cao.

Sau sáp nhập, phường Móng Cái 1 không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính mà còn là một bước đi chiến lược nhằm kiến tạo một không gian mới. Phường Móng Cái 1 sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, văn hóa và dịch vụ, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và phát triển các ngành kinh tế mới. Đây không chỉ là một điều chỉnh hành chính đơn thuần mà còn là một quyết sách chiến lược, mở ra cơ hội mới, kiến tạo một địa bàn trung tâm vững mạnh, đa chiều, phát triển bứt phá trong tương lai. Việc hợp nhất kỳ vọng sẽ tối ưu hóa tiềm năng, khai thác triệt để lợi thế so sánh của từng khu vực, tạo nên một cộng đồng thống nhất, năng động và giàu bản sắc.

Không chỉ là phường Yên Tử, xã Quảng Hà, phường Móng Cái mà tất cả 54 đơn vị hành chính cấp xã mới của Quảng Ninh không đơn thuần là sáp nhập cơ học mà là thêm động lực, thêm không gian phát triển, dư địa mới để địa phương phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Ngày 1/7, Quảng Ninh đã cùng cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tại nhiều địa bàn như: Vân Đồn, Hạ Long, Đông Triều, Cô Tô… bộ máy mới đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động bình thường. Việc sáp nhập các tỉnh, thành và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là bước ngoặt lịch sử, mở rộng không gian phát triển, đưa Quảng Ninh bước vào giai đoạn phát triển mới.

Kỳ vọng phát triển từ đặc khu kinh tế

Theo Nghị quyết 1679/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh năm 2025, tỉnh có 2 đặc khu Vân Đồn và Cô Tô.

Toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Cái Rồng và các xã Bản Sen, Bình Dân, Đài Xuyên, Đoàn Kết, Đông Xá, Hạ Long, Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Thắng Lợi, Vạn Yên thuộc huyện Vân Đồn sau sắp xếp thành đặc khu có tên gọi là đặc khu Vân Đồn. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã Thanh Lân thuộc huyện Cô Tô thành đặc khu có tên gọi là đặc khu Cô Tô.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Đỗ Phương.

Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã đầu tư đáng kể vào phát triển hạ tầng kỹ thuật tại Vân Đồn nhằm đón đầu các cơ hội từ chính sách đặc khu. Tỉnh đã kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước với các nguồn vốn tư nhân để xây dựng hàng loạt công trình giao thông, du lịch và dịch vụ then chốt.

Với vị trí địa kinh tế chiến lược cùng hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, hiện Vân Đồn là huyện đảo duy nhất tại Việt Nam có cả cao tốc, sân bay và cảng biển, tạo lợi thế lớn trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Địa phương có hơn 60 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 63.000 tỷ đồng. Điển hình như Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60 km, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng, đã đưa vào khai thác năm 2019; Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài gần 80 km, khánh thành tháng 9/2022, tổng vốn gần 13.000 tỷ đồng. Hai đoạn cao tốc này tạo thành tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh 176 km, kết nối các sân bay quốc tế phía Bắc (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn) và các trục kinh tế trọng điểm.

Hay như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Việt Nam, đóng vai trò "cửa ngõ bầu trời" của Quảng Ninh. Vân Đồn còn sở hữu các cảng du thuyền, cảng tàu khách đường biển như bến cảng Cái Rồng, bến cảng cao cấp Ao Tiên phục vụ du lịch và logistics.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xúc tiến, thu hút một loạt các dự án vào Vân Đồn. Điển hình: Dự án Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay do Tập đoàn Swire (Vương quốc Anh) đề xuất đầu tư tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1395/QĐ-TTg quyết định chủ trương đầu tư Khu du lịch dịch vụ phức hợp cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư tối thiểu 2 tỷ USD. Đây là 2 dự án có số vốn đầu tư lớn, khi được triển khai đầu tư sẽ hình thành nên chuỗi phát triển kinh tế mới tại Vân Đồn.

Trong bối cảnh Vân Đồn là một trong 13 đặc khu của cả nước, việc triển khai Dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Vân Đồn đang được xem là bước đi bổ sung hoàn hảo cho hệ sinh thái kinh tế địa phương.

Đặc biệt khi Đề án của tỉnh trình Trung ương xây dựng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn được thông qua sẽ tạo ra những động lực, mở ra cơ hội phát triển mới cho Vân Đồn. Đặc khu Vân Đồn được kỳ vọng là một cực tăng trưởng chiến lược, vùng động lực mới của Quảng Ninh.

Quảng Ninh điều động, bổ nhiệm cán bộ quy mô lớn trước ngày 1/7
Ngày 28/6, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư