Doanh nghiệp vật liệu xây dựng tìm đường vượt khó
Việt Dũng - 02/03/2021 15:56
 
Do ảnh hưởng của Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đang xoay xở tìm mọi cách để vượt khó.
.
Ảnh hưởng của Covid-19 đến với ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng có thể chậm hơn các ngành khác, nhưng việc phục hồi cũng sẽ chậm hơn. Ảnh: Chí Cường

Khó khăn vẫn chưa có điểm dừng

Cùng với việc suy giảm của thị trường bất động sản, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ một số chủng loại vật liệu xây dựng cơ bản như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng… có xu hướng giảm mạnh.

Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, dù đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trong ngành không bi quan chán nản mà luôn tin tưởng khi dịch bệnh được khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, ngành vật liệu xây dựng sẽ có sức bật mới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cho biết, họ đã thu hẹp sản xuất, nhiều công ty phải tạm ngừng hoạt động. Thậm chí, một giám đốc nói, nếu tình hình hiện nay kéo dài thêm vài tháng nữa thì không dưới 30% công ty trong ngành sẽ phá sản.

Trên thực tế, doanh nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phải gồng mình để duy trì từ năm 2019 khi việc cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, xét duyệt dự án bất động sản bị siết chặt. Đến nay, khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì những khó khăn đã tăng lên gấp nhiều lần.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin, kiêm Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang chịu tác động kép của 2 yếu tố.

Thứ nhất là do thị trường bất động sản sụt giảm. Vật liệu xây dựng luôn gắn liền với sự phát triển của lĩnh vực bất động sản và nhu cầu đầu tư xây dựng của người dân, bởi vậy, khi thị trường bất động sản sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung mới, cũng như sức cầu của hầu hết các phân khúc nhà ở, thì điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, gạch xây, gạch men, thiết bị nội thất… đều giảm mạnh.

Thứ hai, một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, đặc biệt nhập từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng khi nguồn cung dừng đột ngột, dẫn đến thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất, làm tăng giá sản phẩm.

“Ảnh hưởng của Covid-19 đến với ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng có thể chậm hơn các ngành như khách sạn, nhà hàng, vận tải… nhưng việc phục hồi cũng sẽ chậm hơn. Nếu dịch bệnh đi qua thì ngành của chúng tôi cần từ 6 tháng, thậm chí 1 - 2 năm mới phục hồi”, ông Kỳ chia sẻ.

Chủ động gỡ khó

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Chính phủ và các ngân hàng đã có một số gói cứu trợ, nhưng thủ tục phức tạp nên ít doanh nghiệp được thụ hưởng. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, chỉ 8% doanh nghiệp tại đầu tàu kinh tế cả nước này tiếp cận được chính sách hỗ trợ người lao động; 28% tiếp cận được chính sách về nguồn vốn; 31% tiếp cận được chính sách liên quan đến thuế. 

“Tuy có thể tiếp cận, nhưng số đơn vị nhận được giải ngân còn thấp hơn rất nhiều, nhiều người than là không thể giải ngân được”, ông Dũng chia sẻ.

Trước thực trạng trên, để trụ vững và tồn tại, các doanh nghiệp đã tìm giải pháp riêng cho mình và tự nhủ rằng, phải tự cứu mình trước khi được cứu. Hiện các doanh nghiệp trong ngành đang tập trung chắt chiu từng đơn hàng, không tính đến lợi nhuận, miễn sao duy trì được việc làm cho người lao động.

“Tôi và các đối tác, đồng nghiệp gặp nhau ở quan điểm rằng, luôn có cầu vồng trong cơn mưa. Dịch bệnh sẽ giúp doanh nghiệp bộc lộ thực lực của mình. Đây có thể là một cuộc sàng lọc lớn để khi cơn bão Covid-19 qua đi, những doanh nghiệp hoạt động thực chất, đem lại giá trị thật cho nền kinh tế sẽ trụ lại và mạnh mẽ hơn”, ông Đinh Hồng Kỳ nói.

Ông Trịnh Nhiên, Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xanh Đại Dũng cho biết, để khắc phục những khó khăn hiện tại, công ty ông đang chú trọng việc mở rộng thị trường phân phối sản phẩm ra các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… bởi dư địa của thị trường tỉnh lẻ vẫn còn rất lớn, nhiều công trình công sở cũng như hạ tầng đang được phát triển mạnh.

Định hướng phát triển lâu dài của Công ty trong thời gian tới là tăng năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng ứng dụng của gạch không nung vào cuộc sống. Cụ thể, trong thời gian tới, Công ty sẽ chào ra thị trường dòng sản phẩm gạch tự chèn công nghiệp, cường độ cao và nguyên khối, chuyên dùng để lát sân bãi, kho container, bến cảng siêu trọng mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ bề mặt.

Đối với doanh nghiệp trong ngành xi măng, ông Baptiste Legeret, Giám đốc thương mại của Công ty Xi măng INSEE chia sẻ, trong trung hạn, Công ty sẽ tập trung vào tối ưu vận hành để nâng cao hiệu quả ở tất cả các khâu, tập trung vào đổi mới để cung cấp các sản phẩm cho các ứng dụng phù hợp.

“Chúng tôi mong muốn cung cấp một danh mục sản phẩm đa dạng nên sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm của mình để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng tại các phân khúc khác nhau. Ví dụ, chúng tôi sẽ tập trung vào xi măng bền sun phát INSEE Extra Durable như là một giải pháp bảo vệ công trình cho tình trạng hạn mặn ở miền Tây hiện nay”, đại diện INSEE nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản