Gỡ khó cho chung cư tái định cư
 
Nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội đang xảy ra tình trạng căn hộ bỏ trống vì người dân không chịu về ở do “chê” chất lượng kém. Thực trạng này diễn ra đã nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý, dẫn đến việc lãng phí và gây bức xúc trong dư luận.
 Tòa nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) xây dựng cách đây hơn 10 năm vẫn bị bỏ hoang. Ảnh: Hiếu Trang
Tòa nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) xây dựng cách đây hơn 10 năm vẫn bị bỏ hoang. Ảnh: Hiếu Trang

Nhiều bất cập về chung cư tái định cư

Việc Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) vừa đề xuất phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) xây dựng cách đây hơn 10 năm và bị bỏ hoang do người dân không về ở đã cho thấy những bất cập của nhà tái định cư. Đây là dự án do Hanco 3 làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2001-2006, dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong Khu đô thị Sài Đồng.

Do xảy ra khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang. Hiện khu nhà xây 6 tầng, với 150 căn hộ và không có thang máy đã xuống cấp nghiêm trọng. Chủ đầu tư muốn phá dỡ toàn bộ để xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố. Vấn đề đặt ra ở đây là việc phá bỏ 3 tòa nhà (nếu được đồng ý) sẽ gây tốn kém lớn về tiền của, song để tồn tại mà không ai về ở thì quá lãng phí.

Thực tế, không riêng gì 3 tòa nhà tái định cư tại Khu đô thị mới Sài Đồng, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều tòa nhà như vậy. Đơn cử như Khu tái định cư thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C có khoảng 50% số căn hộ trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong. Hay khu tái định cư gần khu vực hành chính của quận Bắc Từ Liêm cũng lâm vào cảnh tương tự...

Không chỉ gây lãng phí, dư luận còn quan tâm đến sự xuống cấp về chất lượng tại nhà tái định cư. Có thể kể đến là các khu nhà ở khu Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) hay nhà N5B Trung Hòa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, các tòa nhà đã có dấu hiệu xuống cấp, tường rộp, bong tróc. Không gian chung ở các tầng, kể cả lối thoát hiểm bị chiếm dụng.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Hoàng Trung Kiên cho biết thêm, trên địa bàn phường có 3 tòa chung cư tái định cư. Trong đó, có 2 tòa nhà người dân đang về sinh sống, nhưng chính quyền địa phương đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh về tình trạng hàng quán bày bán lộn xộn, gây mất vệ sinh, chất lượng xuống cấp.

Tuy nhiên, điều đáng bàn là khi bàn giao căn hộ, chính quyền cơ sở không được chủ đầu tư thông báo, không nắm được về chất lượng công trình, công tác phòng cháy, chữa cháy... Thế nhưng, khi người dân phản ánh, chính quyền địa phương phải xắn tay vào chung trách nhiệm.

Rõ ràng, nhà chung cư tái định cư đã và đang tồn tại nhiều bất cập. Trong đó nổi lên là về vị trí quy hoạch và chất lượng công trình cũng như sự đầu tư về cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Tiếp nữa là cơ chế, chính sách, việc đặt hàng xây dựng nhà tái định cư; việc quản lý, vận hành khi đưa nhà vào sử dụng...

Đặt hàng tạo lập nhà ở thương mại

Để giải quyết những bất cập trong việc quản lý và sử dụng nhà tái định cư, hiện nay, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phối hợp rà soát hồ sơ, tài liệu, thực tế quản lý vận hành, trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất phương án khắc phục. Tại kỳ họp thứ tư, HĐND TP Hà Nội khóa XV vừa qua, trong báo cáo trả lời chất vấn của cử tri, UBND thành phố đã nhấn mạnh việc đổi mới cách thức phát triển nhà chung cư tái định cư.

Trước đó, với mục đích nâng cao chất lượng nhà ở chung cư tái định cư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn, Thành ủy Hà Nội đã có kết luận chỉ đạo tại Văn bản số 263-TB/TU, ngày 23-6-2016, về việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố sẽ thực hiện cơ chế đặt hàng tạo lập nhà ở thương mại để bán cho các đối tượng tái định cư, hạn chế tối đa đầu tư nhà tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cơ chế đặt hàng khi thực hiện sẽ tạo quỹ nhà ở có chất lượng tương đương nhà ở thương mại, nhưng có giá thành hợp lý, do thành phố áp dụng một số cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư và đối tượng tái định cư. Thành phố đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thành ủy, xây dựng cơ chế đặt hàng và đã tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thành phố đã thẩm định và đang bổ sung, hoàn thiện 6 đồ án quy hoạch, lập 20 đồ án quy hoạch phân khu, 4 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ (trong đó đã hoàn thành 10 khu), nghiên cứu một số quy hoạch đặc thù và triển khai chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng... Hy vọng rằng, với một loạt giải pháp đồng bộ trên của thành phố sẽ góp phần hạn chế tình trạng lãng phí hoặc chất lượng nhà tái định cư chất lượng kém.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản