Ngành gỗ thiếu chiến lược kinh doanh hướng nội
Xuân Thảo (HQOnline) - 20/06/2017 20:39
 
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa là một trong những hợp phần quan trọng của ngành gỗ Việt. Với dân số trên 90 triệu dân và một tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn nhanh chóng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn thấy ở nhiều địa phương, quy mô tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại thị trường nội địa được cho là rất lớn.
 Doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. Ảnh: X.T
Doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. Ảnh: X.T

Mải “đem chuông đi đánh xứ người”

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa là một trong những hợp phần quan trọng của ngành gỗ Việt. Với dân số trên 90 triệu dân và một tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn nhanh chóng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn thấy ở nhiều địa phương, quy mô tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại thị trường nội địa được cho là rất lớn.

Theo Cục Chế biến nông lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính thị trường nội địa chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại của đồ gỗ Việt Nam, cơ cấu sản phẩm gỗ tham gia thị trường nội địa là 40% cho xây dựng, 30% cho tiêu dùng nông thôn và 30% phục vụ cho nhu cầu của cư dân thành thị. Rõ ràng đây là một thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần. Tuy nhiên, vì mải mê chạy theo xuất khẩu, mà các doanh nghiệp gỗ trong nước đang bỏ quên chính sân nhà của mình.

Theo khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest), bình quân mỗi hộ gia đình ở Việt Nam cần mua sắm đồ gỗ với khoảng 6 triệu đồng/hộ/năm. Nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh…

Tuy nhiên, với thị trường nội địa đầy tiềm năng này, các sản phẩm gỗ tại nội địa chưa đáp ứng nhu cầu nên lượng nhập khẩu còn rất lớn. Thị trường đồ gỗ nội địa hầu như phó mặc cho làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào phân khúc đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ và xây dựng. Nhưng chất lượng lại không đồng đều, mẫu mã hạn chế khiến đồ gỗ nội khó thu hút được người tiêu dùng.

Dạo quanh một vòng tuyến phố Đê La Thành nơi tập trung một số lượng lớn các cửa hàng đồ gỗ, trong vai một người đi mua một số đồ dùng bằng gỗ cho gia đình, ngoài một số ít các cửa hàng có xưởng làm gỗ gia đình mới có một số lượng mẫu mã nhất định là của Việt Nam, còn lại các cửa hàng đều chào mời các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Trung Quốc…

Theo chị Phùng Thu Hương, chủ một cửa hàng đồ gỗ trên phố Đê La Thành, tại cửa hàng chị đến 60% là sản phẩm ngoại nhập, 40% còn lại là sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất với mẫu mã đã cũ khó có thể bán được. Sức mua của thị trường với hàng đồ gỗ nội địa, theo đánh giá của chị Hương, cũng rất thấp, khó thu hút được người mua vì mẫu mã không thay đổi nhiều và nhanh bằng các sản phẩm ngoại nhập, giá cả thì cũng gần như nhau.

Cần nghiên cứu kĩ thị trường

Đánh giá về thị trường gỗ nội địa, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, lâu nay các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và ngay cả cơ quan quản lí lĩnh vực này mới chỉ tập trung cho xuất khẩu mà chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa.

Bằng chứng là cho tới nay, chúng ta vẫn chưa có một thống kê cụ thể về lượng sản phẩm gỗ tiêu thụ trong nước hàng năm; nguyên liệu chính là loại gỗ gì, lấy từ đâu và chính sách để phát triển thị trường gỗ nội địa vẫn còn thiếu. Và thực tế là thị trường đồ gỗ trong nước thường do doanh nghiệp nhỏ cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng. Trong khi, nếu khai thác tốt thị trường này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội rất lớn để gia tăng doanh thu. Bởi, hiện nay, nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng, ước tính doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm (bằng một nửa doanh thu xuất khẩu, hiện doanh thu xuất khẩu gỗ đạt khoảng 7 tỷ USD năm 2016).

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), hiện có tới 93% doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 5,5% là doanh nghiệp vừa, còn lại là doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa, vừa yếu về nguồn vốn và vừa yếu về tiếp cận thị trường khiến họ chỉ muốn gia công xuất khẩu, chứ không muốn đầu tư cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp gỗ khi muốn tiếp cận với thị trường gỗ nội địa đều rất loay hoay khi tìm nhà phân phối bởi doanh nghiệp khi muốn tiêu thụ hàng trong nội địa không chỉ phải chế biến mà còn phải tự tìm nơi tiêu thụ, tự vạch ra các chiến lược để chinh phục được người tiêu dùng nội địa.

Vì vậy, để mở rộng thị trường nội địa, trước hết Nhà nước phải có chính sách phù hợp, giúp doanh nghiệp yên tâm tìm về thị trường nội địa.

Đồng thời, các doanh nghiệp gỗ hiện nay rất thiếu thông tin về thị trường nội địa, như thị trường trong nước hiện đang tiêu thụ loại gỗ gì và sản lượng tiêu thụ là bao nhiêu, mẫu mã nào đang được người tiêu dùng ưa thích...

Như vậy, công tác nghiên cứu, phân tích thị trường phải được đặt lên hàng đầu. Trước mắt, cần thiết lập được hệ thống kênh phân phối bài bản và rộng khắp để đảm bảo vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Một yếu tố quan trọng nữa là Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường gỗ nội địa.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, việc khai thác tốt thị trường nội địa, không chỉ gia tăng doanh thu, mà còn giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng lao đao khi xuất khẩu có rủi ro. Chính vì vậy, doanh nghiệp gỗ cần thiết phải nhanh chóng chinh phục thị trường nội địa bằng cách đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức lại khâu sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước.

Trong đó, chuyển hướng từ đồ gỗ cao cấp sang phân khúc hàng trung bình và liên kết giữa các doanh nghiệp theo từng công đoạn để tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản