Người nước ngoài chưa dễ mua nhà tại Việt Nam
Gia Huy - 11/12/2019 13:12
 
Theo Bộ Xây dựng, hiện có gần 400.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng chỉ có 800 tổ chức, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Lý do là, quy định liên quan còn nhiều vướng mắc.
- Khoản 2, Điều 76, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Nhiều người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam, song còn e dè bởi những vướng mắc về thủ tục. Ảnh: G.H

Thị trường hấp dẫn với khách ngoại

Báo cáo Korea Wealth Report 2019 của Viện Nghiên cứu thuộc Tập đoàn tài chính KB (Hàn Quốc) cho thấy, thị trường bất động sản nước ngoài được quan tâm nhất là Việt Nam, với 57,1% người tham gia khảo sát cho biết muốn đầu tư vào Việt Nam. Tiếp theo sau là Singapore, Trung Quốc và Malaysia, với tỷ lệ quan tâm lần lượt là 32,1%, 30,7% và 26,4%.

Cá nhân người Hàn Quốc và doanh nghiệp Hàn Quốc đã chi tới 56,1 triệu USD để mua bất động sản tại Việt Nam.

Mặc dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng CBRE Việt Nam cho biết, khách Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan  chiếm tới 85% lượng giao dịch bất động sản của người nước ngoài ở Việt Nam. Trong đó, TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về số người nước ngoài mua nhà.

Tại Dự án New City (quận 2, TP.HCM), báo cáo của chủ đầu tư dự án này cho biết, hơn 100 căn hộ chung cư trong tổng số hơn 2.000 căn hộ được bán cho người nước ngoài.

Còn Tập đoàn Novaland mới đây đã lập phòng bất động sản nước ngoài để chào bán sản phẩm dự án của mình cho người nước ngoài, thậm chí doanh nghiệp này còn tìm kiếm các đối tác là doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại nước ngoài để liên kết bán hàng tại Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện chưa có số liệu, khảo sát cụ thể về số lượng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, nhưng chắc chắn là số khách người nước ngoài đang gia tăng. Vì nhiều lý do liên quan quốc phòng, an ninh và cả kinh tế, theo ông Châu, cần giám sát, kiểm tra chặt vấn đề này.

Quy định còn nhiều vướng mắc

Ông Loki, một khách hàng người Nhật mua căn hộ tại quận Thủ Đức cho biết, ông đã ở Việt Nam 5 năm, nhưng gần đây mới mua nhà tại Việt Nam. Theo ông, dù pháp luật về nhà ở đã cho phép người nước ngoài sở hữu nhà, nhưng thực tế, việc này vẫn bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác mà không có sự tư vấn cụ thể nào.

“Tôi tìm hiểu và thấy có nhiều luật điều chỉnh việc người nước ngoài mua nhà, nên cảm giác chưa yên tâm lắm. Có nhiều người nước ngoài như tôi, dù thích có nhà riêng ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa tự tin để giao dịch”, ông Loki nói.

"Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 7 của nghị định này và chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng/cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định tại khoản 3, khoản 4 của điều này tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu; trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng/cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam, nhưng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì giải quyết theo quy định tại Điều 78 của nghị định này".

Khoản 2, Điều 76, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định khoản 2, Điều 76, Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ xác lập sở hữu trong địa bàn có dự án nhà ở, thông qua 3 hình thức giao dịch xác lập sở hữu: mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư bằng hợp đồng mua bán; mua nhà từ cá nhân, tổ chức nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận; nhận thừa kế, tặng/cho của cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức trong số lượng quy định trong địa bàn.

Vì câu chữ của Luật Nhà ở mà dẫn đến cách hiểu là người nước ngoài chỉ được mua nhà từ chủ đầu tư (nhà ở hình thành trong tương lai) và nhà ở đã cấp giấy chứng nhận, chứ không được là đối tượng nhận chuyển nhượng lại hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai như hiện nay. Để lách vướng mắc này, các chủ đầu tư thường hủy hợp đồng mua bán, hủy hóa đơn giá trị gia tăng rồi ký hợp đồng mua bán mới với người nước ngoài.

Bất cập nữa của khoản 2, Điều 76, Nghị định 99/2015/NĐ-CP là, nếu nhà ở thuộc sở hữu người Việt Nam (đã được cấp giấy chứng nhận), thì họ không thể bán cho người nước ngoài, nhưng nếu cho người nước ngoài thì lại hợp pháp. Như vậy, quy định bắt họ phải thực hiện các giao dịch giả cách bằng việc “tặng/cho”. Trong khi đó, có đơn vị công chứng cho rằng, việc tặng/cho chỉ được thực hiện giữa người nước ngoài, nên từ chối công chứng cho việc người Việt tặng nhà cho người nước ngoài.

Với thực tế hiện nay, nếu không quản lý đúng cách, thì dễ dẫn đến tình trạng mượn người Việt đứng tên, dẫn đến rất khó kiểm soát.

Ông Phượng cho rằng, việc sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể xem xét theo hướng, vẫn giữ số lượng sở hữu theo địa bàn, chỉ sở hữu khu vực dự án nhà ở, nhưng mở rộng về hình thức giao dịch xác lập sở hữu là cá nhân, hộ gia đình Việt Nam (đã có giấy chứng nhận) được phép bán cho người nước ngoài.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc CBRE Việt Nam, rất cần sự hỗ trợ cũng như hướng dẫn về luật từ phía những người làm chính sách, nhằm tăng tính minh bạch và hấp dẫn người mua nước ngoài. Ngoài ra, các cấp quản lý cũng nên có hướng dẫn về thủ tục chuyển tiền, thuế với người nước ngoài khi mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản tại Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản