Người nước ngoài vẫn khó mua nhà tại Việt Nam
Việt Dũng - 11/06/2023 15:18
 
Dù nhu cầu lớn, nhưng do những quy định về pháp lý dẫn đến khó khăn trong hoạt động giao dịch nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nhiều người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam, nhưng thủ tục phức tạp khiến họ khó đạt nguyện vọng 	ảnh: lê toàn
Nhiều người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam, nhưng thủ tục phức tạp khiến họ khó đạt nguyện vọng.      Ảnh: Lê Toàn

Nhu cầu lớn, cơ hội nhỏ

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hiện có khoảng 5,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hơn 1 triệu người là thế hệ F2, F3 mang quốc tịch nước ngoài có bố mẹ hoặc ông bà là người Việt Nam. Trong đó, có khoảng 600.000 - 700.000 người là doanh nhân, trí thức có trình độ cao (chiếm 10-12% cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài), nhiều người muốn trở về quê hương để đầu tư, kinh doanh hay sinh sống, nên nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam là rất lớn.

Theo quy định, để sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài phải đáp ứng điều kiện về hình thức sở hữu. Thời hạn sở hữu nhà ở tối đa là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận theo điểm c, Khoản 2, Điều 161, Luật Nhà ở năm 2014.

Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2013 cũng có những quy định về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trong đó, người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Như vậy, tính đến hiện tại, pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Đất đai năm 2013, vẫn chưa cho phép người nước ngoài đứng tên quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Còn theo Điều 159, Luật Nhà ở cho phép cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với điều kiện phải đáp ứng các quy định về nhập cảnh vào Việt Nam, hoặc đáp ứng các quy định về giấy phép đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam.

Theo ông Kenneth M Atkinson, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh quốc tại Việt Nam (Britcham), thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng nên cần xây dựng luật pháp, quy định rõ nhà nào được đồng ý phê duyệt bán cho người nước ngoài, Việt kiều. Cần sửa đổi các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản cho phù hợp thực tế hiện nay, bởi bất động sản là tài sản lớn, sau này có thể để lại cho con cháu.

Là Việt kiều Canada, ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, chính sách cần sửa đổi cho phù hợp để kiều bào có thể mua được bất động sản dễ dàng hơn, vì họ là một bộ phận không tách rời của Tổ quốc. Nếu làm được điều này, có thể giải cứu bất động sản bằng nguồn vốn kiều hối (năm 2023 dự kiến có khoảng 19,2 tỷ USD vốn kiều hối).

“Rất nhiều kiều bào muốn về Việt Nam định cư, nhưng không biết mua bất động sản ở đâu, giá thế nào và sở hữu ra sao. Nhiều kiều bào làm mấy chục năm ở nước ngoài, gửi tiền vào ngân hàng không lãi, thậm chí tới đây còn phải đóng phí nên họ muốn về Việt Nam đầu tư, mua bất động sản, sau này họ mất đi có thể để lại cho con cháu. Vì vậy, cần sửa luật để thu hút dòng vốn này”, ông Peter Hồng nói.

Cần quy định rõ ràng

Trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được thảo luận tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, có nhiều điểm mới về sở hữu nhà ở, trong đó có sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Dự thảo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất được thừa kế, được tặng cho, mượn, thuê, hoặc nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật đất đai; mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của cá nhân.

Qua thẩm tra, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Điều 5, Luật Đất đai hiện hành, thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) cũng không đề cập quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài.

Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng) giải trình làm rõ, đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định rõ ràng về điều kiện mua, sở hữu, để quản lý chặt chẽ và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.

Ông Nguyễn Hải Anh (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, cần bổ sung việc người nước ngoài muốn sở hữu nhà ở thì phải thông qua một tổ chức trung gian môi giới được cấp phép để tiện quản lý.

Đại biểu này cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép người nước ngoài cho thuê, bán lại nhà ở khi mua tại Việt Nam, nhưng phải thông qua một tổ chức trung gian được cấp phép. Điều này nhằm tránh việc người nước ngoài đi ngầm, trốn thuế. “Hiện tại, có nhiều tổ chức nước ngoài có thiện chí, sau khi sở hữu nhà, họ muốn trao tặng, thừa kế cho chính người Việt Nam vì mục đích nhân đạo. Tôi cho rằng, cần bổ sung quy định này”, ông Hải Anh nói.

Lãnh đạo một sàn môi giới đang thực hiện phân phối dự án có nhiều khách hàng là người nước ngoài chia sẻ, đơn vị phân phối cũng lúng túng khi có nhiều quy trình, thủ tục để Việt kiều có thể mua được nhà ở tại Việt Nam. Chưa kể, bản thân các chủ đầu tư dự án cũng thấy bối rối vì không biết dự án có được bán cho người nước ngoài hoặc Việt kiều hay không, bởi danh mục các dự án được phép bán cho người nước ngoài thường cập nhật rất chậm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản