Nhiều dự án bất động sản vẫn chờ khơi thông pháp lý
Trọng Tín - 22/11/2023 09:30
 
Đã có một số dự án bất động sản được tháo gỡ pháp lý, sản phẩm tung ra thị trường dịp cuối năm, song chỉ là số ít. Còn nhiều dự án tại TP.HCM dù được chủ trương tháo gỡ pháp lý từ đầu năm, nhưng đến nay tiến độ vẫn ì ạch.

Tiến độ còn chậm

Những ngày này, tại Dự án De La Sol (quận 4, TP.HCM) do Công ty CapitaLand Development làm chủ đầu tư, các tòa nhà cũng như những dịch vụ tiện ích cho cư dân đã hoàn thiện sau thời gian dài thi công. Dự án có 870 căn hộ, sau thời gian gấp rút thi công, việc bàn giao các căn hộ bắt đầu từ tháng 11/2023.

De La Sol là một trong 7 dự án được UBND TP.HCM ưu tiên gỡ vướng từ đầu năm 2023, do liên quan đến việc rà soát cổ phần hóa doanh nghiệp trước đây. Song không phải dự án nào cũng được may mắn như vậy.

Báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn của các dự án bất động sản, UBND TP.HCM cho biết, tính đến đầu tháng 11/2023, trong tổng số 189 kiến nghị tại 148 dự án đang gặp vướng mắc, thành phố chỉ đạo các sở, ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.

Trong đó, Thành phố đồng ý cho chủ trương bán 50% sản phẩm căn hộ tại Dự án Shizen Home của Gotec Land ở quận 7; Dự án Celadon City của Gamuda Land ở quận Tân Phú; Dự án The Metropole của Quốc Lộc Phát ở TP. Thủ Đức. Tháo gỡ vướng mắc về điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Dự án Metro Star của CT Group ở TP. Thủ Đức…

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, trong số những dự án được đồng ý cho huy động vốn kể trên, chỉ có Dự án Celadon City đủ điều kiện bán 160 căn hộ thuộc khu chung cư A5 và 1.153 căn hộ thuộc khu chung cư A6; Dự án The Metropole đủ điều kiện bán 299 căn hộ theo thông báo chính thức của Sở Xây dựng TP.HCM.

Riêng với Dự án Shizen Home - một trong 7 dự án được xem xét tháo gỡ từ đầu năm, dù đã thi công xong phần móng, hầm và đang xây dựng phần thân, nhưng hiện Sở Xây dựng vẫn chưa chính thức có thông báo nào về dự án này đủ điều kiện kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai.

Doanh nghiệp cho biết, sau nhiều lần nộp hồ sơ đều bị trả lại và Sở Xây dựng từ chối giải quyết. Nguyên nhân được Sở Xây dựng đưa ra là nguồn gốc khu đất mà Gotec Land xây dựng dự án đang trong quá trình rà soát, đề nghị Công ty liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để nắm tiến độ giải quyết. Sau khi có kết quả rà soát, Sở Xây dựng sẽ xem xét thực hiện thủ tục của dự án theo quy định pháp luật.

Một số doanh nghiệp phàn nàn, tiến độ gỡ vướng các dự án bất động sản không nhanh như kỳ vọng, thậm chí đang bị “đứng hình”. Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Novaland cho rằng, vẫn còn 2 khó khăn mang tính trọng yếu khiến cho việc tháo gỡ chưa đạt hiệu quả cao: Một là, thời gian để cơ quan thẩm quyền cho ý kiến hoặc phê duyệt các thủ tục pháp lý vẫn chưa đồng bộ với quá trình phát triển thực tế, khiến các giai đoạn bị chậm. Hai là, thiếu đồng bộ, có sự chồng chéo, thiếu nhất quán và thiếu thực tiễn giữa các văn bản luật và dưới luật. 

Riêng tại TP.HCM, Novaland có 2 dự án được UBND Thành phố ưu tiên tháo gỡ từ đầu năm 2023, song doanh nghiệp vẫn đang chờ nhận được kết luận từ Thành phố nhằm tháo gỡ hết những vướng mắc pháp lý cuối cùng.

Vẫn chờ khơi thông pháp lý

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam đánh giá, thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục như kỳ vọng từ các chính sách tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Một số dự án được tháo gỡ pháp lý, xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng thực chất hàng đã được bán ra dưới hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ.

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cốt lõi là UBND Thành phố và các cơ quan có thẩm quyền sớm kết luận dứt điểm, hỗ trợ Dự án được tái khởi động, tăng nguồn cung nhà ở, tạo dòng tiền cho các doanh nghiệp và tăng tính thanh khoản cho thị trường, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

“Về bản chất, thị trường không phát sinh nguồn cung. Nhưng tích cực hơn ở chỗ, các chủ đầu tư có thể huy động thêm tiền từ khách hàng, vì pháp lý đã tiến thêm một bước. Ngân hàng có thể tài trợ nguồn vốn cho dự án, việc mua bán dễ dàng hơn”, ông Tuấn nói.

Cũng cần phải nói thêm, trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn, việc TP.HCM đồng ý về chủ trương cho bán 50% sản phẩm với một số dự án là giải pháp giúp doanh nghiệp có dòng tiền trong bối cảnh hiện nay. Song, việc này mới chỉ giải quyết được một nửa vấn đề.

Chẳng hạn, với Celadon City, vướng mắc lớn nhất của dự án liên quan đến khoản thuế hơn 400 tỷ đồng. Dự án ban đầu thuộc chủ đầu tư Sacomreal, sau này chuyển cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng do Gamuda Land sở hữu. Khi mua lại cổ phần, chủ đầu tư cũ cho biết được miễn thuế và họ chỉ thanh toán phần được công nhận.

Nhưng sau đó, UBND Thành phố yêu cầu chủ đầu tư đóng phần thuế hơn 400 tỷ đồng do doanh nghiệp không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, mà chỉ mua lại cổ phần nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án... Do không đồng ý nên dự án bị đình trệ, chủ đầu tư bị đưa vào danh sách nợ thuế hơn 540 tỷ đồng gồm cả tiền gốc và lãi.

Được biết, Celadon City là một trong 21 dự án được Thành phố đưa vào nhóm vướng mắc do thanh tra, điều tra, rà soát pháp lý. Còn lại là các vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư (48 dự án), vướng đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (15 dự án), vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (30 dự án)…

UBND TP.HCM hứa hẹn, thời gian tới sẽ tập trung giải quyết cho 36 dự án liên quan đến thủ tục đầu tư và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại sẽ theo dõi, tiếp tục xử lý khi có kết luận/bản án có hiệu lực pháp luật, hay sau khi có ý kiến của bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản