Nóng trên dautubds.vn từ 18-23/11: Hai nửa đỏ, đen
- 23/11/2013 13:48
 
TIN LIÊN QUAN

"Nửa đỏ" của thị trường là hàng loạt dự án mở bán, giới thiệu chuẩn bị mở bán hoặc các dự án được khách hàng quan tâm như:

Mở bán căn hộ Tây Hồ Residence giá từ 24,8 triệu đồng/m2

Phối cảnh dự án Tây Hồ Residence

Ngày 23/11, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà số 7 Hà Nội chính thức chào bán căn hộ CT2B thuộc Dự án Tây Hồ Residence. Dự án nằm tại phường Xuân La ngay sát Hồ Tây được xem là vị trí thuận tiện giao thông và đắc địa hiện nay.

Tây Hồ Residence là dự án khu nhà ở hiện đại gồm 4 toà tháp cao từ 15 đến 27 tầng và khu biệt thự cao cấp được xây dựng trên khuôn viên rộng 24.000 m2 nằm tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Sau khi hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng toà nhà CT2A vào tháng 5/2013, chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện toà nhà CT2B. Toà nhà CT2B hiện nay đã hoàn thành phần xây thô, cất nóc và đang hoàn thiện các hạng mục nội thất.

Căn hộ CT2B gồm nhiều loại căn hộ có diện tích khác nhau để người mua dễ lựa chọn gồm 56,9 m2; 69,2 m2; 68,3 m2; 78,9 m2; 82,5 m2; 107 m2. Các căn hộ đều được thiết kế có từ 1 đến 3 phòng ngủ, chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp và công năng sử dụng hợp lý.

Him Lam đổi hạ tầng lấy 500 ha đất ở Long Biên

UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 1647/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên, theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Địa điểm xây dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên gần Cầu Chui Long Biên.

Theo đó, nhất trí với đề xuất của nhà đầu tư là Công ty CP Him Lam về đầu tư xây dựng nút (tên cũ là nút giao thông Cầu Chui).

Mục tiêu là đầu tư xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh giữa đường vành đai 2 và trục hướng tâm tại cửa ngõ phía Bắc thành phố, dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên sẽ bao gồm cầu vượt trực thông 6 làn xe theo hướng đường Nguyễn Văn Linh - Đông Trù (đường 5 kéo dài).

Cầu vượt này sẽ vượt qua khu vực đảo xuyến, tuyến đường sắt Gia Lâm - Yên Viên và tuyến đường sắt vào kho xăng Đức Giang.

Ngoài ra, dự án bao gồm xây mới một số tuyến đường nội đô dọc theo hai bên cầu vượt, các tuyến đường ngang, đoạn đường kết nối tạm, các hạng mục vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng...

Dự kiến tổng diện tích đất phải thu hồi vĩnh viễn để phục vụ cho dự án là hơn 15ha, trong đó có hơn 8,2ha là đất thu hồi mới từ và diện tích đất phải thu hồi bổ sung là hơn 1,06ha, nằm trên 4 phường: Thượng Thanh, Đức Giang, Phúc Đồng và Gia Thụy, thuộc quận Long Biên.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 2.847 tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay trong thời gian thực hiện dự án. Toàn bộ phần vốn này sẽ do nhà đầu tư tự thu xếp và huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Được biết, nguồn vốn của nhà đầu tư là 300 tỷ đồng, vốn vay chưa có nguồn thu đối ứng là 726 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động trong thời gian có nguồn thu từ dự án đối ứng.

Nhà đầu tư được tạo điều kiện thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư công trình theo quy định tại các khu đất đề xuất ở phường Sài Đồng, Phúc Đồng, Long Biên, Cự Khối (Long Biên) và xã Dương Xá (Gia Lâm).

Thành phố quyết định cho nhà đầu tư được khai thác quỹ đất đối ứng 20ha tại xã Dương Xá, Gia Lâm, quỹ đất khoảng 320 ha tại các phường Long Biên, Cự Khối và khoảng 135 ha đất bổ sung thêm ngoài bãi sông Hồng.

Tiến độ triển khai dự án được phê duyệt là 2014 - 2015.

Golden West cạn hàng sau 3 tuần mở bán

Ngày 23/11, Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, đơn vị bán hàng cho Dự án Golden West cho biết, trong đợt đầu mở bán phần lớn các căn hộ tại dự án này đã bán hết.

Rất đông khách hàng đến tìm hiểu và đặt mua căn hộ Golden West.
Rất đông khách hàng đến tìm hiểu và đặt mua căn hộ Golden West.

Chung cư cao cấp Golden West tọa lạc ở ngay tại khu Trung Hòa – Nhân Chính, do Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) làm chủ đầu tư và được Công ty CP Thương mại Việt (Viettradico) triển khai thực hiện đầu tư và khai thác.

Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc là đơn vị tiếp thị độc quyền.
Golden West là tổ hợp gồm 3 tầng hầm, 27 tầng nổi với 3 tầng trung tâm thương mại, 22 tầng căn hộ với 600 căn hộ cao cấp, hai tầng cây xanh+ kỹ thuật.

Các căn hộ có diện tích từ 75 m2-82 m2-92 m2 và 107 m2, thiết kế từ 2 đến 3 phòng ngủ, bàn giao hoàn thiện nội thất.

Theo đại diện Đất Xanh Miền Bắc, các căn hộ Golden West có mức giá từ 22 triệu đồng/m2 chưa bao gồm VAT với nội thất hoàn chỉnh và điều kiện thanh toán linh hoạt.

Chủ đầu tư và đơn vị bán hàng đã tung ra đợt đầu 120 căn hộ và đến thời điểm này phần lớn căn hộ đã có chủ.


Một phần Intercontinental Hồ Tây thành căn hộ cho thuê

Một phần Intercontinental Hồ Tây thành căn hộ cho thuê
Tất cả các căn hộ cho thuê tại Intercontinental Hồ Tây đều nằm trên mặt hồ

Khách sạn 5 sao Intercontinental Hồ Tây, Hà Nội đã cải tạo một phần khu phòng khách sạn nằm trên mặt nước thành 25 căn hộ dịch vụ cho thuê. Khu căn hộ này cung cấp các lựa chọn: căn hộ 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ và 3 phòng ngủ với thiết kế, trang trí và chất lượng tiêu chuẩn của khách sạn Intercontinental. Tất cả các căn hộ đều nằm trên mặt Hồ Tây.

Khu căn hộ InterContinental Hà Nội West Lake sẽ mang đến một tiêu chuẩn dịch vụ mới với an ninh đảm bảo 24/24h, dễ dàng di chuyển đến sân bay, các khu thương mại chủ đạo, trung tâm và phía Tây thành phố, các nhà hàng và quan bar đẳng cấp cao là một phần trong những trải nghiệm về cuộc sống của khu căn hộ này.

Ông Adam McDonald, Tổng giám đốc InterContinental Hồ Tây, Hà Nội chia sẻ: “Một trong những lí do mà chúng tôi quyết định chuyển đổi một số phòng khách sạn thành căn hộ dịch vụ là do nhu cầu của một số khách hàng hợp tác với chúng tôi mỗi lần họ sang Việt Nam công tác khoảng từ 3 đến 6 tháng. Họ bày tỏ nhu cầu muốn có một thứ gì đó hơn là một phòng khách sạn. InterContinental Hồ Tây Hà Nội đã có một lựa chọn cho họ, ở đó họ có thể thư giãn, nấu ăn, giải trí nhưng vẫn mang đến cho họ tất cả những gì thoải mái nhất và dịch vụ tốt nhất mà họ xứng đáng được nhận.”


Khánh thành tổ hợp Hà Nội - Mátxcơva trị giá 240 triệu USD
Chiều tối 20/11, Lễ khánh thành Trung tâm thương mại Đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva đã diễn ra tại tại Mátxcơva.

Khánh thành tổ hợp Hà Nội - Mátxcơva trị giá 240 triệu USD

Trung tâm Căn hộ - khách sạn và Trung tâm thương mại triển lãm của Trung tâm thương mại Đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva.
Ảnh: Lê Xuân Sơn

Trung tâm Văn hóa, Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn Hà Nội–Mátxcơva có tổng vốn đầu tư gần 240 triệu USD, được xây dựng trên khu đất 4,9 ha, tại Đại lộ Yaroslavskoe, nhà số 146, TP. Mátxcơva, Liên bang Nga.

Trung tâm Văn hóa, Thương mại và Khách sạn Hà Nội–Mátxcơva có tổng diện tích mặt sàn hơn 130.000 m2, là một khu phức hợp gồm khu Trung tâm thương mại có diện tích gần 40.000 m2 và khu Căn hộ - Khách sạn cao 21 tầng (trong đó, 3 tầng khối đế rộng 15.000 m2 là khu vực dịch vụ, các tầng trên là khu vực căn hộ, khách sạn và văn phòng).

Từ tháng 5/2013, Trung tâm Văn hóa, Thương mại và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva đã phối hợp với Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cung cấp cho khách hàng chương trình mua căn hộ, gian hàng trả góp tới 70% giá trị hợp đồng trong vòng 15 năm, với lãi suất ngoại tệ chỉ 7% và không cần tài sản thế chấp.

Tiền chênh thấp, dự án "đại gia điếu cày" vẫn vắng khách
Chiều ngày 18/11, Công ty xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu mở bán tòa CT12B chung cư Kim Văn – Kim Lũ nhưng có rất ít khách hàng đến tìm hiểu mua căn hộ.

Buổi mở bán chung cư CT12 Kim Văn Kim Lũ tại sàn Mường Thanh chiều 18/11 có ít khách tham dự.
Buổi mở bán chung cư CT12 Kim Văn Kim Lũ tại sàn Mường Thanh chiều 18/11 có ít khách tham dự. Ảnh: Infonet.vn

Chung cư CT12 Kim Văn Kim Lũ thuộc dự án Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ (Golden Silk) thuộc sở hữu của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư.

Golden Silk tọa lạc tại phường Đại Kim – Hoàng Mai – Hà Nội với quy mô 26,9ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Dự án bắt đầu khởi công từ tháng 12/2012 và dự kiến hoàn thành vào Quý II/2015.

Khác với các đợt mở bán trước là khách hàng, dân môi giới đến tham gia mua nườm nượp thì đợt mở bán này rất vắng khách. Cho dù đợt mở bán này tiền chênh khá thấp chỉ từ 10-70 triệu đồng/căn.

Trước đó, mỗi đợt mở bán tiền chênh tại các dự án của ông Thản là từ 100-150 triệu đồng/căn.

Chung cư CT12 Kim Văn Kim Lũ được chào bán giá gốc với mức giá 10 – 14,5 triệu đồng/m2, trong đó tầng cao nhất là tầng 42 có giá 10 triệu đồng/m2.

Trao đổi với Phóng viên Chuyên trang bất động sản dautubds.vn, một số "cò" chuyên bán chênh dự án cho biết có ít khách quan tâm đến dự án do hiện các căn hộ của ông Thản bán không được.

"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản nổi tiếng với các dự án Đại Thanh, Xa La, Kim Văn - Kim Lũ, VP5 Linh Đàm... Nhưng cũng nhiều tai tiếng như hụt diện tích, quản lý tòa nhà kém, xô xát khiến khách hàng đổ máu...và đặc biệt là chiêu quảng cáo giá rẻ nhưng tuồn hàng cho cò và thu tiền chênh cao ngất ngưởng.

Bán biệt thự trên núi có kèm bến du thuyền

Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải – Chủ đầu tư dự án Flamingo Đại Lải Resort tổ chức mở bán biệt thự Hoàng Anh với mức giá từ 4,1 - 4,7 tỷ đồng/căn.

Biệt thự Hoàng Anh sở hữu vị trí đắc địa cùng tiện nghi đẳng cấp, sang trọng giữa thiên nhiên của Flamingo Đại Lải Resort.

Ông Phạm Vũ Hải Anh, Giám đốc kinh doanh của Flamingo Đại Lải Resort cho biết, Flamingo Đại Lải Resort cố gắng dành thật nhiều ưu đãi để khách hàng có cơ hội thụ hưởng một cuộc sống đẳng cấp và Hoàng Anh là một trong những sản phẩm như vậy.

Nhân sự kiện mở bán, chủ đầu tư dành nhiều ưu đãi cho khách hàng như: Được vay đến 60% giá trị biệt thự trong 15 năm từ Vietcombank với ưu đãi lãi suất 6%; tặng 03 bến du thuyền và khu câu cá riêng cho các cụm biệt thự; tặng quyền sử dụng vĩnh viễn bể bơi 4 mùa; tặng quyền sử dụng vĩnh viễn phòng tập Gym; tặng 2 năm phí quản lý và 50% cho năm thứ 3…
Hoàng Anh là khu biệt thự duy nhất nằm tại bán đảo trung tâm, hướng ra hồ lớn, giữa công viên rừng Hoàng Anh với mật độ xây dựng thấp nhất. Tất cả các biệt thự đều có tầm nhìn hướng ra cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ.
Ngay trong ngày mở bán đầu tiên, hơn 10 biệt thự đã được khách hàng đặt mua.


Nhưng bên cạnh các dự án "nửa đỏ" mở bán nhận được sự quan tâm của khách hàng, một loạt các dự án thuộc về "nửa đen" khác bị khách hàng tố chậm tiến độ:

Dự án chung cư Booyoung Vina im lìm suốt 6 năm

Chủ đầu tư Khu chung cư quốc tế Booyoung (Dự án Booyoung Vina) bỏ hoang hơn 43.000 m2 đất suốt 6 năm qua.

Khu đất vàng của Dự án Booyoung Vina tọa lạc tại vị trí đẹp nhất nhì Khu đô thị Mỗ Lao.

Khu đất vàng của Dự án Booyoung Vina tọa lạc tại vị trí đẹp nhất nhì Khu đô thị Mỗ Lao.

Báo Đầu tưĐầu tư điện tử - baodautu.vn đã đưa tin trong nhiều bản tin về Khu chung cư quốc tế Booyoung (Dự án Booyoung Vina) do Công ty TNHH Booyoung Việt Nam - Hàn Quốc làm chủ đầu tư.

Dự án tọa lạc tại mặt tiền đường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) và nằm ngay bên trái đường vào Khu đô thị Mỗ Lao, khu đất của Dự án Booyoung Vina được đánh giá là mảnh “đất vàng” cho phát triển bất động sản.

Dự án được chủ đầu tư khởi công vào tháng 2/2007 với một lễ khởi công hoành tráng, rầm rộ.

Tại buổi lễ, chủ đầu tư Dự án đã vẽ ra một tương lai rất hoành tráng: Dự án Booyoung Vina dự kiến gồm các chung cư cao tầng hiện đại, với 553.683 m2 diện tích sàn xây dựng trên tổng diện tích đất hơn 4,3 ha tại. Khu chung cư sẽ có 6 toà nhà cao 30 tầng và 3 tầng hầm. Dự án có tổng mức đầu tư 171 triệu USD và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2010…

Tháng 5/2013, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản nhắc nhở các quận, huyện tăng cường giám sát các dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại địa phương. Trong đó, Khu chung cư quốc tế Booyoung của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam đã được điểm mặt chỉ tên như một dự án chậm tiến độ.

Thế nhưng, 6 năm trôi qua, Dự án Booyoung Vina vẫn nằm im lìm, trở thành một bãi đất hoang rộng lớn.

Đến hạn dọn nhà vào ở, Park City vẫn chưa có hạ tầng

Nhiều khách hàng mua căn hộ tại Dự án Park City Hà Đông cho biết sẽ không chuyển đến sinh sống sau nhận bàn giao nhà vào quý II/2014, vì không tin Dự án sẽ có hạ tầng xã hội.
Điểm chú ý là phía ngược lại, chủ đầu tư cũng thừa nhận sẽ “nợ” các hạng mục hạ tầng như khu vui chơi, mua sắm..., khi phần đất xây dựng hạng mục này vẫn đang trong giai đoạn xin điều chỉnh quy hoạch.

Dự án Park City đang mắc kẹt với các hạng mục xây dựng hạ tầng.

Ông Lawrence Peh, Tổng giám đốc VIDC, đại diện chủ đầu tư thừa nhận, trong ngắn hạn, Dự án Park City Hà Đông sẽ chưa có. Bởi khu chung cư đầu tiên thuộc Tiểu khu 1 với nhiều tiện ích tại phần đế công trình phục phụ nhu cầu cư dân đang được chủ đầu tư xin chuyển sang xây dựng khu tiện ích.

Chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành xây dựng khu tiện ích sau 9 tháng thi công. Tuy nhiên, khi nào quy hoạch khu tiện ích này sẽ được UBND TP. Hà Nội phê duyệt thì chủ đầu tư cũng chưa rõ.

Ngoài việc điều chỉnh quy hoạch tại khu nhà cao tầng thuộc Tiểu khu 1, đại diện của VIDC cũng cho biết, Park City thời gian qua đã có nhiều thay đổi về mặt quy hoạch. Cụ thể, theo quy hoạch mới, Dự án sẽ hình thành khu phức hợp thương mại, văn phòng rộng 20 héc-ta. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng sẽ khiến diện tích sàn căn hộ thương mại tại dự án này giảm khoảng 30%.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện khu nhà thấp tầng thuộc Tiểu khu 1 và 2 đã được chủ đầu triển khai đến tầng 3. Số tiền ông chủ mới Perdana ParkCity đã đổ vào Dự án Park City Hà Đông được đại diện chủ đầu tư tiết lộ lên đến 100 triệu USD. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư chỉ mới thu được khoảng 20-30% giá trị hợp đồng từ các khách hàng đã mua.

Thành phố casino 2 tỷ đô chết yểu

Dự án "thành phố Casino” đầu tiên ở Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo một bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Tiếc rằng, đến nay dự án dường như đã "chết yểu”.

Dự án sân golf khách sạn Hoàng Đồng xây dựng dở dang rồi bỏ hoang gây lãng phí lớn
Dự án sân golf khách sạn Hoàng Đồng xây dựng dở dang rồi bỏ hoang gây lãng phí lớn

Cách đây 5 năm, xã Hoàng Đồng (TP. Lạng Sơn) được chọn làm nơi xây dựng dự án sân Golf - khách sạn Hoàng Đồng với với tổng kinh phí lên tới 2 tỷ USD.

Theo đúng tiến độ, đến năm 2012, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngày khởi công dự án, tất thảy người dân địa phương vui mừng khôn xiết vì hy vọng sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo nhiều việc làm, đời sống khấm khá lên nhiều. Thế nhưng, mọi hi vọng nhanh chóng bị dập tắt, khi dự án thi công được nửa chừng rồi bỏ hoang.

"Thành phố casino” hiện đại giờ biến thành "thành phố hoang” với những tòa nhà và các hạng mục công trình khác xây dựng dang dở rồi bỏ hoang. Do "dầm mưa, dãi nắng” nhiều năm các tòa nhà cao tầng tại đây đã dần xuống cấp, cỏ mọc hoang vu đến lạnh người.

Theo một nhân viên bảo vệ dự án, khi bắt đầu xây dựng chủ đầu tư đã sử dụng hơn 10 nhà thầu, các nhà thầu làm theo kiểu chìa khóa trao tay, tính toán theo khối lượng công trình. Lúc đầu tiến độ rất nhanh, chỉ một năm vài chục tòa nhà, khách sạn đã xây dựng xong phần thô. Sau đó đuối dần và đến năm 2010 thì dừng hẳn và bỏ hoang từ đó đến nay.

Dự án ngàn tỷ biến thành bãi thả trâu

Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính đã qua một đời chủ đầu tư và hiện Ocean Group đang xin tiếp quản. Tuy nhiên, số phận của dự án ngàn tỷ này vẫn đang rất hẩm hiu.

Ocean Group Tập đoàn Đại Dương Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính

Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính được phê duyệt với diện tích 132.356 m2, vốn đầu tư lên đến 2.596 tỷ đồng.

Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính đã qua một đời chủ đầu tư và hiện Ocean Group đang xin tiếp quản. Tuy nhiên, số phận của dự án ngàn tỷ này vẫn đang rất hẩm hiu.

CTCP Tập đoàn Vina Megastar được UBND TP. Hà Nội chấp thuận về mặt nguyên tắc làm chủ đầu tư Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính từ năm 2008, với tổng vốn đầu tư lên đến 2.596 tỷ đồng. Đến ngày 23/3/2011, Hà Nội có quyết định chính thức giao chủ đầu tư và ngày 15/4/2011 được Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố bàn giao mặt bằng “sạch” trên 132.000 m2.

Thế nhưng, sau nhiều lần rậm rịch khởi công, CTCP Tập đoàn Vina Megastar vẫn chưa thể triển khai được dự án, khiến khu đất bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích. Do vậy, Thành phố đã có chủ trương thu hồi dự án này.

Ngày 13/5/2013, CTCP Tập đoàn Dại Dương (Ocean Group) đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề xuất Thành phố giao cho công ty liên danh giữa CTCP Đầu tư Đại dương Thăng long (Ocean Group sở hữu 70% vốn) và Vinaconex làm chủ đầu tư dự án này với lời hứa sẽ đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục để triển khai và hoàn thiện dự án, đưa Công viên vào sử dụng sớm nhất.


Ngoài ra, nhiều vấn đề xoay quanh gói 30.000 tỷ, diễn biến, xu hướng thị trường bất động sản cũng được Chuyên trang dautubds.vn đặc biệt quan tâm:

Gói 30.000 tỷ: hết "nới" rồi "nắn"!

Thông tư 18 của Bộ Xây dựng vừa ban hành mở rộng đối tượng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỷ đồng đến những chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp
Với người vay mua nhà, việc mở rộng là điều tốt, nhưng với người bán - các doanh nghiệp, đã có những ý kiến cho rằng đó là một sự không hợp lý.

Nhà cho công nhân trong khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
Nhà cho công nhân trong khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

Bên cạnh các đối tượng cũ, những chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp cũng sẽ được vay vốn. Câu hỏi đặt ra: Phải chăng đã có một sự “nắn dòng” vốn vay ưu đãi? Sự nắn dòng ấy có đem lại điều gì tích cực cho thị trường bất động sản?

Mở nữa cũng không giúp được thị trường.

Dĩ nhiên, Thông tư 18 thể hiện những nỗ lực của Bộ Xây dựng trong việc giúp cho thị trường bất động sản phục hồi. Tuy nhiên, tác động của nó có lẽ sẽ không được như những người làm chính sách kỳ vọng.

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng với đà này, gói 30 ngàn tỷ đồng không những không giúp cho thị trường bất động sản bớt khó khăn, cụ thể là giải tỏa được lượng căn hộ thương mại hiện hữu mà sẽ tung ra thị trường một nguồn cung mới, làm tăng thêm hàng tồn kho trong tương lai.

TP.HCM hiến kế táo bạo gỡ khó gói 30.000 tỷ đồng

TP.HCM hiến kế táo bạo gỡ khó gói 30.000 tỷ
Nếu các dự án căn hộ thương mại giảm mạnh giá bán thì việc tiêu thụ nhà ở xã hội sẽ gặp khó khăn. Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet

Trong một văn bản mới đây gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có những kiến nghị mới khá táo bạo.

Thứ nhất, sẽ kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội tại thành phố này lên 15 năm (thay vì 10 năm) và hạ lãi suất xuống còn 3%/năm thay vì 6%/năm như trước.

Là một thành phố đông dân nhất nước, tập trung rất nhiều người có nhu cầu vay tiền mua nhà, lại là nơi có rất nhiều dự án căn hộ, cả thương mại lẫn nhà ở xã hội của cả nước, thế mà kể từ khi gói hỗ trợ được triển khai, đến nay TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân được 15 tỷ đồng, con số quá nhỏ so với tiềm năng.

Để giúp những người thực sự có nhu cầu về nhà ở có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cũng là trợ giúp thị trường bất động sản sớm hồi phục, bên cạnh kiến nghị hạ lãi suất cho vay và kéo dài thời gian trả nợ, TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị đối tượng mua các căn hộ thương mại có diện tích lớn hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng được vay vốn từ nguồn này.

Khi ấy, sẽ có hai hướng giải quyết. Hoặc phần diện tích dưới 70m2 trở xuống được xem xét cho vay ưu đãi với phương thức và lãi suất như trước nay, phần diện tích trên 70m2 không được hỗ trợ.

Hoặc chỉ cần người mua nhà lần đầu tiên là được cho vay ưu đãi lãi suất, bất kể mua nhà ở xã hội hay căn hộ thương mại, diện tích nhỏ hơn hay lớn hơn 70m2, miễn là giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh còn đề nghị miễn 100% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội...


Đọc vị tranh chấp trên thị trường bất động sản

Tranh chấp xảy ra nhiều nhất trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, theo liệt kê của luật sư Nguyễn Trúc Hiền, Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (Vilaf – Hồng Đức), đó chính là tranh chấp giữa chủ dự án phát triển nhà ở và người mua nhà trong hợp đồng ứng trước tiền mua nhà.

Đã có những tranh chấp khó giải quyết tại Dự án Splendora.
(Ảnh: Đức Thanh)

Trên thực tế, những dự án vướng vào dạng tranh chấp này có thể kể đến tại chung cư Skygarden Định Công của Công ty TNHH Định Công; Dự án chung cư Quốc Cường Gia Lai (Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nhà Quốc Cường Gia Lai); Dự án Splendora (Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh); Dự án chung cư B5 Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu & Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội); Dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (Công ty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng)…

Dạng tranh chấp phổ biến thứ hai là, tranh chấp giữa chủ đầu tư nhà chung cư và chủ sở hữu căn hộ trong việc tính toán diện tích sở hữu chung (thuộc về chủ đầu tư) và sở hữu riêng (thuộc về khách mua nhà).

Các dự án nổi tiếng vướng phải tranh chấp dạng này có thể kể đến: Chung cư Botanic Towes do Công ty Phú Hưng Gia làm chủ đầu tư; Chung cư The Manor (Công ty Bitexco), Chung cư CT7 Dương Nội (Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường), Chung cư CT6 Đại Thanh (Công ty Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên) …

Dạng tranh chấp phổ biến thứ ba là, tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án cấp I và chủ đầu tư thứ cấp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển nhượng và kinh doanh các dự án thành phần. Những dự án vướng vào dạng tranh chấp này có thể kể đến như Khu đô thị Xuân Phương của Tổng công ty Viglacera (chủ đầu tư tăng giá bán so với giấy ưu tiên quyền mua căn hộ), dự án nhà ở - văn phòng – trung tâm thương mại số 165 – Thái Hà giữa Sông Hồng Land và Hanel…

Dạng tranh chấp thứ tư hay xảy ra trên thực tế là, tranh chấp trong xử lý tài sản đảm bảo với ngân hàng. Nguyên nhân dẫn đến dạng tranh chấp này xuất phát từ giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai. Do quyền sử dụng đất chưa xác lập nên không xác định được vị trí lô đất. Tranh chấp sẽ trở nên phức tạp khi quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai được chủ đầu tư phát triển dự án mang đi thế chấp cho nhiều ngân hàng khác nhau.

BĐS cuối năm: Tiền "tươi", nhà thật!

Những giao dịch sôi động gần đây ở phân khúc nhà giá rẻ, dự án sắp hoàn thiện hay các sản phẩm của chủ đầu tư uy tín đã dần tạo nên bức tranh mới cho thị trường.

Thị trường sôi động với những dự án chuẩn bị bàn giao nhà.
Thị trường sôi động với những dự án chuẩn bị bàn giao nhà.

Trong quý 4 này, thị trường tiếp tục ghi nhận các giao dịch sôi động đối với những dự án đang chuẩn bị bàn giao vào cuối năm như chung cư Sails Tower Sông Nhuệ khu vực Hà Đông. Dự án này đang được quan tâm nhiều bởi đã đáp ứng được đúng nhu cầu thực như giá hơn 1 tỷ/căn, tiện ích tòa nhà tương đương với những dự án cao cấp.

Trong số 108 căn hộ cuối của dự án Sails Tower, đến nay sàn INFO – Ocean Group đã bán thành công gần 90 căn. Công trình nằm trong quần thể khu đô thị Xa La (Hà Đông), trên trục đường 70 (quanh khu bệnh viện 108).

Bên cạnh đó, khoảng 300 căn hộ dự án CT2 Trung Văn thuộc khu đô thị mới Trung Văn (nằm sát làng Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội, là chuỗi đô thị trục Lê Văn Lương kéo dài), theo thống kê từ chủ đầu tư khoảng trên 200 căn đã giao dịch thành công. Dự án này cũng đang ở giai đoạn hoàn thiện, dự kiến bàn giao vào quý 2/2014.

Ở một số dự án cao cấp cũng đang ghi nhận được mức giao dịch tốt như Eurowindow Multicomplex (Trần Duy Hưng) đã bàn giao gần 200 căn, tương đương hơn 70% tổng số căn hộ, Thăng Long Number One số 1 Đại lộ Thăng Long cũng đang chào bán với lượng giao dịch khá đều đặn, đã có khoảng trên 60% tổng số 1000 căn thuộc dự án này đã bán thành công, hiện công trình đã hoàn thiện xây thô. Đợt mở bán đầu tiên 120 căn dự án Golden West (Lê Văn Thiêm –Trung Hòa Nhân Chính) đã có gần 100 căn có chủ,…

Đây hoàn toàn là những tín hiệu khả quan cho thị trường vào dịp cuối năm.Trong những đợt mở bán mới, xu hướng ưu đãi cho khách mua thực vẫn tiếp tục được nhà phân phối quan tâm như tại Sails Tower có giá 13,8 triệu đồng/2 (chưa VAT, có nội thất cơ bản), mức giá này giảm nhẹ so với giá 16 triệu đồng/m2 (có VAT) đợt bán trước, đồng thời kèm theo đó là ưu đãi 10 triệu đồng bằng quà tặng, hay tại Thăng Long Number One tặng từ 50-70 triệu đồng cho 30 khách hàng đầu tiên, Golden West chiết khấu 50 triệu đồng trong 2 ngày,…

Bất động sản Đà Nẵng cải thiện tốc độ bán hàng

CBRE Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình phát triển của bất động sản Đà Nẵng, trong đó đánh giá cao triển vọng phát triển của các lĩnh vực khách sạn, resort và nhà ở tại thị trường này
Theo đại diện CBRE tại Đà Nẵng, cùng với việc khánh thành Sân bay quốc tế Đà Nẵng vào tháng 12/2011, có thể thấy rõ, với 350 chuyến bay quốc tế và quốc nội tới Đà Nẵng mỗi tuần, lượng khách du lịch trong năm 2013 đã tăng đáng kể. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2013, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đã tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng lượt khách đến từ cả khách du lịch nội địa và quốc tế đã tạo ra nhu cầu đa dạng trong lĩnh vực lưu trú.

Bất động sản Đà Nẵng dần cải thiện tốc độ bán hàng
Bất động sản Đà Nẵng dần cải thiện tốc độ bán hàng

“Đà Nẵng đã rót lượng vốn lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm qua. Việc hoàn thành sân bay quốc tế là một ví dụ rõ ràng nhất, ngoài ra, những công trình đường bộ, hệ thống cầu vượt sông, giúp việc di chuyển trong Thành phố và từ trung tâm tới các khu vực ven biển thuận lợi hơn cho du khách. Đà Nẵng đang được coi là “một trong những thành phố thân thiện nhất tại Việt Nam” và việc cơ sở hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện chắc chắn giúp nâng cao kết qua kinh doanh của ngành khách sạn trong một số phân khúc quan trọng”, bà Thảo Lê rưởng đại diện của CBRE tại Đà Nẵng nói.

Bổ sung vào những đánh giá của CBRE Việt Nam tại Đà Nẵng, ông Adam Bury, Phó giám đốc thị trường vốn của CBRE Việt Nam nhận xét: “Đã có một sự đầu tư đáng kể vào thị trường bất động sản tại Đà Nẵng trong vòng 5 đến 7 năm trở lại đây, khi chúng ta bước ra khỏi chu kỳ đầu tư đầu tiên. Thật phấn khởi khi thấy rằng, có một số bất động sản đang tạo ra thu nhập ổn định và tăng trưởng cho các chủ đầu tư. Giá phòng bình quân tại các dự án 5 sao dọc biển ở Đà Nẵng được ghi nhận cao hơn so với mức giá trung bình khách sạn 5 sao tại TP.HCM và Hà Nội”.

CBRE đặc biệt nhấn mạnh về công suất phòng khách sạn khả quan của Đà Nẵng trong năm 2013 và sự nhảy vọt đáng kể trong giá phòng đạt được của các khách sạn 5 sao – thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ sở hạ tầng và hoạt động kinh doanh bất động sản. “Những khách sạn ven biển thường có kết quả kinh doanh tốt, do đặc biệt hấp dẫn du khách tới chơi tại Sòng bài Quốc tế Crowne và chơi golf tại 2 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng các trung tâm spa”, ông Adam Bury nói.

Giới đầu tư Hàn Quốc muốn đón đầu BĐS Việt Nam

“Việt Nam đang ở đáy của chu kỳ thị trường bất động sản và các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đón đầu thị trường khi nền kinh tế hồi phục”. Đó là chia sẻ của ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam khi quyết định tổ chức Hội thảo “Tại sao phải đầu tư vào Việt Nam bây giờ?” tại Seoul, Hàn Quốc.
Vị này cũng cho biết, hiện kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu hồi phục với vốn FDI tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, tiền tệ ổn định, lạm phát và lãi suất thấp cũng như kiều hối dồi dào được gửi về từ người Việt Nam sống ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, hiểu và có kiến thức cơ bản về thị trường này. Mặt khác, với tâm lý muốn đón đầu thị trường khi nền kinh tế hồi phục, các nhà đầu tư Hàn đã và đang nhắm mạnh mẽ đến việc mua những tài sản có dòng tiền ổn định như tòa nhà văn phòng, căn hộ dịch vụ, khách sạn tại đây.



Hội thảo “Tại sao phải đầu tư vào Việt Nam bây giờ?” tại Seoul vừa qua đã được giới đầu tư Hàn Quốc đánh giá rất cao. Hơn 100 chuyên gia tài chính, các nhà đầu tư bất động sản, các đại diện ngân hàng, các nhà tư vấn và phát triển dự án Hàn Quốc đã đến tham gia, thông qua đó tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Dự kiến, cuối tháng 11, Savills sẽ sắp xếp cho các nhà đầu tư Hàn Quốc sang Việt Nam để tham quan và tìm hiểu về các dự án tại Hà Nội và TP.HCM.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản