Sơn "xanh" - xu hướng tất yếu trong xây dựng
Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến công trình xanh, trong đó có sản phẩm sơn an toàn trong kết cấu ngôi nhà của họ và đó là cơ hội cho các nhà sản xuất sơn thân thiện với môi trường.
Sản phẩm “sơn xanh” sẽ là xu hướng tất yếu. Ảnh: Dũng Minh
Sản phẩm “sơn xanh” sẽ là xu hướng tất yếu. Ảnh: Dũng Minh

Nguy cơ mắc bệnh từ sơn

Dù sơn nội thất hay ngoại thất đều là một bước quan trọng giúp gia chủ hoàn thiện ngôi nhà ước mơ của mình. Và trong môi trường sống cũng như sự phát triển của xã hội, họ chỉ chọn theo gu thẩm mỹ, màu sắc và bền đẹp, hay chỉ dựa trên giá cả thì chưa đủ trong bối cảnh hiện nay, nhất là vấn đề sức khỏe con người.

Vậy thế nào là “sơn xanh”? Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hóa dầu công nghệ cao Hi-Pec cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá sơn là một trong năm nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư.

Vì trong sơn hiện nay, đa số người ta sử dụng sơn nhựa chế biến từ dầu mỏ, qua quá trình chưng cất thành chất Polyme. Nhưng để sơn được phải có dung môi, tức là các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) và Phóc-man-đê-hít.

Chính hợp chất VOC này làm cho môi trường không khí bị ô nhiễm, con người hít phải dẫn đến bệnh tật. Nhận thấy điều đó, nhiều quốc gia đưa ra yêu cầu sơn phải từ vật liệu tự nhiên, giảm hàm lượng nhựa xuống và giảm tối đa đến bằng không các hợp chất VOC và Phóc-man-đê-hít.

“Không phải các loại sơn có chứa hàm lượng VOC đều gây độc hại, nhưng vấn đề quan trọng là Việt Nam cần sớm có quy chuẩn về hàm lượng các chất này trong sơn và minh bạch hóa đến người tiêu dùng”, ông Hải khuyến cao.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một số chuyên gia cho biết, với một hàm lượng đủ lớn, không chỉ tác động trực tiếp lên những người hít phải, VOC còn tác động đến môi trường xung quanh và góp phần tăng ô nhiễm môi trường.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, có đến 9% hợp chất gây ô nhiễm môi trường là do hàm lượng VOC từ trong sơn thải ra. Với mối lo VOC, thực tế từ năm 1975 trở lại đây, xu hướng trên thế giới là các nhà sản xuất sơn phát triển các loại công nghệ mới giúp làm giảm hàm lượng VOC ở trong sơn giúp đảm bảo sức khỏe cho người dùng và thân thiện với môi trường hơn. Một số sản phẩm sơn có uy tín sẽ dán nhãn VOC ở mức thấp, có sản phẩm gần như không có.

Xu hướng “sơn xanh”

Tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng đang có nhiều sự lựa chọn với đa dạng loại sơn. Tuy nhiên, yếu tố giá cả vẫn được đa số người tiêu dùng đặt lên hàng đầu mà bỏ qua yếu tố an toàn, khiến nhiều loại sơn từ các cơ sở sản xuất yếu kém dễ dàng trà trộn vào thị trường. Người dùng các loại sơn này có thể bị nhiễm chì và thủy ngân, là hai chất cực độc đối với sức khỏe con người và môi trường.

Trên thực tế, các hãng sơn lớn, có thương hiệu trên thị trường đều đang hướng tới những công nghệ sản xuất giúp đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và góp phần giảm ô nhiễm. Gần đây, cùng với khái niệm “công trình xanh”, trên thị trường xây dựng, nội thất cũng bắt đầu xuất hiện khái niệm “sơn xanh”.

“Tiêu chuẩn xanh của sơn được đánh giá bằng hàm lượng Phóc-man-đê-hít và VOC chứa trong sơn và keo. Được gọi là sơn xanh khi hàm lượng VOC nhỏ hơn 10. Thậm chí, nhiều nước đưa ra tiêu chuẩn hạm lượng VOC bằng không. Nhà nước nên có tiêu chuẩn về vấn đề này, tránh những quảng cáo lập lờ đánh lận con đen”, TS. Hải cho hay.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong khi các cơ quan chức năng chưa có một tiêu chuẩn cụ thể về “sơn xanh” thì người tiêu dùng nên chọn các loại sơn tự nhiên, không phải sơn nhựa, yêu cầu các sơn có hàm lượng VOC thấp nhất, các loại keo dán không có Phóc-man-đê-hít và yêu cầu sơn lọc được không khí, làm cho ngôi nhà “thở” được…

Cùng với khái niệm “công trình xanh”, trên thị trường xây dựng, nội thất cũng bắt đầu xuất hiện khái niệm “sơn xanh”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty 4Oranger Co.,Ltd cho biết: “Hiện nay, thị phần sơn xanh chiếm gần 10% doanh thu của toàn Công ty và thị trường cũng đang có xu hướng ưa chuộng sản phẩm sơn thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để đánh giá công trình xanh thì có nhiều yếu tố và sơn là một trong những yếu tố quan trọng”.

Nhiều người Việt Nam hiện nay có xu hướng quan niệm công trình xanh là trồng nhiều cây, nhưng theo nhận định của các chuyên gia điều này chưa đủ mà công trình xanh là các vật liệu xây dựng, thiết kế, tiết kiệm nước,…đạt tiêu chuẩn mới được gọi là công trình xanh.

“Hiện nay, thị trường sơn xanh ở Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu manh nha, một số công ty đã nói đến công trình xanh nhưng họ cũng chỉ sử dụng sơn có hàm lượng VOC thấp chứ chưa sử dụng sơn có hàm lượng VOC bằng không. Trên thế giới, xu hướng xanh là xu hướng không thể cưỡng lạic.

Ở Việt Nam hiện nay bắt đầu có cuộc cách mạng “xanh” tất cả các vật liệu công trình đều gắn chữ “xanh”. Tất nhiên, từ tư duy đến triển khai trên thực tế vẫn là một quá trình dài, trong đó mỗi thành viên thị trường, chủ đầu tư và người sử dụng phải chấp nhận bớt đi lợi nhuận, chấp nhận giá cao hơn một chút để sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe”, ông Hải nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản