Thị trường bất động sản: Đón nhiều chính sách khơi thông
Gia Phú - 10/02/2020 09:22
 
Nhiều quy định pháp luật mới liên quan đến thị trường bất động sản sẽ khai thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện để thị trường này phục hồi và tăng trưởng trở lại trong năm nay.
Thị trường bất động sản  năm nay được kỳ vọng phát triển ổn định hơn. Ảnh: Lê Toàn
Thị trường bất động sản năm nay được kỳ vọng phát triển ổn định hơn. Ảnh: Lê Toàn

Tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, chính sách tác động đầu tiên đến thị trường bất động sản năm 2020 là Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, được thực hiện từ tháng 1/2020.

Nội dung chính của Thông tư là xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh và tìm kiếm thêm các nguồn vốn đầu tư thay thế.

Chính sách nữa có tác động mạnh đến thị trường là Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (có hiệu lực từ tháng 1/2020). Đáng chú ý là, các vi phạm bị xử lý rất nặng, như hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng; bỏ hoang đất, mua bán đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lấn chiếm đất bị phạt tới 1 tỷ đồng… Việc này sẽ nâng cao hơn nữa việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, chấn chỉnh tình trạng vi phạm hành chính về đất đai đang diễn ra phổ biến ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Ban hành Quy chuẩn Xây dựng

Một chính sách mới được tất cả doanh nghiêp trông ngóng và nhiều người dân quan tâm là Nghị định 96/2019/NĐ-CP về khung giá đất mới áp dụng cho giai đoạn 5 năm tới (2020 - 2024), với mức tăng chung 20%. Ngay lập tức, hàng loạt địa phương đã ban hành bảng giá đất áp dụng cho từng khu vực. Như vậy, những dự án đợi khung giá đất mới để triển khai thủ tục pháp lý có thể triển khai ngay.

Liên quan chính sách mới đối với lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, một tin mừng trong năm 2020 là việc Bộ Xây dựng sẽ ban hành Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, với việc cho phép xây dựng căn hộ nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2. Việc này mở ra triển vọng giải quyết nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị, người nhập cư, giới trẻ mới lập nghiệp và mới lập gia đình.

“Thời gian qua, UBND TP.HCM đã tích cực xem xét, rà soát, giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thành phố, đặc biệt là về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở. Đồng thời, định kỳ hàng quý, lãnh đạo Thành phố tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và định hướng thị trường phát triển ổn định, lành mạnh”, ông Châu cho biết.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Để thị trường bất động sản TP.HCM phát triển bền vững, minh bạch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, có doanh nghiệp bất động sản.

Đi vào một số nội dung cụ thể, ông Châu kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện hoán đổi phần đất thuộc Nhà nước quản lý để lấy đất đã có hạ tầng của dự án theo tỷ lệ do Nhà nước quy định; kiến nghị UBND TP.HCM sớm hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất để rút ngắn thời gian làm thủ tục và đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý, không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Ông Châu cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước và được tiếp tục triển khai dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

“Thông tư 22/2019/TT-NHNN sẽ làm cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn trước, có thể dẫn đến giảm tổng cầu của thị trường, nhất là đối với phân khúc bất động sản cao cấp. Điều này giúp thị trường giảm bớt giới đầu cơ thứ cấp”.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản