Thị trường bất động sản trước kỳ vọng mới
Những động thái của các bộ, ngành thời gian qua và mới đây nhất là Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, Chính phủ rất quan tâm đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Chính phủ yêu cầu kiểm soát để thị trường bất động sản phát triển bền vững
Chính phủ yêu cầu kiểm soát để thị trường bất động sản phát triển bền vững

Ưu tiên phát triển bền vững

Ngày 24/3/2019, Phó Thủ tướng  Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Chỉ thị 11/CT-TTG về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Theo Chỉ thị, với các nỗ lực của các cấp, từ năm 2014, thị trường bất động sản đã dần hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân. Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở còn khá cao so với thu nhập của người dân, nguồn lực huy động chưa đa dạng...

Nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại nêu trên và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê. Ban hành quy chế quản lý, vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel), hoàn thành trong quý III/2019.

Trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được yêu cầu ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất với các loại bất động sản mới trên, hoàn thành trong quý III/2019; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với một số loại hình bất động sản mới trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Trong khi đó, Bộ Tài chính được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ về định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định pháp luật để khai thác, sử dụng các nguồn lực, nhất là từ đất đai để phát triển thị trường bất động sản và chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, hoàn thành trong quý III/2019. Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu một số định chế tài chính như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tín thác bất động sản... để huy động các nguồn lực cho thị trường bất động sản, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phân bổ vốn tín dụng đối với dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê.

Các địa phương được yêu cầu theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; đánh giá, lập, điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao... theo quy định của pháp luật, hoàn thành trong quý III/2019.

Tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Chỉ thị này được ban hành, đặc biệt là các dự án bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý. Theo đó, đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội, thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi, hoàn thành trong quý III/2019.

Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn trên phạm vi địa bàn.

Bộ Xây dựng cũng được yêu cầu tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình theo định kỳ hoặc đột xuất để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về diễn biến của thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp bình ổn thị trường khi có dấu hiệu không bình thường hoặc biến động lớn.

Kỳ vọng mới

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, những biện pháp siết chặt của cơ quan quản lý và các địa phương với thị trường bất động sản thời gian qua đã góp phần tạo động lực giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong bài toán tài chính, đồng thời cơ cấu lại các sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu của thị trường, loại bỏ các chủ đầu tư làm ăn chụp giật. Đặc biệt, sau Chỉ thị 11/CT-TTg, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, bền vững hơn.

 bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ phát triển sau chỉ đạo gỡ vướng chính sách cho condotel và villa resort. Ảnh: Lê Toàn
Bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ phát triển sau chỉ đạo gỡ vướng chính sách cho condotel và villa resort. Ảnh: Lê Toàn

"Điều này sẽ chỉ có lợi cho thị trường, cho các doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp sẽ phải hiểu rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giúp thị trường bền vững. Những doanh nghiệp làm ăn không có chiến lược bài bản sẽ buộc phải dừng cuộc chơi. Trong khi đó, các nhà đầu tư và các sàn phân phối cũng phải hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn ", ông Đính nhận định.

Đồng quan điểm, ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, các chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành với thị trường bất động sản đều đã có cân nhắc, tính toán và có lộ trình cụ thể, quan trọng là các doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá như thế nào để có tính toán bài toán phát triển dự án của mình một cách hợp lý.

Ở một góc nhìn khác, theo lãnh đạo của Công ty cổ phần Du lịch Nhật Minh, chủ đầu tư dự án Ariyana Smart Condotel, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cho các sản phẩm mới trước đó và tiếp tục được nhắc tới với thời gian rất cụ thể là hoàn thành trong quý III/2019 tại Chỉ thị 11/CT-TTg là tin tốt cho các loại hình bất động sản mới nói chung và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.

Theo vị này, không chỉ giúp bù đắp nguồn cung cơ sở lưu trú chất lượng, đáp ứng sự gia tăng nhanh của khách du lịch, condotel còn mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư, bởi đây là loại hình có lợi suất đầu tư khá cao và ổn định, nhờ sự phát triển của du lịch. Vì vậy, condotel là một trong những loại hình được giới đầu tư ưa chuộng nhất hiện nay.

"Với các dự án tốt, lợi suất đầu tư mang lại cho nhà đầu tư rất cao. Chẳng hạn, tại Dự án Ariyana Smart Condotel Nha Trang đã được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2018 đang áp dụng chính sách chia sẻ doanh thu 10%/năm trong 4 năm đầu tiên. Từ năm thứ 5, dù hoạt động kinh doanh của toà nhà lãi hay lỗ thì chủ sở hữu condotel vẫn hưởng trọn 30% doanh thu và có khả năng hoàn vốn đầu tư chỉ sau 9,5 năm", vị lãnh đạo này nói và cho biết, tuy nhiên, do chưa được định danh về mặt pháp lý, nên trong gần 1 năm qua, thị trường condotel có phần chững lại, nhiều chủ đầu tư và nhà đầu tư đều dừng lại để nghe ngóng, chờ đợi.

Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cụ thể là Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các văn bản hướng dẫn về tính pháp lý với condotel và resort villa là tin vui với cả doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Với thông tin này, kỳ vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phát triển trở lại và bền vững hơn trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản