Thiếu nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp
Anh Hoa - 29/09/2022 08:24
 
Giải pháp để ngành bán lẻ hút các thương hiệu quốc tế, đặc biệt ở phân khúc cao cấp, nằm ở nguồn cung mặt bằng.
Nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp đang thiếu, khiến các nhãn hàng khó mở rộng hoạt động kinh doanh
Nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp đang thiếu, khiến các nhãn hàng khó mở rộng hoạt động kinh doanh.

Thăm dò thị trường bằng cửa hàng trực tuyến

Mỹ phẩm liên tục nằm trong danh sách mua sắm trực tuyến hàng đầu, đặc biệt là đối với người tiêu dùng thành thị. Nhiều nhãn hàng mới cũng đang gia nhập thị trường Việt Nam với các cửa hàng trực tuyến trước khi mở các cửa hàng truyền thống.

Điển hình, thương hiệu mỹ phẩm đến từ Pháp là Sephora, thay vì mở cửa hàng vật lý, nhãn hàng này vào thị trường Việt Nam bằng kênh thương mại điện tử trước. Tháng 3/2022, nhà bán lẻ mỹ phẩm này đã chính thức vận hành cửa hàng thương mại điện tử dành cho thị trường Việt Nam.

Sephora thuộc sở hữu của LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton. Năm 2008, Sephora ra mắt thị trường Đông Nam Á bằng việc khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Singapore. Hiện Sephora có hơn 100 cửa hàng tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ và Indonesia. Tháng 10/2021, họ tăng cường sự hiện diện tại 8 thị trường mới, gồm Đài Loan, Việt Nam, Bangladesh, Pakistan, Lào, Sri Lanka, Myanmar và Brunei, thông qua kênh thương mại điện tử.

Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung bất động sản bán lẻ tính đến tháng 6/2022 đạt 1,7 triệu m2, tăng 3% theo quý và 7% theo năm sau khi trung tâm mua sắm Vincom Mega Mall Smart City và 2 khối đế bán lẻ khu vực ngoài trung tâm đi vào hoạt động. Dự kiến đến cuối năm 2022, phân khúc trung tâm thương mại sẽ chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 nguồn cung tương lai (31%), xếp sau khối đế bán lẻ.

Trong khi đó, cuối năm 2021, sau gần 1 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu Pháp Maje cũng ra mắt cửa hàng trực tuyến của mình nhằm giúp khách hàng Việt dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn.

Trước đó, năm 2020, Perfect Diary - thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc thuộc Tập đoàn Yatsen Holding Ltd cũng xoay chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài, trong đó Việt Nam là một điểm đến. Perfect Diary đã mở cửa hàng trực tuyến dành cho khu vực Đông Nam Á ở Philippines, Singapore, Malaysia.

Một năm trở lại đây, tại các thành phố lớn đang xuất hiện nhiều thương hiệu bán lẻ mở mới hoặc tăng số lượng cửa hàng. Phân khúc bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt và đang tiếp tục mở rộng quy mô. 

Thiếu nguồn cung

Động thái của các tên tuổi bán lẻ mỹ phẩm, thời trang nói trên phần nào cho thấy tiềm năng bán lẻ của thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn cung mặt bằng vật lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ phải mở cửa hàng online. Theo ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Savills, nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, bắt nguồn từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế và tiềm năng tiêu dùng từng quốc gia.

Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường nổi bật tại khu vực  Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu đang nghiên cứu cơ hội đầu tư tại hai nước. Tuy nhiên, ngành bán lẻ của Thái Lan đã chịu ảnh hưởng đáng kể do yếu tố dịch bệnh. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nguồn cầu nội địa mạnh mẽ. Thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn trong khu vực Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. Hầu hết thương hiệu nổi tiếng quốc tế đều đã có mặt tại những thị trường này.

Trong vòng 2 năm tới, nhiều thương hiệu lớn sẽ tích cực gia nhập và mở rộng kinh doanh tại Hà Nội, TP.HCM. Những nhãn hàng thuộc lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, ăn uống ở mọi phân khúc. Khi tìm kiếm thuê mặt bằng, họ có xu hướng lựa chọn nhà phố tại các trục phố lớn hay trung tâm thương mại được vận hành bởi chủ đầu tư uy tín. Tuy nhiên, các thương hiệu này lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp.

Hiện nay, tại TP.HCM chỉ có Union Square đáp ứng được nhu cầu này. Tòa nhà tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay giữa trung tâm thành phố, ở góc giao 4 tuyến đường chính (Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn) thuộc quận 1, quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ. 

Trong khi tại Hà Nội, khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm đang thiếu hụt mặt bằng phù hợp với các thương hiệu cao cấp. Nghiên cứu từ Savills cho thấy, giá thuê khu vực này cũng tăng cao hơn, có những tuyến phố ghi nhận mức tăng 15% giữa năm 2020 và 2021, thậm chí thời điểm này, giá thuê tại một số tuyến phố được đẩy lên rất cao, tăng 20-30% so với giai đoạn trước đại dịch. Nhưng vẫn có những khu vực chật vật trong việc tìm khách thuê, dù đã đưa ra các chính sách ưu đãi.

“Điểm nghẽn lớn nhất doanh nghiệp gặp phải trong quá trình gia nhập thị trường nằm ở điều kiện mặt bằng. Việc thiếu không gian tại trung tâm phù hợp với các tiêu chí về thương hiệu và kỹ thuật gây cản trở quá trình mở cửa hàng. Điều này khiến các nhãn hàng xa xỉ chần chừ khi đưa ra quyết định”, ông Nick Bradstreet cho hay.

Có thể thấy, giải pháp để ngành bán lẻ Việt Nam hút các thương hiệu của thế giới, đặc biệt phân khúc cao cấp, nằm ở vấn đề nguồn cung. Chủ đầu tư cần chú ý xây dựng các mặt bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh nhà phố bán lẻ, thị trường cần bổ sung trung tâm thương mại cao cấp tại khu vực trung tâm thành phố. Những dự án này phải được thiết kế và vận hành một cách chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các nhãn hàng.

Bên cạnh đó, chủ cho thuê, vận hành trung tâm thương mại cần đáp ứng sự cân bằng giữa nhu cầu về giải trí, giao tiếp xã hội, ăn uống và nhu cầu về thương mại, mua sắm. Những mô hình thiên về yếu tố trải nghiệm sẽ dễ dàng thu hút tệp khách hàng trẻ hơn để các thương hiệu đang nhắm vào giới trẻ lựa chọn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản