Thôi đừng làm homestay nữa, mất thời gian lắm!
Những căn hộ tạm bợ, những vị khách vô ý thức đã khiến loại hình lưu trú văn minh này ngày càng biến tướng. Và nếu được khuyên bạn bè, tôi sẽ nói rằng, thôi đừng làm homestay nữa, mất thời gian lắm!.

1.

Cách nay 1 tháng, tôi được đồng nghiệp kể câu chuyện về cô bạn đã bỏ rất nhiều vốn liếng vào căn homestay khá lớn tại Hội An. Trong suốt 3 năm ròng rã, vợ chồng cô bỏ mọi công việc tại Sài Gòn để bay đi bay lại Hội An và cuối cùng thì phải ở hẳn ngoài đó để quản lý mô hình kinh doanh này.

Hoạt động như khách sạn mini, bởi căn nhà có 7 phòng, nhưng muốn cho có phong cách riêng nên cô bạn phải thiết kế và duy trì rất nhiều góc nhà và sân để khách tới chụp hình “sống ảo”. Phần lớn các khách chọn homestay là khách trẻ tuổi, muốn trải nghiệm chỗ lưu trú đẹp, mới mẻ, tự nấu ăn và giặt đồ. Tuy nhiên, vì mang tâm lý “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”, nên mỗi lần nhóm bạn trẻ check-out xong, căn phòng, căn bếp, nhà vệ sinh nhìn như bãi chiến trường.

Nhân viên dọn dẹp đòi tăng lương liên tục, nếu không thì chẳng làm nữa khiến rất nhiều ngày ông bà chủ phải trực tiếp đi lau dọn nhà, thay drap trải giường, đổ rác. Số tiền thuê nhà không ít, số tiền bỏ vô để làm đẹp và duy trì các loại cây kiểng, tiểu cảnh cũng chẳng nhỏ, rồi còn bao nhiêu thứ rắc rối kèm theo mà khách mang lại, khiến vợ chồng bạn ngán ngẩm.

Đỉnh điểm có lần có vụ bà vợ đi từ Sài Gòn ra Hội An đánh ghen um sùm, nếu cô gái trẻ kia mà không nhanh chân bỏ của chạy lấy người, thì có khi đã xảy ra án mạng ngay tại homestay, thì ông bà chủ chán hẳn.

Cố níu kéo cho hết hợp đồng nhà 3 năm để không mất 3 tháng đặt cọc, người thuê vội vàng trả nhà, bán tống tháo giá rẻ các loại giường tủ, nội thất đã đầu tư đồng bộ, rồi quay trở lại Sài Gòn.

Khi tôi liên lạc với cô bạn, cô trầm giọng kể với nỗi buồn đặc nghẹt. Buồn vì làm ăn thua lỗ, mất tiền, mất thời gian suốt mấy năm. Nhưng cũng buồn vì khát vọng làm được những điều đẹp đẽ và tử tế đã tan như bong bóng xà bông.

Thường, phải là những người mang chút nghệ sĩ tính mới thích làm homestay ở các vùng mang địa thế xa đô thị. Họ gửi gắm vào trong công cuộc kinh doanh của mình mọi sự chăm chút vào từng món đồ sắm sửa trong phòng. Tuy nhiên, drap giường thì nhàu nát và mang đầy chiến tích của những người sử dụng thiếu ý thức, thậm chí có lần nhóm bạn trẻ chơi đùa nhau làm sập gẫy cả giường, các cây bông trong vườn bị ngắt đi, tan nát, tơi bời, thì cơn thất vọng của các “nghệ sĩ kinh doanh” bị nhấn chìm bởi sự tổn thương nghiêm trọng.

Tiền mất, mọi sự chăm chút bị giày xéo, hỏi sao mà kéo dài được mãi. Bài toán kinh tế vốn đã khó đi cùng với thơ ca lãng mạn, nên sự thua lỗ nặng nề vô cùng. Chấm dứt mọi thứ rồi, mà dường như nỗi mất mát kéo dài mãi. Cũng do nghệ sĩ tính mà ra!

2. 

Khi chúng tôi đi mua căn hộ nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu cách nay vài năm, nhiều người nói thôi cho thuê để làm homestay đi. Vị trí ấy phù hợp lắm, rất gần bãi tắm, lại trung tâm của thành phố, khách sẽ thích, sẽ book đông, đảm bảo duy trì được lượng khách tốt.

Trong một lần đi ăn sáng, tôi gặp chị hàng xóm rất mau miệng. Chị ngồi ăn sáng và cà phê chừng 30 phút, mà nghe cả chục cuộc điện thoại, tin nhắn thì đổ tới chíu chít.

Chị kể, gia đình chị mua 2 căn hộ và nhận hơn chục căn hộ nữa cho thuê làm homestay. Những ngày thường thì vắng khách cho thuê, nhưng cuối tuần và ngày lễ thì chạy cả đêm cả ngày đón khách. Từ Sài Gòn, khách xuống nhận phòng có khi 1 - 2h sáng, đưa chìa khóa và đăng ký tạm trú cho khách xong, về tới nhà, chưa kịp đặt lưng xuống nghỉ thì khách lại gọi hỏi về cách sử dụng bếp từ để nấu mì gói ăn đêm, và trăm thứ thắc mắc lặt vặt khác.

Nghe chị kể mọi thứ xong, cảm thấy sợ hơn cả người trong cuộc, vì thấy công việc gì mà mệt và phiền nhau tới vậy. Nhưng chưa hết, đợt rồi chị điện thoại buôn chuyện hơi ly kỳ, có ông khách đăng ký ở 1 tuần, khi đi đã không trả tiền phòng, còn gỡ thêm 2 chiếc TV ở phòng khách và phòng ngủ; sợ hãi hơn, ổng có ếm bùa gì đó mà khách nào sau đó tới ở cũng gặp chuyện bất hạnh. Người thì tai nạn, người thì đổ bệnh đột xuất. Để mọi thứ yên chuyện, chị phải thuê thầy pháp về trấn lại.

Chỉ sau 1 năm làm homestay, chị hàng xóm gầy rộc đi, lúc nào cũng tất bật, đi nhanh hơn chạy, gia đình chẳng lo chu toàn được, mà chỉ tính tới chuyện bao đồng!

Homestay, nghe cụm từ rất hay và sang, nhưng thực hiện được công việc kinh doanh này mới thấy gặp rất nhiều thứ thị phi nhăng nhít. Bỏ cả vài tỷ đồng mua căn hộ, thu về được mỗi ngày vài trăm ngàn, ban đầu nghe ham, mà rồi cuối cùng cũng chẳng ham. Chưa biết khi nào, homestay được phát triển lành mạnh và lãng mạn đúng theo cách mà các ông bà chủ nghệ sĩ tính mong muốn.

Chắc còn lâu mút mùa!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản