Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Benthanh Group chuẩn bị cổ phần hóa công ty mẹ
Bảo Giang - 27/12/2014 10:33
 
Tổng công ty Bến Thành (Benthanh Group) đã hoàn tất bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) một trong hai công ty con 100% vốn còn lại trong hệ thống, công ty còn lại sẽ được IPO vào năm 2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đại gia viễn thông nô nức thay tướng
Cảng Sài Gòn được định giá gần 4.000 tỷ đồng
WB kỳ vọng Việt Nam đẩy mạnh cải cách
Tổng công ty Bến Thành rót thêm vốn vào Sapa BTG ở Việt Nam
Benthanh Group nắm bắt nhu cầu thực của thị trường

Theo một điều tra của tờ The Economist, giá trị của các doanh nghiệp nhà nước trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đã mất hơn 33% từ năm 2007, trong khi giá trị cổ phiếu toàn cầu tăng 5%. Tỷ lệ ROE của các doanh nghiệp này là 10% (đã loại trừ 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc), thấp hơn so với mức 13% của khối tư nhân.

Mô hình doanh nghiệp nhà nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, cạnh tranh ngày cành khốc liệt với khối tư nhân đầy sáng tạo và nhạy bén. Cổ phần hóa được xem như là một hướng phát triển tất yếu cho khối doanh nghiệp nhà nước.

Benthanh Group chuẩn bị cổ phần hóa công ty mẹ

Benthanh Group là một trong các doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cổ phần hóa trong thời gian tới

Là một trong các doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cổ phần hóa trong thời gian tới, năm 2014, Tổng công ty Bến Thành (Benthanh Group) đã hoàn tất IPO một trong hai công ty con 100% vốn còn lại trong hệ thống, công ty còn lại sẽ được IPO vào năm 2015.

Đây chỉ là 2 nội dung trong chương trình chuẩn bị của doanh nghiệp này cho kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ vào giai đoạn 2016-2020.

IPO hai công ty con 100% vốn

Tổng giám đốc Benthanh Group cho biết, tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu đang được đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Công ty mẹ đã thực hiện IPO công ty con 100% vốn, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ du lịch Bến Thành (Benthanh Tourist).

Cụ thể, sau hơn một năm chuẩn bị các thủ tục cổ phần hóa, ngày 9/12/2014 vừa qua, Benthanh Tourist đã thực hiện IPO thành công, với 5,93 triệu cổ phần đã được bán ở mức giá 21.482 đồng/cổ phần. Đợt phát hành cổ phần lần đầu của Benthanh Tourist đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, với 47 nhà đầu tư đăng ký mua 49.245 triệu cổ phần, bằng 8,5 lần so với lượng đấu giá.

Yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư của cổ phiếu Benthanh Tourist là doanh nghiệp này đã thiết lập được một hệ thống tài sản và nhân lực mạnh ở ngành dịch vụ du lịch, từ hoạt động lữ hành đến khai thác các khách sạn và nhà hàng. Nhà đầu tư nhìn thấy triển vọng tốt của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp có được nhiều thuận lợi hơn từ môi trường kinh doanh và đầu tư.

Hiện tại, Benthanh Tourist đang gấp rút hoàn tất việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược và người lao động của doanh nghiệp, để tiến đến thực hiện kỳ đại hội cổ đông đầu tiên và thành lập Công ty cổ phần Du lịch Bến Thành.

Công tác cổ phần hóa công ty con 100% vốn của Benthanh Group là Công ty TNHH một thành viên Phát triển Nhà Bến Thành (Benthanh House) cũng đã hoàn tất phần việc phức tạp nhất là xác định giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp này đang tiếp tục tiến hành các bước công bố giá trị doanh nghiệp, xây dựng và thực hiện phương án cổ phần hóa để đảm bảo cam kết IPO trong năm 2015.

Cam kết mở cửa thị trường

Bên cạnh những thuận lợi khi nằm trong khung chương trình chung về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của UBND TP.HCM, bản thân doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục cổ phần hóa. Những cái khó có thể kể tên như thủ tục cổ phần hóa còn rắc rối, những phát sinh trong quá trình xử lý tài chính, định giá tài sản. Trong đó, khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc xác định giá trị doanh nghiệp được quy định và chi phối với nhiều chế tài khác nhau.

Chỉ còn vài ngày nữa là sẽ bước sang năm 2015, khi mà Việt Nam cam kết giảm dần thuế quan trong hoạt động giao thương với các đối tác ASEAN và nhiều hiệp định tự do hóa thương mại, dịch vụ cũng được kỳ vọng bắt đầu được thực hiện. Điều này sẽ mở rộng cơ hội thương mại, đầu tư, đồng thời gia tăng cạnh tranh không chỉ giữa các thành phần kinh tế nội địa, mà còn giữa các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước.

Ở bối cảnh mới này, những doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào lựa chọn duy nhất là đổi mới để tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ phải tập trung phát triển năng lực cốt lõi, cải thiện môi trường quản trị, đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới, nhằm tạo ra các giá trị gia tăng, đặt ưu tiên vào chất lượng tăng trưởng. Mà trong đó, điều quan trọng nhất vẫn là chiến lược phát triển con người, để đạt được tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư