Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Big Data lái chiến lược kinh doanh
Anh Hoa - 06/04/2022 08:19
 
Đầu tư cho dữ liệu lớn (Big Data) sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, giảm chi phí vận hành và giữ chân khách hàng lâu nhất.
chuyển đổi số được dự báo sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới, trong đó, việc khai thác dữ liệu, tận dụng và triển khai Big Data, AI là cốt lõi
Chuyển đổi số được dự báo sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới, trong đó, việc khai thác dữ liệu, tận dụng và triển khai Big Data, AI là cốt lõi

Câu chuyện của các “ông lớn”

Sự thành công của Netflix trong mảng dịch vụ giải trí trực tuyến được giới marketing ví như quả “tên lửa” nhờ việc duy trì nguồn doanh thu định kỳ đều đặn và luôn tăng dần. Trong đó, câu chuyện vẫn luôn được rỉ tai nhau trong giới này là Netflix đã sử dụng phân tích Big Data để giải quyết vấn đề của nhà quảng cáo và cung cấp thông tin chi tiết về tiếp thị.

Với vài trăm triệu người đăng ký, Netflix có khả năng thu thập một nguồn dữ liệu khổng lồ và đó là cũng chính là chìa khóa để lợi nhuận của Netflix tăng vọt trong thời gian qua. Kết thúc năm 2021, tổng doanh thu của Netflix trên toàn cầu đạt 29,70 tỷ USD, tăng 18,9% so với năm 2020; lợi nhuận ròng đạt 5,13 tỷ USD, tăng 85,25% so với năm 2020.

Mặc dù các chuyên gia phân tích nhận định, những ngày độc quyền toàn cầu của Netflix sẽ không còn trong thời gian tới và sự thống trị của nó đang bắt đầu bị thách thức, song với những gì Netflix đang làm, thì chưa thể nói trước được điều gì.

Báo cáo Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) thực hiện năm 2021cho thấy, Việt Nam đứng thứ 62 toàn cầu và xếp thứ 6 trong 10 nước ASEAN, tăng 14 bậc so với xếp hạng thế giới năm 2020 và tăng 1 bậc trong ASEAN.

Đây là năm đầu tiên, điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 51,82, vượt qua ngưỡng trung bình 47,42 của thế giới.

Nếu đăng ký sử dụng dịch vụ xem phim trực tuyến của Netflix, khách hàng luôn cảm thấy những bộ phim tiếp theo mà ứng dụng này đề xuất thật thân thuộc và phù hợp. Điều này được thực hiện bằng cách phân tích dữ liệu tìm kiếm và xem phim trước đây của khách hàng.

Dữ liệu này sẽ giúp Netflix nắm được thông tin chi tiết về những bộ phim mà người đăng ký quan tâm nhất, từ đó đề xuất những bộ phim tiếp theo phù hợp cho từng người dùng. Chính vì sự tiện lợi của Netflix và các chiêu quảng cáo “chiều lòng” khách hàng, số lượng người đăng ký và sử dụng ứng dụng này tăng nhanh chóng, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Trong kinh doanh, hoạt động marketing luôn chiếm một phần chi phí rất lớn của mỗi doanh nghiệp và ước mơ của mọi nhà điều hành đều muốn tối ưu hóa khoản tiền này.

Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp đã tổn thất hàng triệu USD để “chạy” các quảng cáo, nhưng không mang lại hiệu quả như ý. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là họ đã bỏ qua giai đoạn nghiên cứu thị trường.

Câu chuyện của Netflix cho thấy, sau nhiều bài học xương máu, ngành công nghệ tiếp thị và quảng cáo giờ đây đã nhận ra rằng, dữ liệu từ các cuộc nghiên cứu thị trường và khảo sát về nhu cầu sản phẩm đóng vai trò quyết định trong công việc của họ. Điều này đến từ việc quan sát hành trình khách hàng, hành vi và xu hướng của họ trên môi trường trực tuyến. Các chiến dịch marketing của doanh nghiệp sẽ được thực hiện tập trung và đúng mục tiêu hơn, thay vì các hoạt động quảng cáo “đốt tiền” như trước kia.

Thông qua phân tích, dự đoán, các tổ chức còn có thể xác định khách hàng mục tiêu của mình. Từ đó, họ có thể thu hẹp phạm vi phân phối quảng cáo tiếp thị để đem lại hiệu quả cao nhất và tránh được những tổn thất lớn phát sinh do gian lận quảng cáo.

Ngân hàng UOB (Singapore) là trường hợp điển hình về một thương hiệu sử dụng Big Data để thúc đẩy quản lý rủi ro.

Là một tổ chức tài chính, khả năng UOB gặp phải các sự cố phát sinh thua lỗ là rất cao, nếu không lường trước được các kịch bản quản lý rủi ro. Ngân hàng này đã đầu tư hệ thống quản lý rủi ro dựa trên nền tảng Big Data. Trước đây, quá trình phân tích và quản trị rủi ro có thể sẽ mất đến 18 giờ, nhưng với hệ thống quản lý rủi ro sử dụng Big Data, chỉ mất vài phút để Ngân hàng có thể thiếp lập được quy trình này.

Trong khi đó, “ông lớn” Coca-Cola lại sử dụng ứng dụng Big Data để thu hút và duy trì lượng khách hàng. Trong năm 2015, hãng đồ uống này đã cố gắng tăng cường chiến lược dữ liệu của mình bằng cách xây dựng chương trình khách hàng thân thiết trên nền tảng kỹ thuật số. Big Data đang đứng sau việc duy trì số lượng khách hàng ổn định tại Coca-Cola. Hãng đã theo đuổi 2 chiến lược: tiếp cận dựa trên dữ liệu khách hàng để phát triển sản phẩm mới và xác định kế hoạch phân phối, tiếp thị dựa trên các dữ liệu nghiên cứu thị trường.

Dòng sản phẩm Coca-Cola vanilla là ví dụ điển hình của chiến lược này. Coca-Cola vanilla được sáng chế tại Mỹ và nhanh chóng giành được sự quan tâm của công chúng. Các nhà nghiên cứu thị trường đã thử nghiệm mức độ thu hút của khái niệm về dòng sản phẩm mới ở Mỹ để đánh giá phản ứng của người tiêu dùng.

Thông qua việc nếm thử hương vị, Coca-Cola có thể xác định được sản phẩm nên có hương vị như thế nào để thu hút khách hàng. Bằng phương thức này, dòng coke có vị vanilla đã tạo nên bước đột phá tại Mỹ với sức hút lớn đối với khách hàng.

Cũng bằng cách thức này, Coca-cola đã nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng tại các quốc gia khác nhau trên thế giới để điều chỉnh hương vị coke sao cho phù hợp. Chính  những nguồn dữ liệu này đã giúp Hãng tiếp cận thành công, đưa các dòng sản phẩm của mình đến gần khách hàng và duy trì lượng khách hàng trung thành ổn định.

Nhìn data, ra quyết định

Giới chuyên gia công nghệ cho rằng, trong vòng 5 năm tới, chuyển đổi số sẽ bùng nổ tại thị trường Việt Nam, trong đó, việc khai thác dữ liệu, tận dụng và triển khai Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI) là cốt lõi. Có thể hiểu đơn giản, các công nghệ như IoT (kết nối Internet vạn vật), Big Data và AI được tạo ra giúp tối ưu hóa cách con người sống, làm việc và tạo ra nhiều cơ hội mới.

Có thể nói, doanh nghiệp sẽ mất đi một lượng khách hàng bởi nhu cầu của họ không được đáp ứng. Ban đầu, lượng khách mất đi này có thể chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, nhưng không có điều gì đảm bảo con số đó sẽ không tăng lên trong tương lai. 

Theo ông Trương Bá Toàn, CEO Western Digital Việt Nam, mọi quyết định chiến lược kinh doanh lúc này không còn cảm tính, mà là nhìn data để ra quyết định. Có rất nhiều lợi thế khi doanh nghiệp biết tận dụng Big Data, AI, trong đó, ông Toàn nhấn mạnh 2 lợi thế rất quan trọng, gồm định hướng kinh doanh và nhìn dữ liệu dự đoán xu hướng mới để ra quyết định phù hợp.

Một nền tảng Big Data tốt có thể giúp doanh nghiệp phân tích và dự báo các vấn đề trước khi chúng xảy ra. Điều này cho phép doanh nghiệp đảm bảo không có sự chậm trễ nào trong hành trình phát triển và hỗ trợ khách hàng, không phụ thuộc vào đánh giá cảm tính hay kinh nghiệm của người điều hành. Đó là những lợi thế cạnh tranh tối ưu nhất hiện nay với một doanh nghiệp khi triển khai AI cùng Big Data.

Khách hàng là trung tâm của doanh nghiệp. Big Data, AI sẽ giúp doanh nghiệp “vẽ” chân dung khách hàng chi tiết hơn. Doanh nghiệp sẽ biết khách hàng của mình là ai và họ thích điều gì. Đây chỉ là bước đầu tiên trong tiếp thị hướng tới khách hàng.

Khi một camera AI quét qua khách hàng, nó cho phép doanh nghiệp lấy thông tin nhân khẩu học cùng với sở thích của khách hàng để bắt đầu tạo một thông điệp tiếp thị. Lúc này, doanh nghiệp không chỉ nhận được thông tin chi tiết về khách hàng của mình, mà bằng cách tận dụng phân tích bán lẻ, họ có thể theo dõi vị trí của khách hàng tại địa điểm của mình và mối quan hệ họ có giữa các cửa hàng hoặc bộ phận nhất định. Điều này giúp tất cả công việc dự báo tạo ra kế hoạch tiếp thị, bởi vì doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu và số thực để khám phá những hiểu biết đáng ngạc nhiên về những gì khách hàng thích hoặc sẽ phản hồi.

Tuy nhiên, theo thống kê của Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, đến thời điểm này, có đến 90% doanh nghiệp chuyển đổi số không thành công. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở nhận thức chưa đúng, thực thi số hóa nửa vời, chưa phù hợp. 

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp với quy mô kinh doanh của mình, thì chi phí đầu tư không tốn kém và không chiếm quá lớn trong ngân sách hoạt động

Bài học kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát cho thấy, lợi thế hoàn toàn nghiêng về các công ty tận dụng được việc khai thác dữ liệu, áp dụng Big Data, AI trong chuyển đổi số. Các chuyên gia không ngại nhận định, thời kỳ bùng nổ của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ đến trong thời gian tới.

Netflix lại chiếu phim gây tranh cãi ở Việt Nam
Cuties - bộ phim đang bị kêu gọi xoá khỏi Neflix ở Mỹ vì nội dung không tốt cho trẻ em đang được trình chiếu công khai trên hệ thống này ở Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư