Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Netflix bị "siết" và cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Huy Vũ - 24/12/2020 10:16
 
Việc ngày càng nhiều phim bị ngừng chiếu do có nội dung nhạy cảm đang tác động mạnh đến lượng thuê bao của Netflix - ứng dụng xem phim trên nền tảng Internet.
Khách hàng sử dụng dịch vụ của Nexflix đang có xu hướng giảm. Ảnh: Lê Toàn
Khách hàng sử dụng dịch vụ của Netflix đang có xu hướng giảm. Ảnh: Lê Toàn

Thách thức với Netflix

Kết thúc quý III/2020, Netflix báo cáo doanh thu đạt 6,44 tỷ USD, vượt kỳ vọng mà các hãng phân tích lớn đưa ra.

Đối với các ứng dụng xem video xuyên biên giới như Netflix, dòng phim mới và liên tục là một trong những yếu tố chính để giữ những người trả tiền ở lại với họ. Trong đại dịch, Netflix vẫn chủ động ra được phim và thu hút người xem, từ đó có thêm kinh phí đầu tư nội dung mới để tiếp tục bỏ xa các đối thủ.

Tuy nhiên, theo Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, việc số lượng người sử dụng đăng ký trả phí của Netflix trong quý III/2020 giảm còn 2,2 triệu người, so với con số kỳ vọng ban đầu là 2,5 triệu người đang được giới quan sát quan tâm.

Một trong các nguyên nhân là danh sách những bộ phim bị hủy vì bị cáo buộc có nội dung xuyên tạc, nguy hiểm đối với trẻ em vị thành niên.

Các hãng phân tích lưu ý rằng, trong quý III/2020, cộng đồng người dùng trả phí ở châu Á - Thái Bình Dương (hơn 1 triệu người) đang đóng góp rất lớn cho Netflix và đây cũng là khu vực mà chính phủ các nước kiểm soát rất chặt chẽ nội dung phim.

Bên cạnh đó, ứng dụng này còn bị các doanh nghiệp truyền hình trả tiền ở khu vực Đông Nam Á kiện vì cạnh tranh không lành mạnh do không đóng thuế và thiếu hợp tác trong việc kiểm duyệt nội dung phù hợp.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Ở Việt Nam, sau nhiều lần cảnh cáo, các động thái gần đây của Chính phủ cho thấy quyết tâm quản lý chặt thị trường kinh doanh nội dung số. Theo đó, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm phải cung cấp tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Nghị định này cũng quy định, ngân hàng phải khấu trừ thuế với các thu nhập nhận được từ Facebook, Google… nếu các cá nhân này không nộp.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế quy định, trách nhiệm của ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin dữ liệu tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Thực hiện quy định này, cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với từng vụ việc, đối tượng cụ thể.

Cũng theo ông Minh, trường hợp các tổ chức cung cấp nền tảng dịch vụ xuyên biên giới không đăng ký thuế trực tiếp tại Việt Nam, thì căn cứ vào các khoản thanh toán từ Việt Nam ra nước ngoài, các tổ chức tín dụng sẽ khấu trừ thuế. Tổng cục Thuế sẽ có hướng dẫn cụ thể đối tượng và trường hợp nào thì các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện khấu trừ.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ mời các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ở nước ngoài sang làm việc để họ có thể ủy quyền cho các bên tư vấn ở Việt Nam kê khai thay hoặc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Như Netflix thì phải nộp 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về mặt nội dung, lợi thế lớn nhất của Netflix cũng đang được các doanh nghiệp nội địa tìm cách hóa giải. Thị trường ứng dụng xem phim Việt Nam hiện chia làm 2 nhóm chính là nhóm dịch vụ truyền hình Internet và nhóm phim.

Nhóm dịch vụ truyền hình gồm VTVcab ON, Clip TV, FPT Play, VieON… Trong nhóm phim, có Galaxy Play (trước đây là Film+) với lối chơi riêng để đấu với Netflix trên sân nhà.

Galaxy Play, đối thủ trực tiếp của Netflix, tận dụng được lợi thế sản xuất của Hãng phim Thiên Ngân, đã tạo ra được các sản phẩm độc quyền công chiếu trên Galaxy Play.

Trong khi đó, với nhóm dịch vụ truyền hình, ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Điều hành Clip TV cho biết, nhóm này không chỉ tập trung vào khách hàng ở các thành phố lớn như Netflix, mà còn mở rộng trên khắp các tỉnh, nhờ vào yếu tố truyền hình với các bữa ăn chính không thể thiếu như thời sự, tin tức, thể thao trong nước.

Về nội dung, ông Giản cho biết, nhóm truyền hình Internet gần đây đã bắt đầu tham gia sản xuất các dòng phim truyền hình riêng để phục vụ khán giả. Bản thân Clip TV cũng khá thành công với bộ phim Chọc tức vợ yêu hợp tác cùng Vie Channel.

“Không phải khách hàng nào cũng thích xem truyền hình ngoại quốc, nên các sản phẩm địa phương vẫn được ưa chuộng”, ông Giản nói.

Bên cạnh đó, theo ông Giản, mô hình sản xuất phim truyền hình mới cũng quyết định sự thành bại. Do phim là ngành rủi ro rất cao, nên việc đầu tư phim hiện nay dựa nhiều vào dữ liệu, sở thích của khán giả, tức là sẽ có những bộ phim bị ngừng trước thời hạn nếu đánh giá về thị trường không tốt. Thứ đến là công nghệ sản xuất phim cũng được lựa chọn để phù hợp với kinh phí đầu tư.

Ông Giản cho biết, mô hình ứng dụng xem phim trực tuyến phụ thuộc rất lớn vào người đăng ký trả tiền, nên cần có thời gian để hoàn vốn. Ngay cả Netflix cũng cần hơn 7 năm để hòa vốn thì khó kỳ vọng các ứng dụng ở Việt Nam rút ngắn được thời gian.

Nhìn chung, động thái quyết tâm đưa thị trường xem phim trên nền tảng Internet công bằng hơn là quyết định đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, nhưng để tồn tại, các doanh nghiệp nội địa phải đầu tư nghiêm túc cho nội dung - yếu tố sống còn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Netflix lại chiếu phim gây tranh cãi ở Việt Nam
Cuties - bộ phim đang bị kêu gọi xoá khỏi Neflix ở Mỹ vì nội dung không tốt cho trẻ em đang được trình chiếu công khai trên hệ thống này ở Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư