Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bình Dương tạo đột phá thu hút FDI
Hồng Sơn - 13/04/2015 09:44
 
Năm 2015, tỉnh Bình Dương dự kiến thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn, Bình Dương đã xác định 2 bước đột phá để đạt mục tiêu này.
TIN LIÊN QUAN

Chuyển động tại các dự án lớn

Cuối tháng 3/2015, Công ty TNHH Becamex Tokyu đã khánh thành tòa nhà Sora Gardens 1 tại thành phố mới Bình Dương. Đây là tòa nhà đầu tiên hoàn thành của dự án khu đô thị mà Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) hợp tác với Tổng công ty Becamex IDC đầu tư với tổng vốn 1,2 tỷ USD. Tòa nhà này là khu phức hợp chung cư và trung tâm thương mại, được xây dựng từ tháng 11/2012, trên diện tích 9.082 m2, với khối đế 4 tầng, tòa tháp A và B cao 24 tầng với hơn 400 căn hộ…

 

Cũng trong dịp này, tuyến xe buýt TP. Thủ Dầu Một - Thành phố mới Bình Dương do Becamex Tokyu đầu tư cũng được đưa vào vận hành, khai thác. “Trên cơ sở thành công của các dự án đã triển khai, thời gian tới, Tokyu sẽ tiếp tục thực hiện dự án thương mại, dịch vụ, xây dựng khu vui chơi, giải trí... là các dự án thành phần của Dự án khu đô thị tại Thành phố mới Bình Dương”, ông Koshimura Toshiaki, Chủ tịch Tập đoàn Tokyu cho biết.

Trước đó, Công ty Procter & Gamble Việt Nam (Hoa Kỳ) đã khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất dao cạo Gillette tại Khu công nghiệp VSIP 2, với vốn đầu tư 100 triệu USD. Theo ông Emre Olcer, Tổng giám đốc P&G Việt Nam, nhà máy này là một trong 3 nhà máy Gillette của P&G tại châu Á, một phần sản phẩm sẽ được tiêu thụ trong nước, còn phần lớn sẽ phục vụ xuất khẩu.

“P&G đã cân nhắc đầu tư nhà máy Gillette mới tại một số nước như Indonesia, Trung Quốc..., nhưng cuối cùng quyết định chọn Việt Nam”, ông Emre Olcer nói và cho biết, thành công của các dự án của P&G tại Việt Nam đã thuyết phục Tập đoàn đưa ra quyết định đầu tư.

Đột phá để hút vốn FDI

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong thu hút vốn FDI, tỉnh tập trung ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn… Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài việc thực hiện các ưu đãi đầu tư theo quy định, Bình Dương xác định 2 khâu đột phá.

Thứ nhất là đột phá về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông gắn với kết nối vùng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Cụ thể, tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng Quốc lộ 13, huyết mạch giao thông giữa TP.HCM với Bình Dương; hoàn thiện tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn; mở rộng đường DT 743 để gắn kết trung tâm Thành phố mới Bình Dương với thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên…

Theo ông Nam, ngay trong tháng 4/2015, tỉnh sẽ chốt các dự án hạ tầng giao thông cần ưu tiên đầu tư, sắp xếp các nguồn lực để có thể triển khai sớm. Cùng với hạ tầng giao thông, tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống cấp thoát nước, điện, viễn thông… tại các khu, cụm công nghiệp để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Thứ hai là đột phá về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã liên tục có những chỉ đạo cho các ngành chức năng, các địa phương về việc đánh giá, rút kinh nghiệm về cải cách thủ tục hành chính. “Bình Dương sẽ xây dựng chỉ số cải cách hành chính cụ thể, chi tiết và phấn đấu đạt thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thấp hơn bình quân chung của cả nước”, ông Nam tự tin.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư