Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận
Bình Thuận kêu gọi đầu tư 4 dự án lớn, quy mô vốn gần 400 triệu USD
Ngọc Tuấn - 13/09/2015 12:23
 
Ngày 12/9, tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia”. Hội nghị thu hút khoảng 300 đại biểu tham dự trong đó có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại hội nghị ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận đã giới thiệu tới các nhà đầu tư tiềm năng, cơ hội đầu tư, các dự án đầu tư và các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh. Bình Thuận là tỉnh Nam Trung bộ tiếp giáp với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Hệ thống giao thông liên vùng đang được cải thiện với nhiều dự án trọng điểm đã và sẽ được triển khai như Quốc lộ 1A, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Nha Trang, Sân bay Phan Thiết, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương giải đáp thắc mắc các nhà đầu tư ngay tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương giải đáp thắc mắc các nhà đầu tư ngay tại hội nghị

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận thì tỉnh có lợi thế trong phát triển các ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, may mặc, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ…Bình Thuận có tiềm năng phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản với gần 100 mỏ, khoáng sản đa dạng như than bùn, vàng, thiếc, vonfram, chì, kẽm, dầu khí…

Đặc biệt, tỉnh có trữ lượng lớn về quạng Titan (trên 500 triệu tấn) hàm lượng zincon cao. Công nghiệp năng lượng cũng là ưu thế để phát triển cả 3 loại hình nhiệt điện, thủy điện và phong điện. Bình Thuận được Chính phủ quy hoạch thành trung tâm năng lượng lớn. Ngoài ra, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với 192km bờ biển, hoang sơ, nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng. Bình Thuận còn là vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản với sản lượng lớn thuận lợi cho công nghiệp chế biến.

“Bình Thuận vận dụng chính sách thu hút đầu tư của Trung ương theo hướng vận dụng tối đa ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế, miễn tiền thêu đất… áp dụng khung giá thuận tốt nhất cho nhà đầu tư. Ngoài ra tỉnh còn có một số chính sách hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ tín dụng dành cho việc đào tạo nguồn lao động, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường”, ông Hòa phát biểu.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ký kết ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp tại Hội nghị
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ký kết ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp tại Hội nghị

Gần 3 giờ đối thoại, các nhà đầu tư đã trực tiếp đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Phần lớn các nhà đầu tư đánh giá cao về tiềm năng đầu tư, cơ chế chính sách ưu đãi, sự cởi mở  và thuận lợi khi đầu tư vào tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã thẳng thắn trao đổi và giải quyết tại chỗ nhiều thắc mắc của nhà đầu tư.

Ông Vũ Đình Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận, chủ đầu tư Dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung lũng Đại Dương có quy mô 1000 ha, tổng mức đầu tư lên đến 400 triệu USD, cho biết: Bình Thuận có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực du lịch. Hạ tầng giao thông, điều kiện tự nhiên, đất đai thuận lợi. Chính sách đầu tư thông thoáng là lý do Delta Valley quyết định chọn đầu tư dự án tạo đây.

Tỉnh Bình Thuận kêu gọi đầu tư 4 Dự án lớn quy mô vốn đầu tư gần 400 triệu USD
Tỉnh Bình Thuận kêu gọi đầu tư 4 dự án lớn quy mô vốn đầu tư gần 400 triệu USD

Hiện tại, tỉnh Bình Thuận khuyến khích xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với các dịch vụ giải trí, thể thao như casino, du thuyền, sân golf; xây khu du lịch điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng kết hợp dịch vụ spa, du lịch thể thao biển, thể thao trên đồi cát… Nhân dịp này, Bình Thuận kêu gọi đầu tư 4 dự án lớn gồm Khu tổ hợp Thương mại Dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né, Khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né, Khu du lịch suối khoáng nóng Tà Cú - Bưng Thị và Khu Du lịch Hàm Thuận - Đa Mi. Dự tính quy mô vốn đầu tư  4 dự án này gần 400 triệu USD.

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: đánh giá cao những nhận xét và góp ý của các nhà đầu tư. Tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc ngay sau hội nghị để tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp đã đầu tư và đang có ý định đầu tư vào tỉnh.  

Tới nay, Bình Thuận có 1.156 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 7 tỉ USD, trong đó 104 dự án có vốn nước ngoài với tổng vốn gần 1,7 tỷ USD đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã ký kết thỏa thuận đầu tư nhiều dự án lớn với các nhà đầu tư. Cụ thể, Liên doanh Rat Sokhorn Incorporation Co., Ltd (Campuchia) và Công ty Cổ phần Khoáng sản Hải Nam đăng ký đầu tư dự án Khu du lịch Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam – Campuchia; Tập đoàn Vincom ký thoả thuận đầu tư dự án Tổ hợp du lịch cao cấp; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đăng ký đầu tư xây dựng Nhà máy Phong điện Hòa Thắng 1 diện tích 15,5 ha, công suất 46 MW gồm 23 tổ máy tại huyện Bắc Bình; Công ty TNHH Doo Sung Vina đầu tư Nhà máy điện năng lượng mặt trời, công suất 30 MW tại huyện Tuy Phong, diện tích 45 ha, vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng; Công ty TNHH Thông Thuận đăng ký đầu tư Nhà máy chế biến sữa - Trồng cỏ chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại huyện Bắc Bình, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đăng ký đâu tư Trung tâm Quốc tế Khoa học, Công nghệ, Văn hóa, Du lịch và Giáo dục liên ngành với quy mô 500ha và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh cam kết triển khai đầu tư dự án Siêu thị Co.op Mart Lagi để đưa vào hoạt động kinh doanh trong quý 1 năm 2016.
Điều chỉnh một số dự án ODA tại Quảng Nam, Bình Thuận và Cà Mau
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh mục điều chỉnh các dự án ODA vay Italia trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường của các tỉnh: Quảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư