Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ chỉ số DDCI Quảng Ninh: Công cụ để chính quyền hiểu doanh nghiệp
Thanh Sơn - 13/10/2017 08:31
 
Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh triển khai đánh giá chất lượng năng lực điều hành địa phương và sở, ban, ngành của tỉnh thông qua Bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương (DDCI). Bộ chỉ số này đã trở thành một công cụ đắc lực cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong công tác xây dựng và điều hành một chính quyền năng động và phục vụ.
TIN LIÊN QUAN

Từ năm 2015, Tổ công tác PCI Quảng Ninh do ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm Tổ trưởng đã phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh triển khai sáng kiến xây dựng DDCI và được sự tư vấn từ các chuyên gia dự án PCI của VCCI. Khi đó, Bộ chỉ số này chỉ có 7 chỉ số thành phần cơ bản và được xây dựng dựa trên bộ chỉ số PCI của VCCI, nhưng đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại tỉnh Quảng Ninh.

Lễ vinh danh chất lượng lãnh đạo điều hành kinh tế xuất sắc tỉnh Quảng Ninh 2016. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Lễ vinh danh chất lượng lãnh đạo điều hành kinh tế xuất sắc tỉnh Quảng Ninh 2016. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Kết quả khảo sát DDCI năm 2015 của Quảng Ninh bước đầu đã ghi nhận phản ánh, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về những nỗ lực cải cách của các sở, ban ngành, địa phương và cả phản hồi liên quan đến chất lượng của Bộ chỉ số. Trên cơ sở đó, Bộ chỉ số DDCI 2016 đã được nghiên cứu, xây dựng với những tiêu chí mới so với bộ chỉ số thí điểm năm 2015. Đối tượng khảo sát năm 2016 gồm 29 cơ quan (tăng 16 cơ quan so với năm 2015; đối tượng lấy ý kiến đánh giá là trên 3.500 DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể (tăng hơn 200% so với 2015).

Đặc biệt, trong bộ phiếu đánh giá DDCI mới, Quảng Ninh đã bổ sung tiêu chí đánh giá trách nhiệm, xếp hạng của người đứng đầu từng địa phương và các sở, ngành. Đây cũng được xem là bước đột phá và quyết liệt trong triển khai DDCI năm 2016.

Để làm tăng tính khách quan cũng như sự chuyên nghiệp, Quảng Ninh đã lựa chọn một đơn vị tư vấn độc lập là Công ty TNHH Nghiên cứu và Phân tích Indochina Vietsurvey có kinh nghiệm hơn 10 năm trong điều tra PCI, thống kê và điều tra xã hội học để thực hiện việc khảo sát. Đồng thời, tỉnh cũng thành lập riêng một tổ giúp việc để triển khai kế hoạch khảo sát, điều tra đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương đặt tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) Quảng Ninh, gồm 3 thành phần: Đơn vị tư vấn, IPA và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm đảm bảo tính khách quan.

Kết quả khảo sát được đơn vị tư vấn độc lập đưa ra và phân tích cụ thể là cơ sở quan trọng để lãnh đạo tỉnh đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh. Những điểm đã được và chưa được đều được lượng hóa thông qua điểm số của từng chỉ số thành phần. Chẳng hạn, năm 2016 đã ghi nhận kết quả Cục Thuế là đơn vị có điểm số cao nhất với 81,77 điểm, trong đó có những chỉ số thành phần có điểm số cao nhất như Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Tính năng động của lãnh đạo, Hỗ trợ doanh nghiệp… Nhưng kết quả khảo sát cũng chỉ ra điểm yếu tồn tại của đơn vị này chính là Chi phí không chính thức khi chỉ xếp thứ 11/15 sở, ban, ngành được khảo sát.

Hay đơn cử như kết quả khảo sát về Tính minh bạch và tiếp cận thông tin của 14 địa phương cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc các thủ tục, phí và lệ phí được được niêm yết công khai tại hệ thống hướng dẫn. Tuy nhiên, hệ thống website của chính quyền địa phương vẫn là điểm yếu khi chỉ có dưới 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, thông tin hoặc các văn bản quy phạm pháp luật mới được cập nhật trên hệ thống website của chính quyền địa phương và có tới 42% doanh nghiệp chưa thể tìm kiếm thông tin trên website một cách dễ dàng.

 “Trong năm 2017, bộ phiếu lấy ý kiến về chất lượng điều hành của 21 sở, ban, ngành và 14 địa phương được chuẩn bị kỹ càng hơn về nội dung để doanh nghiệp dễ dàng cho ý kiến đánh giá. Chúng tôi còn chuẩn bị sẵn cả phong bì thư để doanh nghiệp sau khi cho ý kiến xong chỉ việc gửi lại, không mất thời gian để chuẩn bị như trước”, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng ban IPA Quảng Ninh cho hay.

Được biết, phiếu ý kiến năm nay được gửi đến 5.000 doanh nghiệp và tuy đến cuối tháng 10/2017 mới kết thúc đợt khảo sát, nhưng tới nay, đơn vị tư vấn đã nhận về 1.700 phiếu (năm 2016 là 900 phiếu). Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn rõ hiệu quả thực sự của Bộ chỉ số DDCI, bởi thông qua đó, ý kiến của doanh nghiệp được ghi nhận và phản ánh trung thực. Quan trọng hơn, ý kiến đó được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nghiêm lúc lắng nghe, nhìn nhận lại và có hành động cụ thể để thay đổi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư