Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bộ Công Thương hỗ trợ Bắc Giang tìm đầu ra cho nông sản
Thế Hải - 26/05/2021 13:35
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, sẽ đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang tìm cách tiêu thụ nông sản, trong đó có 180.000 tấn vải thiều niên vụ 2021
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Bấc Giang tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tìm đầu ra cho 180.000 tấn vải thiều niên vụ 2021.
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Bấc Giang tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tìm đầu ra cho 180.000 tấn vải thiều niên vụ 2021.

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương và Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang sáng ngày 25/5/2021, tìm cách hỗ trợ địa phương này tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: sẽ cùng Bắc Giang chặn đứt gãy chuỗi cung ứng các sản phẩm thiết yếu; phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời khôi phục sản xuất và tìm các kênh tiêu thụ nông sản...

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến: Vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ 20/5-10/6/2021; vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10/6-20/7/2021.

Do Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong muốn Bộ Công Thương ủng hộ tỉnh Bắc Giang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.

Theo đề nghị của ông Lê Ánh Dương: "Bộ Công Thương làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore...".

Trước đề nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương và các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp bảo đảm nguồn cung lưu thông thông suốt các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh và cung ứng nguyên liệu đầu và tiêu thụ các sản phẩm đầu ra.

“Bộ Công Thương cam kết sẽ làm hết sức trong chức năng nhiệm vụ của mình để giúp kết nối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Bắc Giang trong mọi hoàn cảnh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Bộ trưởng chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại cần chủ trì phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và các đơn vị liên quan tham mưu Lãnh đạo Bộ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở, ban ngành và các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản sản xuất, kinh doanh thực hiện hình thức thu mua, tiêu thụ online và sẽ nhận hàng tại các cửa khẩu.

Ngoài ra, cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các Vụ thị trường nước ngoài làm việc với các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương hướng hỗ trợ duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, xử lý vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa tại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa, nhất là thị trường Trung Quốc.

Các Vụ thị trường nước ngoài cũng phải khẩn trương huy động tối đa nguồn lực và sự vào cuộc của các Thương vụ nhằm hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương trên cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng, đặc biệt quả vải thiều niên vụ 2021. Ngoài các thị trường truyền thống, các Vụ thị trường nước ngoài cần mở rộng thêm các thị trường khác như thị trường có các loại nông sản ôn đới.

Đối với các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương xây dựng ngay các kịch bản và cũng đề xuất số lượng cụ thể, danh mục hàng hóa cụ thể, dịch vụ cần thiết, dự báo tình huống xấu hơn thì cần những dịch vụ hàng hóa gì là bao nhiêu. Từ đó, Bộ sẽ có căn cứ để cân đối và kết nối với các địa phương và các doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư