Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bộ Công thương mở chiến dịch kiểm tra kinh doanh online trên quy mô chưa từng có
Thế Hải - 05/10/2019 15:37
 
Chiến dịch thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh online của Bộ Công thương bắt đầu từ tháng 10/2019 và kéo dài đến hết năm 2020.
Chiến dịch kiểm tra kinh doanh online tập trung vào các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Chiến dịch kiểm tra kinh doanh online tập trung vào các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Bộ Công thương vừa phê duyệt kế hoạch kiểm tra các mặt hàng kinh doanh trên thương mại điện tử nhằm chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép sẽ là những mặt hàng nằm trong chiến dịch thanh tra, kiểm tra.

Đối tượng nằm trong Kế hoạch thanh tra, kiểm tra là các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Mục đích chính của Kế hoạch này nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đến hết năm 2020.

Đồng thời, xem xét, xử lý chuyển giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng tiến hành tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm, có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần.

Các địa bàn trọng điểm nằm trong chiến dịch kiểm tra là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Chiến dịch thanh, kiểm tra được bắt đầu từ tháng 10/2019 và kéo dài đến hết năm 2020.

Doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam có sự tăng trưởng thần tốc trong những năm gần đây. Nếu năm 2016 mới đạt 5 tỷ USD thì hết 2017 vọt lên 6,2 tỷ USD và chạm 8 tỷ USD vào cuối năm 2018, tăng gấp đôi 3 năm trước.

Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dù vậy, vấn nạn lớn của kinh doanh thương mại điện tử là hàng giả, hàng lậu, khi nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.

Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, nhưng đang có thực trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái và quản lý rất khó khăn.

Theo thông tin từ Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2018, có đến  77% tỷ lệ người tiêu dùng cho rằng sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo.

Doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ sớm chạm 10 tỷ USD
Dự kiến doanh thu từ thương mại điện tử doanh nghiệp – người tiêu dùng (B2C) sau 5 năm nữa (2020) sẽ chạm 10 tỷ USD, tăng trưởng 20%/năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư