Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Bỏ giá trần vé máy bay có thể gây hậu quả cho nền kinh tế
Nguyễn Lê - 19/06/2023 07:52
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi), sẽ được thông qua vào chiều 19/6.
.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định giá trần vé máy bay vẫn bảo đảm quyền chủ động của doanh nghiệp trong điều chỉnh giá.

Việc quy định giá trần vé máy bay trong Dự thảo Luật Giá sửa đổi, ngoài là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội thì còn xuất phát từ chính yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực hàng không dân dụng.

Lo người có thu nhập thấp khó tiếp cận các dịch vụ hàng không

Ngày 18/6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi), nội dung sẽ được thông qua vào chiều 19/6.

Trong các phiên thảo luận, giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là vấn đề được đại biểu quan tâm, trong đó có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Vì cho rằng có mâu thuẫn với nguyên tắc quản lý giá đặt ra tại các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, với Luật Hàng không dân dụng, với Luật cạnh tranh; mâu thuẫn trong Dự thảo Luật Giá… 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế, việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu, đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành thì trước mắt, Nhà nước vẫn cần công cụ quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa để góp phần ổn định thị trường.

Về lâu dài khi các loại hình giao thông phát triển đồng bộ, nhiều lựa chọn cho người dân sẽ tính toán quy định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa cho phù hợp.

Về tính tuân thủ các Nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc quy định giá trần hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 11-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII, theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Việc quy định giá trần bản chất là công cụ quản lý nhà nước về giá, bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường; không phải là việc lồng ghép chính sách xã hội như Hiệp hội hàng không đã nêu.

Việc quy định giá trần vẫn bảo đảm quyền chủ động của doanh nghiệp; hiện nay các hãng hàng không vẫn toàn quyền quyết định giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay; chỉ riêng giá vé máy bay hạng phổ thông thì có quyền quyết định giá cụ thể trên cơ sở không vượt giá trần.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu không quy định giá trần thì đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết giá. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé máy bay lên mức cao đối với hạng vé phổ thông, nhất là các dịp lễ, tết, mùa du lịch nhu cầu đi lại tăng cao, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người có thu nhập thấp khó có thể được tiếp cận các dịch vụ hàng không; làm tăng chi phí xã hội.

Việc này còn làm tăng chi NSNN (hiện nay nhiều cơ quan nhà nước hàng năm phải chi ngân sách khá lớn cho việc mua vé máy bay phục vụ nhu cầu công tác). Thực tế cho thấy, có những thời điểm (như dịp 30/4 - 01/5/2023 vừa qua) các hãng đã đồng loạt tăng giá vé máy bay gây tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch, tâm lý người dân. 

Bộ Giao thông vận tải đề xuất cần giữ quy định giá trần

Lý do cần giữ giá trần còn là, đây là vấn đề rất lớn, là thay đổi một chính sách quan trọng và theo quy định phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Trong khi Chính phủ không trình và không có Báo cáo đánh giá tác động thì hiện nay, chưa đủ căn cứ sửa đổi, có thể gây hậu quả cho xã hội và cho nền kinh tế, báo cáo nêu rõ. 

Đặc biệt, việc quy định giá trần trong Dự thảo luật ngoài là ý kiến của đa số đại biểu thì còn xuất phát từ chính yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực hàng không dân dụng. Cụ thể là, trên cơ sở đánh giá thực tiễn các năm qua, khi tổng kết Luật Hàng không dân dụng, tại Báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải đã đánh giá và đề xuất cần giữ quy định giá trần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh. 

Cơ quan xây dựng báo cáo khẳng định, việc quy định giá trần là đủ cơ sở pháp lý theo Luật Cạnh tranh và Luật Giá. Mặc dù thị trường không còn độc quyền như trước đây do có 6 hãng hàng không khai thác các tuyến nội địa , tuy nhiên, trên thực tế vẫn do 3 hãng hàng không lớn nắm giữ phần lớn thị phần là: Vietnam Airlines với khoảng 35%; Vietjet Air với khoảng 40%; Bamboo Airway với khoảng 16%.

Đối chiếu với Điều 24 Luật Cạnh tranh thì: 1 doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh thị trường khi chiếm từ 30% thị phần trở lên; nhóm 2 doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh khi chiếm từ 50%; Nhóm 3 doanh nghiệp khi chiếm từ 65% thị phần trở lên. Như vậy, Vietnam Airlines, Vietjet Air đều là doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh và nhóm 3 doanh nghiệp bao gồm cả Bamboo Airways là nhóm có vị thế thống lĩnh thị phần dịch vụ hàng không nội địa (chiếm tới 91% thị phần). Đối chiếu theo khoản 2 Điều 3, Điều 24 và Điều 27 của Luật Cạnh tranh thì có thể khẳng định thị trường này có tính cạnh tranh hạn chế và cần thiết có trách nhiệm kiểm soát của Nhà nước. Như vậy, việc Nhà nước quy định giá trần là hoàn toàn phù hợp với tiêu chí Luật định.

Thứ 2, quy định về giá trần hoàn toàn không mâu thuẫn với Khoản 2 Điều 116 Luật Hàng không dân dụng vì Điều 73 của Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 116 của Luật Hàng không dân dụng, theo đó quy định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về giá để bảo đảm nhất quán giữa 2 luật.

Việc quy định khung giá hiện nay vẫn tạo cơ hội đa dạng hóa loại hình dịch vụ; bảo đảm tính hấp dẫn; đáp ứng sự lựa chọn dịch vụ cao cấp của khách hàng ở các phân khúc khác nhau.

Vẫn theo báo cáo, việc quy định giá trần không mang tính cố định, nếu cần thiết thì Chính phủ (ở đây là Bộ Giao thông vận tải) có thể quy định giá trần ở mức hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại từng giai đoạn, từng thời điểm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các hãng hàng không có quyền đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh chứ không có nghĩa là phải sửa Luật. 

Trần giá vé vận chuyển hành khách hàng không nội địa: Giữ hay buông?
Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vẫn bảo lưu quan điểm cần tiếp tục duy trì dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư