Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Bộ Ngoại giao nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngoại giao cho các địa phương
Báo Đầu tư Online trân trọng giới thiệu bài viết của ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao về nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngoại giao cho các địa phương.

Sự phát triển năng động của các địa phương là biểu hiện sống động sự phát triển của đất nước, là động lực và nền tảng quan trọng duy trì và thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho toàn bộ nền kinh tế.

Triển khai đường lối, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước thời kỳ đổi mới, mở cửa, Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương Việt Nam nâng cao năng lực tổng hợp, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thương mại quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực văn hóa - du lịch, giáo dục - khoa học công nghệ, lao động…, góp phần thành công vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm an ninh chính trị và an toàn xã hội, nâng cao vai trò của địa phương nói riêng và đất nước nói chung trên trường quốc tế.

Trong nỗ lực hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đối ngoại cho các địa phương được Bộ Ngoại giao hết sức coi trọng trên tinh thần quán triệt tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Với mục tiêu hỗ trợ nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác đối ngoại ở các địa phương kịp thời, hiệu quả, các chương trình hỗ trợ đào tạo cán bộ của Bộ Ngoại giao dành cho các địa phương được triển khai rất đa dạng.

.
Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.

Về phương thức, bên cạnh các chương trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, có lộ trình theo Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương” của Chính phủ (đã thực hiện thành công giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020, Thủ tướng Chính đã đã ký Quyết định số 1275/QĐ-TTg ngày 19/8/2020 phê duyệt Đề án giai đoạn 2021-2025), rất nhiều chương trình ngắn hạn, chuyên đề chất lượng cao được các đơn vị Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức thường xuyên, bám sát chỉ đạo của Trung ương và nhu cầu chung của các địa phương.

Ví dụ riêng năm 2019, Bộ Ngoại giao chủ trì và phối hợp tổ chức 3 khóa đào tạo ở nước ngoài và 61 lớp đào tạo trong nước cho 8.534 lượt lãnh đạo, cán bộ địa phương trên cả nước, gồm 33 khóa bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, 2 lớp tập huấn thành tra chuyên ngành, 6 lớp cập nhật kiến thức về hội nhập quốc tế và 15 hội thảo, tọa đàm theo yêu cầu của các địa phương về Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Luật pháp quốc tế, Lãnh sự và bảo hộ công dân... và Hội nghị chuyên đề khác. 

Về đối tượng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ Ngoại giao ý thức sâu sắc rằng “cán bộ đối ngoại” ở các địa không bó hẹp ở các cán bộ chuyên trách tại Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ trực thuộc UBND tỉnh/thành phố, mà trước hết chính là các đồng chí lãnh đạo địa phương, các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành cũng như các đồng chí tham mưu và phụ trách công tác đối ngoại ở các sở, ban chuyên ngành khác trong tỉnh.... Chính vì thế,  Bộ Ngoại giao luôn lưu ý các đơn vị đào tạo xác định đủ và đúng đối tượng tham dự để chuẩn bị nội dung các chương trình bồi dưỡng kiến thức và đào tạo kỹ năng tại địa phương không chỉ đảm bảo yêu cầu chính trị, chuyên môn mà phải đáp ứng trúng và đúng quan tâm của học viên.

Trong 2 năm 2018-2019, Bộ Ngoại giao đã chủ trì và phối hợp tổ chức 29 lớp dành cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt các địa phương, phần lớn theo yêu cầu của các địa phương, trong đó có chương trình đào tạo – đối thoại “Phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập” do Bộ Ngoại giao chủ trì, Đại học Fullbright tham gia giảng dạy dành cho lãnh đạo nữ các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, trong đó có 35 đồng chí Lãnh đạo nữ công tác tại Tỉnh ủy, HĐND, UBND từ 28 tỉnh được đánh giá rất cao.

Về đội ngũ giảng viên và báo cáo viên, Bộ Ngoại giao tích cực phát huy thế mạnh trong việc huy động các giảng viên, báo cáo viên là những chuyên gia đầu ngành của Bộ cùng mạng lưới chuyên gia, giảng viên, báo cáo viên dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, văn hóa đối ngoại, luật pháp quốc tế... đến từ các cơ quan, ban ngành Trung ương trong nước và các Viện nghiên cứu, trường Đại học có uy tín ở nước ngoài. Đối với bồi dưỡng ngoại ngữ, biên phiên dịch đối ngoại, tất cả các giảng viên đều là các biên phiên dịch cấp cao cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kết hợp các giảng viên người bản xứ có trình độ sự phạm và kiến thức chuyên sâu phù hợp. 

Cuối cùng, về nội dung bồi dưỡng, với bề dày nghiên cứu, đào tạo và cọ sát thực tế, Bộ Ngoại giao có những bài giảng và chương trình rất sống động về tất cả các chủ đề các địa phương quan tâm: tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; tình hình thế giới, khu vực và chính sách đối ngoại của Việt Nam; hội nhập quốc tế và ngoại giao kinh tế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; kinh nghiệm vận động ODA và FDI tại địa phương; công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại tại địa phương; ngoại giao văn hóa - công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại địa phương; công tác đối ngoại nhân dân tại địa phương; công tác vận động, quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại địa phương; công tác người Việt Nam ở nước ngoài và vận đồng kiều bào; công tác biên giới lãnh thổ; công tác lãnh sự và bảo hộ công dân; lễ tân Ngoại giao; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại... Về ngoại ngữ, với tiếng Anh thực hành, có các lớp đào tạo về soạn thảo văn bản, văn kiện đối ngoại chuyên sâu cũng như tiếng Anh giao tiếp đối ngoại; đàm phán đối ngoại nâng cao bằng tiếng Anh...  Ngoài ra còn có các lớp biên phiên dịch tiếng Anh, Pháp, Trung, Lào và Khmer và một số ngoại ngữ khác theo yêu cầu cụ thể của địa phương.

Tổng kết 10 năm thực hiện công tác hỗ trợ đào tạo cán bộ làm công tác đối ngoại tại các địa phương nói chung và Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương” của Chính phủ nói riêng, sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao trong việc nâng cao chất lượng cán bộ nhận được đánh giá cao của các địa phương trong cả nước, với những kết quả rất khả quan. Hầu hết kế hoạch đề ra được hoàn thành: 100% lãnh đạo cơ quan ngoại vụ hàng năm được trang bị, cập nhật kiến thức nâng cao về đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng; 100% công chức, viên chức ngoại vụ địa phương được trang bị kiến thức, nghiệp vụ ngoại giao cơ bản; 100% công chức, viên chức (theo phân công nhiệm vụ chuyên môn) được trang bị kiến thức đối ngoại nâng cao và nghiệp vụ ngoại giao chuyên môn như: lãnh sự, lễ tân và tổ chức sự kiện đối ngoại, thông tin báo chí, văn hóa đối ngoại... và các kỹ năng như: đàm phán, soạn thảo văn bản đối ngoại, xúc tiến hợp tác đầu tư nước ngoài. 

Tình hình thế giới và khu vực có sự thay đổi nhanh chóng, công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng đòi hỏi sự vào cuộc nhanh không chỉ ở Trung ương mà đặc biệt là tính chủ động, sáng tạo, năng động của địa phương, trong đó nòng cốt là đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Vì vậy, công tác bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ đối ngoại tại địa phương cần được tiếp tục duy trì, đẩy mạnh và không ngừng được cải thiện.

Để đạt mục tiêu to lớn ấy, chúng ta cần nhận thức những khó khăn phải đối mặt bao gồm việc: đại đa số công chức, viên chức làm công tác đối ngoại tại địa phương không được đào tạo chuyên ngành quan hệ quốc tế, mặt bằng về trình độ không đồng đều, kinh nghiệm khác nhau; tần suất hoạt động đối ngoại, yêu cầu công tác đối ngoại còn khác biệt giữa các thành phố lớn với các địa phương, giữa các tỉnh có đường biên với các tỉnh vùng sâu; khả năng ngoại ngữ chuyên sâu của công chức viên chức mặc dù đã được chú trọng hơn nhưng vẫn còn hạn chế do thiếu cơ hội cọ sát...

Để khắc phục những khó khăn thách thức ấy, cần không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng các khóa bồi dưỡng; cải tiến, đổi mới phương thức, nội dung và chương trình bồi dưỡng theo hướng đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, tăng cường tính thực tiễn; bám sát nhu cầu đối ngoại của các tỉnh, thành trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Các chương trình bồi dưỡng, đào tạo cần được thiết kế có cân nhắc đặc thù của từng vùng miền, từng khu vực và cũng phù hợp với từng đối tượng theo vị trí việc làm và theo đặc điểm địa phương (như các tỉnh biên giới); tập trung xây dựng, tuyển chọn đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, trọng dụng các cán bộ có nhiều kinh nghiệm công tác, các chuyên gia đầu ngành của Bộ Ngoại giao, của Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và một số Bộ, ban, ngành khác, các giảng viên thỉnh giảng có kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế có uy tín, các chuyên gia ngôn ngữ nước ngoài.

Với tâm huyết và nhận thức đầy đủ về vai trò của các đồng nghiệp làm công tác đối ngoại tại các địa phương của tập thể Lãnh đạo và các đơn vị của Bộ Ngoại giao, với sự quan tâm và nỗ lực của các địa phương, chúng ta có thể tin tưởng rằng các chương trình hợp tác bồi dưỡng, đào tạo về  công tác đối ngoại mà Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại các địa phương trên cả nước trong thời gian tới sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của Đảng và Chính phủ cũng như quan tâm và nhu cầu của các địa phương; phục vụ tích cực hơn cho công cuộc phát triển và bảo vệ tổ quốc của chúng ta.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư