Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Công thương: Đẩy nhanh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Thế Hải - 10/12/2023 11:56
 
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc gia tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng 2 nước, cần tăng tốc xuất khẩu chính ngạch, giảm tiểu ngạch để có thương mại bền vững.
Bộ trưởng Công Thương: Cần sớm chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị sớm chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo hàng loạt nội dung nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại với thị trường tỷ dân tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Mỹ), và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất . Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Trong ASEAN, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc.

Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Hoạt động về kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động thương mại biên giới nói riêng sôi động trở lại, nhiều cửa khẩu hoạt động trở lại như trước khi có đại dịch Covid-19.

Số liệu của Bộ Công thương, 11 tháng 2023,  xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 155,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 56 tỷ USD, tăng 6,2%, nhập khẩu 99,7 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc 43,6 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 56 tỷ USD, đây là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.

Khẳng định, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu trong thời gian qua, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vẫn chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế, khi xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định; hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại".

Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch, thực hiện tốt Đề án Xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.

Để đẩy nhanh xuất khẩu chính ngạch, Bộ trưởng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đàm phán với phía bạn sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản có thế mạnh của Việt Nam, đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh.

Với Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan, đề nghị tiếp tục phối hợp các tỉnh biên giới trong việc triển khai xây dựng, áp dụng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động thông quan xuất nhập khẩu,  nâng năng lực thông quan, đáp ứng được nhu cầu về thương mại biên giới.

Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400 km, trong đó có 383,914 km đường biên giới đi theo sông suối, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Quảng Tây và Vân Nam đều là thị trường truyền thống, đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với 07 tỉnh biên giới phía Bắc mà đối với tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ 2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư