Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Ô tô không được giảm thuế VAT 2% vì không là hàng thiết yếu
Khánh Linh - 01/06/2023 21:24
 
Cuối buổi làm việc chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc đã giải trình với các đại biểu Quốc hội về đề xuất chính sách giảm thuế VAT 2%.

Đại biểu đề nghị kéo dài, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng 6 tháng là phù hợp

Trong 2 ngày thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách, phần lớn các ý kiến liên quan đến chính sách giảm thuế VAT 2% đều có chung đề xuất kéo dài thời gian áp dụng từ 6 tháng, lên 1 năm, thậm chí có ý kiến kéo dài ít nhất đến hết năm 2024.

Trong buổi làm việc chiều 1/6, với phần nội dung thảo luận về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, các đại biểu tiếp tục đề nghị kéo dài chính sách này.

Đại biểu Trần Chí Cường, đoàn TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội trường, chiều 1/6

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội cho rằng, giảm thuế giá trị gia tăng là một giải pháp mà tôi nghĩ là nhằm vào cả 2 đối tượng, một là khoan sức dân, làm cho người dân bớt khó khăn và thứ hai là tác động ngay vào thị trường của các doanh nghiệp, nên các đại biểu đều nhất trí rất cao là chúng ta nên tiếp tục thực hiện chính sách này.

"Tôi đề nghị là tiếp tục giảm 2% nhưng cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ và tôi đề nghị là thời gian ít nhất đến hết năm 2024, ít nhất là 1,5 năm nữa, sau đó chúng ta quy định một số điều kiện để có thể có tự động gia hạn mà không cần phải trình ra Quốc hội. Cách này sẽ giúp cho các doanh nghiệp và giúp cho người dân, có thể nó sẽ thúc đẩy cho thị trường của chúng ta và nó tạo nên một niềm tin đối với thị trường', đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.

Đại biểu Trần Chí Cường, đoàn TP. Đà Nẵng một mặt đồng tình, một mặt lo ngại chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi. "Tôi đề nghị kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024, chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ và đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất', đại biểu Cường phát biểu.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình chi tiết về phương án 6 tháng mà Chính phủ trình Quốc hội, đã được thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

“Có 3 lý do. Một là, phù hợp với hiệu lực của Nghị quyết 43, đến hết năm nay, tức là 6 tháng nữa. Hai là, phù hợp với cân đối ngân sách. Ba là, kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Tài chính bảo vệ quan điểm chỉ áp dung chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023, tính từ 1/7 nếu được thông qua vào kỳ họp này.

Không đưa ô tô vào diện giảm thuế VAT 2%, nhưng có chính sách khác

Cũng liên quan đến chính sách giảm thuế VAT 2%, đề nghị bổ sung thêm ô tô, Bộ trưởng cho biết, ô tô chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43, nên không đưa ô tô vào diện giảm thuế VAT 2%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội, chiều 1/6

Ông cũng cho biết, liên quan đến ô tô, Bộ Tài chính đã trình với Chính phủ và Chính phủ đồng thuận với kiến nghị là giảm 5% thuế trước bạ sản xuất ô tô trong nước.

“Bây giờ phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế và doanh nghiệp sản xuất. kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo ra một thị trường tốt hơn là vấn đề giảm thuế. Giảm thuế nhưng không có phát sinh thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn.

Trước đó, cùng trong phiên làm việc chiều 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương đề nghị rà soát và cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ. Mục tiêu là để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo duy trì nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này.

Lý giải về đề xuất này, bà Nga viện dẫn phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, về tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí bảo dưỡng sản phẩm, doanh thu sụt giảm, kéo theo là dòng tiền bị tê liệt dẫn tới mất cân đối thu, chi, hoạt động kinh doanh không hiệu quả...

“Rất cần có chính sách mới được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ tình trạng này, trong đó có thể áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe ô tô dưới 24 chỗ”, bà Nga đề xuất.

Bà cũng tính rằng, một chiếc xe ô tô tầm trung nếu giảm 2% thuế VAT với mỗi xe bán ra thì Nhà nước sẽ giảm thu thuế từ 10 đến 15 triệu đồng, tuy nhiên với một chiếc xe này được bán ra thì doanh nghiệp đã đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 200 triệu đến 300 triệu đồng, vì ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại phí như thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ và các loại thuế, phí khác...

Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế VAT đồng bộ để gỡ nút thắt cho nền kinh tế
Tổng cầu suy giảm, sức mua yếu nên cần giảm thuế VAT đối với tất cả các mặt hàng để chính sách được phát huy hiệu quả tối đa, theo các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư