Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 04 tháng 12 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ ra những điều Quảng Ninh cần làm ngay để du lịch bứt phá
Thu Lê - 17/03/2023 11:50
 
Sáng ngày 17/3, dự Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023, Bô trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có những góp ý rất tâm huyết với tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh có vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch Việt Nam

Hội nghị phát triển du lịch của Quảng Ninh được tổ chức chỉ sau 2 ngày so với Hội nghị toàn quốc về du lịch 2023 “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” ngày 15/3/2023.

“Điều này thể hiện sự chủ động, quyết tâm cũng như mong muốn thực chất của Quảng Ninh trong việc tìm kiếm những giải pháp để phát triển du lịch của tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá.

Quảng Ninh là địa phương có vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định: “…phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới”.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội n ghị. Ảnh:Thu Lê.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội n ghị. Ảnh:Thu Lê.

Còn tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã xác định “Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á... và tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới”.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định Quảng Ninh là một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của cả nước. Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt cũng đã đặt mục tiêu đưa “Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn; là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, đón khách quanh năm, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế”...

Theo đánh giá của Bộ trưởng, trong thời qua, con đường đi của ngành du lịch Quảng Ninh là khoa học, bài bản. Ngay từ năm 2013, Quảng Ninh đã triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Tập đoàn BCG (Hoa Kỳ) tư vấn, làm nền tảng cho công tác hoạch định chính sách, thu hút đầu tư vào du lịch. Năm 2016 ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ về lĩnh vực du lịch; năm 2018 ban hành Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những thành tự trong phát triển du lịch của Quảng Ninh cũng rất nổi bật. Năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đứng top 3 địa phương đón nhiều khách quốc tế nhất, chỉ sau TP HCM và Hà Nội, đứng thứ 8 toàn quốc về lượng khách nội địa. Về chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam (được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương), Quảng Ninh xếp hạng 2 sau Đà Nẵng. 

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Ngành du lịch Quảng Ninh đạt được những thành tự này không phải là tự nhiên mà có được, đó là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ trong thời gian dài. Quảng Ninh đã trăn trở, tìm lời giải cho hai câu hỏi lớn, đó là: Làm gì để thu hút du khách đến Quảng Ninh? Và vì sao du khách đến với Quảng Ninh? Nhờ cách tiếp cận này mà du lịch Quảng Ninh đã phát triển mạnh mẽ và trở thành 1 trong những đầu tàu du lịch quan trọng của quốc gia.

"Những việc cần làm ngay"

Quảng Ninh hấp dẫn du khách bởi có Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới và khu di tích danh thắng Yên Tử, nơi phát sinh trường phái Trúc Lâm với Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hiện tại, Quảng Ninh đang phối hợp cùng Hải Dương, Bắc Giang xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng “Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” là di sản thế giới.

Song Quảng Ninh cũng đang gặp khó khăn khi phải giải quyết bất cập giữa khai thác than và phát triển du lịch. Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khắc phục tính “mùa vụ” đặc trưng của du lịch phía Bắc nói chung, Quảng Ninh nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá của tỉnh. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh vẫn còn hạn chế; độ nhận diện thương hiệu chưa cao; khách quốc tế mới chủ yếu biết tới Quảng Ninh qua Vịnh Hạ Long. Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đã đạt một số kết quả nhưng còn khiêm tốn so với khả năng, nguồn lực của Tỉnh. Thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có khoảng cách lớn giữa dịch vụ du lịch tại thành phố Hạ Long và các địa phương khác của Tỉnh...

Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh được tổ chức chỉ sau 2 ngày so với Hội nghị ... Ảnh: THu Lê.
Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 được tổ chức chỉ 2 ngày sau Hội nghị toàn quốc về Du lịch 2023. Ảnh: Thu Lê.

Đóng góp rất thẳng thắn và tâm huyết để Quảng Ninh có thể phát triển du lịch tốt hơn nữa, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tỉnh cần có định hướng mới, phù hợp tình hình, theo hướng "Sản phẩm du lịch phải đặc sắc, chất lượng cao, điểm đến an toàn, thân thiện" dựa trên ba trụ cột: (1) Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; (2) Các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của dân tộc; (3) Bản sắc văn hóa độc đáo của 22 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn Tỉnh.

Phải xây dựng và định vị cho được thương hiệu, bộ nhận diện và trả lời cho được câu hỏi “Vì sao phải đến Quảng Ninh”. Trong đó, một số việc cần làm ngay.

Đầu tiên là thông điệp, bộ nhận diện thương hiệu, slogan của tỉnh Quảng Ninh là gì? “Chúng ta có “Nụ cười Hạ Long” từ 2014, “Hạ Long- di sản, kỳ quan - điểm đến thân thiện” khi Quảng Ninh đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2018 nhưng hiện tại vẫn chưa có thông điệp, bộ nhận diện, slogan? Đề nghị tỉnh quan tâm hoàn thiện sớm nội dung này để chúng ta có thể xây dựng phát triển thương hiệu ổn định trong 5- 10 năm tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việc xây dựng thương hiệu du lịch của Quảng Ninh cũng cần phải gắn với chuyển đổi số, để có thể sử dựng những công cụ xuyên biên giới. Quảng Ninh phải xây dựng và làm mới Website du lịch Quảng Ninh. Hiện tại trang tin du lịch Quảng Ninh ở địa chỉ du lịch.quangninh.gov.vn, halongtourism.com.vn. Phải làm sao để nâng cao được lượng truy cập vào web của sở, đặc biệt là du khách quốc tế.

Quảng Ninh cần thiết lập văn phòng đại diện du lịch tại các địa phương trọng điểm, các quốc gia về du lịch, liên kết với các trung tâm xúc tiến du lịch tại các địa phương đó để quảng bá du lịch Quảng Ninh. Trong đó, các doanh nghiệp phải cùng tham gia vào.

Quảng Ninh xem xét phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng môi trường du lịch Quảng Ninh an toàn, thân thiện” để mỗi người dân trở thành một đại sứ du lịch cho tỉnh.

Đối với việc xây dựng các sản phẩm mới, đặc sắc và làm mới các sản phẩm truyền thống của tỉnh, những phải tạo được sự đặc trựng, đặc sắc riêng của tỉnh Quảng Ninh....

Du khách nước ngoài trải nghiệm du thuyền trên vịnh Hạ Long.
Du khách nước ngoài trải nghiệm du thuyền trên Vịnh Hạ Long.

“Nhưng làm gì thì làm, Quảng Ninh phải thực hiện cơ cấu lại được thị trường, để phân loại, chia nhóm đối tượng khách. Từ đó mới có hướng tiếp cận cụ thể, để tạo ra các dòng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng, nhóm khách”, Bộ Trường Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong việc định hướng và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát triển du lịch để du lịch Quảng Ninh sớm thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp quan trọng vào sự phát triển du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Khách Trung Quốc bắt đầu đến Việt Nam: Cơ hội với ngành du lịch
Kỳ vọng sớm phục hồi thị trường du lịch quốc tế lại đến với ngành du lịch khi từ hôm nay (15/3), Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư