Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cải thiện visa và phát triển kinh tế đêm: “Chìa khóa” để du lịch phục hồi
Hồ Hạ - 16/03/2023 11:35
 
Nới lỏng chính sách visa, quảng bá, xúc tiến hiệu quả và phát triển kinh tế đêm… là những giải pháp sẽ tạo đột phá giúp ngành kinh tế xanh tăng tốc trong thời gian tới.
Du lịch Việt Nam dù mở cửa sớm so với các nước trong khu vực, nhưng thu hút khách quốc tế chưa nhiều
Du lịch Việt Nam dù mở cửa sớm so với các nước trong khu vực, nhưng thu hút khách quốc tế chưa nhiều

 “Thắng một nước cờ, nhưng thua cả ván”

Hôm qua (15/3/2023), tròn 1 năm Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ hoạt động du lịch. Ngày này năm ngoái, Việt Nam nằm trong danh sách những nước mở cửa sớm nhất khu vực và được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là có chính sách cởi mở nhất. Nhưng đến hết năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế. Thậm chí, Việt Nam còn nằm trong nhóm chậm phục hồi du lịch quốc tế, trong khi các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, có nước vượt mục tiêu đề ra.

Năm 2023 vẫn đầy rẫy khó khăn, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Hai tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 1,8 triệu lượt, gần bằng 1/4 lượng khách mục tiêu của cả năm 2023, nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, khi Covid-19 chưa xuất hiện.

Để có những thông tin hữu ích cho ngành du lịch và các cơ quan ban hành chính sách, Báo Đầu tư sẽ tổ chức Tọa đàm Hiến kế hút khách quốc tế vào lúc 8 giờ, ngày 22/3, tại trụ sở Báo (47 - Quán Thánh, Hà Nội). Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước để bàn về thực trạng, giải pháp đưa du lịch Việt Nam sớm phục hồi như trước đại dịch, thu hút nhiều hơn khách quốc tế.

Mổ xẻ nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng, PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về nguyên nhân chủ quan, khi mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch ngày 15/3/2022, các thị trường truyền thống, chiếm tỷ trọng khách đến Việt Nam rất lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga đều chưa mở cửa hoặc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị cho việc đón du khách nước ngoài vào Việt Nam, từ chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch gồm “thực, trú, hành, lạc, y” (ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe) đều kém xa so với thời điểm đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Nguyên nhân khác là do công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam chưa tới. Đặc biệt, chính sách thị thực của Việt Nam chưa hấp dẫn. 

Về nguyên nhân khách quan, ông Phạm Hồng Long phân tích: “Bản thân chúng ta không lường hết được sự ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến khủng hoảng toàn cầu về năng lượng, lạm phát leo thang, khiến chi tiêu của du khách trên phạm vi toàn thế giới bị suy giảm. Khách nước ngoài hạn chế những chuyến đi du lịch có quãng đường xa để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại của khách du lịch sau đại dịch vẫn còn, đặc biệt là khi đến những quốc gia như Việt Nam, họ lo lắng hệ thống y tế không được tốt”.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Công Năng, CEO Wondertour ví von, việc phục hồi thị trường du lịch quốc tế của ngành du lịch Việt Nam là “thắng một nước cờ, nhưng thua cả ván cờ”.

CEO Wondertour bổ sung thêm nguyên nhân, khi mở cửa du lịch, lúc nhu cầu cao, đáng lẽ Việt Nam cần đưa các tour du lịch chất lượng, giá cao, thì lại để hớt váng thị trường, gần như ngay lập tức, các công ty du lịch, khách sạn đồng loạt tung ra các chương trình du lịch giá thấp mang tính “giải tỏa”. Bên cạnh đó, lượng lớn các công ty du lịch chuyên inbound sau thời gian dài tăng trưởng âm đã rút lui khỏi thị trường hoặc yếu vốn để đầu tư trở lại. Có lẽ kịch bản sẽ tốt hơn nếu được “giải cứu kịp thời”. Một số lý do nội tại khác như số chuyến bay thương mại đến Việt Nam còn ít, vé và giá tour của Việt Nam khá cao (hơn 30%) so với khu vực.

 Gỡ điểm nghẽn visa và phát triển kinh tế đêm

Một điểm nghẽn lớn khiến “dòng chảy” khách quốc tế đến Việt Nam còn nhỏ giọt được các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra là mức độ mở cửa về thị thực cho khách quốc tế còn rất hạn chế so với các quốc gia trong khu vực.

Hiện Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thực hiện cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia, nhưng chỉ có 34 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Đây thực sự là một “rào cản” đối với ngành kinh tế xanh.

Số liệu Báo cáo xếp hạng Chỉ số Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) năm 2021 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố đã chỉ ra một số điểm yếu của Việt Nam như độ mở cửa du lịch (hạng 69), hạ tầng du lịch (hạng 86), mức độ ưu tiên cho du lịch (87) và môi trường bền vững (94). Điều đó cho thấy, mức độ mở cửa du lịch liên quan đến visa, hộ chiếu hay các thủ tục hành chính, thủ tục mềm để vào Việt Nam còn hạn chế.

Trong khi đó, từ trước Covid-19, nhiều nước đã dùng các chính sách đòn bẩy khác nhau liên quan đến thị thực. Đơn cử, tại ASEAN, từ năm 1996, Chương trình “Silver Hair Programme” (Chương trình Tóc bạc) cho du khách ở độ tuổi nghỉ hưu với thời hạn visa lên tới 10 năm, được Bộ Du lịch Malaysia quảng bá rầm rộ. Năm 2002, chương trình này đổi thành “Malaysia My Second Home”, mở rộng cho đối tượng từ 21 tuổi trở lên. Sau Covid-19, để thu hút các “ông trùm toàn cầu”, Malaysia đã ban hành chính sách thị thực đặc biệt với thời hạn đến 20 năm khi đáp ứng đủ các điều kiện về thu nhập. Chính sách visa trên đã thu hút những dòng khách nhà giàu đến với nước này. Malaysia hiện miễn visa cho công dân 162 quốc gia. Năm 2019, nước này đón hơn 26 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2022, ngành du lịch Malaysia đón hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi Việt Nam.

Singapore miễn visa cho công dân 162 nước, công dân của những nước còn lại có thể xin e-visa nhanh chóng với đa dạng các loại hình từ ra vào 1 lần đến nhiều lần trong thời hạn 2 năm, thời gian lưu trú lên đến 90 ngày và có thể tiếp tục gia hạn thêm từ 30 đến 89 ngày. Gần đây, Singapore còn công bố chính sách “Visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn 5 năm, kèm theo quyền được lao động tại quốc gia này. Chính sách thị thực thông thoáng giúp tỷ lệ phục hồi du lịch năm 2022 của Singapore xấp xỉ 30%, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam là 18,1%.

Trong khi đó, Thái Lan đã nới rộng thời gian lưu trú đến 45 ngày cho công dân 65 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia. Ngay cả quốc gia đa phần người dân theo đạo Hồi như Indonesia cũng miễn visa cho 169 quốc gia. Đây là những nỗ lực thiết thực để các quốc gia này tận dụng cơ hội vàng, nhanh chóng hồi sinh ngành du lịch hậu Covid-19.

“Những con số trên cho thấy, Việt Nam cần phải cải tổ chính sách visa rất nhiều. Một số doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng, sau Covid-19, nhiều du khách có nhu cầu đến Việt Nam trên 18 ngày, nhưng vì chúng ta chỉ miễn visa 15 ngày nên họ rút ngắn hành trình đến Việt Nam xuống còn khoảng 7 - 9 ngày, hoặc chọn một điểm đến khác để trải nghiệm kỳ nghỉ mà không phải mất nhiều thời gian cho thủ tục visa. Tôi cho rằng, điều cốt yếu để hấp dẫn du khách quốc tế hiện nay là phải ngay lập tức có những thay đổi về chính sách visa”, ông Phạm Hồng Long nói.

Theo ông Long, Việt Nam cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa (các nước ở châu Âu, Australia, New Zealand, Canada), kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam. Thậm chí, với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italia, Thụy Sỹ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… có thể tăng số ngày lưu trú của họ lên 3 tháng, vì khách càng ở lâu càng chi nhiều tiền. Việc cấp visa điện tử cũng cần được mở rộng cho tất cả các quốc gia với một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng. Thủ tục visa tại chỗ cũng cần phải được quan tâm triển khai để tạo sự thuận tiện cho du khách.

Bên cạnh chính sách visa, ông Long cho rằng, Việt Nam cần quan tâm mở văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài. Trước dịch, chúng ta mở một văn phòng đại diện ở Anh, nhưng có lẽ vì Covid-19 nên văn phòng này đã không còn hoạt động. Trong khi đó, “đối thủ” trực tiếp của chúng ta là Thái Lan hiện có tới 29 văn phòng đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở 3 châu lục lớn gồm: 18 văn phòng đại diện ở châu Á; 8 văn phòng ở châu Âu và 3 ở Bắc Mỹ. Họ cũng có văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Còn Malaysia có 35 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, Singapore có 23 văn phòng và Hàn Quốc có 31 văn phòng.

Về chi phí xúc tiến, quảng bá du lịch, Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác này, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, bằng 2,5% của Singapore và bằng 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia. Số tiền ít ỏi buộc chúng ta phải quan tâm dến những thị trường tiềm năng nhất để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến. Thời gian tới, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cần hoạt động tích cực và hiệu quả hơn cho công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Một đề xuất được nhiều chuyên gia và người hoạt động trong ngành du lịch nêu ra là cần phát triển kinh tế đêm. Đây là điều cần thiết để níu chân và tăng mức chi tiêu của du khách, bởi lẽ ban ngày du khách sẽ đi tham quan, còn ban đêm họ chủ yếu tiêu xài các dịch vụ ăn uống, giải trí và có xu hướng mua sắm nhiều hơn.

“Ngành du lịch Việt Nam nên tư duy giống như người Bắc Ninh, là mời khách đến nhà. Ngoài têm trầu cánh phượng, pha trà mời khách, thì không gian nhà cổ, tấm áo tứ thân, nón quai thao cùng câu quan họ cũng đủ làm lòng người xao xuyến. Qua câu chuyện đó, ta có thể hình dung từ sản phẩm du lịch, con người làm du lịch, hình ảnh gợi nhớ truyền thống, câu chuyện dẫn dắt đều được nghiên cứu đồng bộ và tạo nét riêng, tạo sự hấp dẫn không thể chối từ với khách du lịch quốc tế”, CEO Wondertour Lê Công Năng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ đạo tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, thời gian tới, cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư