Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Công Thương nói về điều hành giá xăng để "được cả trong lẫn ngoài"
Nguyễn Lê - 01/06/2022 17:16
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao đổi bên hành lang Quốc hội sau khi giá xăng tăng giá kỷ lục.
.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Quốc hội.

15 giờ ngày 1/6, khi Quốc hội đang thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội, đại biểu đang bày tỏ lo ngại về giá xăng dầu thì theo quyết định của liên ngành Công thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít.

Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15 giờ ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng/lít.

Ngay sau đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội về động thái xăng tăng giá kỷ lục, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận so với thế giới, giá xăng của Việt Nam vẫn thấp hơn nên đang có tình trạng “chảy xăng dầu ra nước ngoài”.

Cho rằng lo ngại tăng giá xăng, dầu làm tăng giá đầu vào vật tư, làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, là không sai. Song, ông Diên cũng lý giải nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao nên hàng hóa làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.

“Ta sản xuất ra bán cho người tiêu dùng cả thế giới, giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, thì có phải là thiệt hại không?”, ông Diên đặt vấn đề.

Bộ trưởng Diên cũng nhấn mạnh Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu chúng ta ép giá đầu vào sẽ có nguy cơ bị kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí, các đối tác có thể kiện chúng ta là thao túng tiền tệ.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh phải cân nhắc và tính toán rất kỹ, không thể nói một chiều. Vì vậy, một mặt phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, để kiểm soát thị trường để giảm giá.

Trong trường hợp mà giá xăng dầu tăng quá cao, chúng ta phải dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, như vậy mới được “cả trong lẫn ngoài”.

“Nếu ta chỉ nghiêng về hướng làm sao để ép cho giá thật thấp, để giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào, vô hình trung gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và chuốc thêm hậu quả như bị kiện, và có thể gây nên tình trạng buôn lậu”, ông Diên nhấn lại.

Trước đó, trong hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề về việc hạ giá xăng dầu, giảm khó khăn cho người dân, nền kinh tế.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) dự báo giá xăng dầu thời gian tới có thể tục tăng hoặc giữ mức cao, sẽ tác động lên lạm phát, ảnh hưởng thu nhập, chi tiêu của ngươi dân.

Theo đại biểu, vừa qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, song hiện nay mặt hàng vẫn chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, để đảm bảo giá xăng dầu bớt tăng quá “nóng”, đại biểu đề nghị các cấp thẩm quyền cần sớm quyết định điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng tương tự như hạ thuế bảo vệ môi trường vừa qua.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này.

Việc này, theo ông Cường, nhằm tránh việc đẩy mặt bằng giá các hàng hóa khác tăng theo. Để đảm bảo nguồn thu, cân đối việc hụt từ giảm thuế xăng dầu, đại biểu kiến nghị tăng thu từ khai thác dầu.

"Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định", ông Cường phát biểu. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Bởi giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng "domino" với giá cả các mặt hàng khác.

Giá xăng dầu tăng cao đẩy CPI tháng 5/2022 tăng 0,38%
Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư